Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, khi đi trên quốc lộ 1A, ngang qua Quảng Ngãi, người ta vẫn còn trông thấy những xe nước dọc sông Trà, sông Vệ. Nhưng rồi những hình ảnh thân quen tự hàng mấy trăm năm trước tựa như lời ru, bỗng lặn khuất và rồi bặt tăm.
Xe nước tương ứng với chữ Hán là thủy xa với ý niệm dùng chính sức nước để đưa nước lên đồng ruộng. Xe nước không chỉ có ở Việt Nam và ở Việt Nam không chỉ có xe nước ở Quảng Ngãi. Nhưng ở Quảng Ngãi, xe nước có số lượng lớn, quy mô hoành tráng, nổi tiếng nhất trong nước và ghi đậm trong tâm trí người địa phương cũng như khác phương xa, nhạc sĩ Vân Đông có bài ca Nhớ đàn xe nước. Nhà thơ Nguyễn Viết Lãm có câu: Xe sông chở nước trưa hè lên cao. Nhạc sĩ Trương Quang Lục trong ca khúc nổi tiếng Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường có câu: Tiếng hát bờ xe ven sông Trà Khúc…
Xe nước ở Quảng Ngãi chủ yếu trên sông Trà Khúc và sông Vệ. Trong đó, xe nước trên sông Trà Khúc lớn hơn về số lượng lẫn quy mô. Ở các sông này, xe nước trải thành hàng trên sông, lấp lánh, róc rách tiếng nước ngày đêm không ngừng chảy, tạo cho bức tranh sông núi thêm phần sinh động, hùng vĩ mà nên thơ. Ở rìa phía bắc tỉnh Quảng Ngãi, trên sông Trà Khúc cũng tập trung nhiều xe nước. Chưa kể xe nước làng Phú Nhơn bên kia sông, trên địa hạt thành phố Quảng Ngãi ít nhất cũng có 3 xe nước của các làng Thu Phố, Chánh Lộ, Ba La.
Theo P.Guilleminet trong tập Một ngành công nghiệp An-nam thì xe nước du nhập vào Quảng Ngãi đầu tiên ở sông Vệ vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, trải qua một thời gian dài về sau đến sông Trà Khúc và chính ở đây xe nước được dựng với quy mô và có số lượng lớn (chúng tôi đã tìm được tư liệu ghi rất khớp vớưi công trình của Guilleminet, với tên tuổi của người phụ nữ được gọi là “Mụ Diệm”, người đầu tiên đưa kỹ thuật xe nước từ phủ Hoài Nhơn về dựng đặt ở làng Bồ Đề, Quảng Ngãi). Theo Nguyễn Bá Trác trong tập Quảng Ngãi tỉnh chí, thì ở Quảng Ngãi thời điểm 1933 có đến 96 bờ xe nước. Theo Nguyễn Đóa và Nguyễn Đạt Nhơn trong tập Địa dư tỉnh Quảng Ngãi thời điểm 1939, thì sông Vệ có chừng 50 bờ xe nước, sông Trà Khúc có trên 40 bờ.
Một bờ xe có từ 3 đến 10 bánh, tưới từ 15 đến 50ha. Nhờ xe nước mà những năm hạn hán, mùa màng ở Quảng Ngãi đỡ bị thiệt hại. Theo tài liệu Quảng Ngãi tỉnh chí, trong số các xe nước được thống kê, xe nước làng Thu Phố có đến 9 bánh (chỉ sau xe nước làng Đồng Nhơn 10 bánh), tưới được 150 mẫu ruộng, số hoa lợi thu được 20.184 ang lúa, tiền làm xe nước tốn đến 3.500 đồng, chi tiêu rồi còn 753 đồng, đều cao nhất so với các xe nước khác, kể cả xe nước làng Đồng Nhơn. Còn theo tập sách của Guilleminet (đã dẫn) thì xe nước các làng Thu phố, Chánh Lộ cũng thuộc hạng cao về chi phí dựng đặt lẫn hoa lợi thu được. Các tài liệu khác còn ghi ở làng Ba La có cả bờ xe đôi, nghĩa là cùng một bờ có một đôi xe nước vận hành. Tài liệu của Guilleminet còn trích một lá đơn (chữ Hán) của một người tên là Võ Văn Gui quê gốc làng Ba La, đến trú tại Chánh Lộ năm Đồng Khánh thứ ba (1888) xin dựng 1 guồng xe nước tại Chánh Lộ để tưới cho các thôn Bầu Lân, Thông Viên và Cổ Đồng. Như vậy, rất có thể guồng nước ở Chánh Lộ xuất hiện muộn hơn xe nước ở các làng Ba La, Thu Phố và chắc do địa hình khó dựng đặt và người biết dựng đặt xe nước có muộn hơn. Không cần phải nhắc lại rằng, các xe nước trên sông Trà Khúc đóng vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp trong vùng, trong điều kiện mực nước sông có độ chênh quá cao so với đồng ruộng mà chưa có những phương tiện cơ giới nào thay cho sức người. Mặc dù xe nước luôn phải dựng đặt và dỡ dọn hàng năm để tránh lũ lụt, tốn kém rất nhiều tiền bạc và công sức, nhưng không vì thế mà các xe nước phải ngưng hoạt động trong một năm nào. Gần như nó cũng không ngưng cả những khi có chuyển biến của thời cuộc, chiến tranh. Các xe nước, trong đó nổi bật các xe nước làng Thu Phố, Chánh Lộ, Ba La thuộc địa hạt thành phố Quảng Ngãi ngày nay, vẫn liên tục tồn tại qua nhiều thời kỳ, từ thời Tây Sơn đến nhà Nguyễn, đến thời Pháp thuộc, qua hai cuộc kháng chiến đến sau 1975. Sự tồn tại của các xe nước luôn gây ấn tượng rất mạnh cho những ai có dịp đến thăm Quảng Ngãi.
Các nhà nghiên cứu Pháp đã không tiếc công sức đi sưu tầm tài liệu, ghi chép điền dã, nghiên cứu tỉ mỉ về kỹ thuật, sự vận hành, cơ chế ăn chia, lợi tức do các xe nước đem lại. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cứu nước các bờ xe nước vẫn hoạt động bình thường. Nhiều người Mỹ đã chụp ảnh, quay phim, thuê đóng mô hình xe nước để làm vật kỷ niệm mang về nước. Sau 1975, guồng xe nước tiếp tục tồn tại đến khoảng 10 năm sau, khi công trình Thạch Nham được xây dựng. Tính ra xe nước ở Quảng Ngãi đã tồn tại liên tục khoảng 250 năm, gắn liền với hình ảnh thân thương của những người nông dân Quảng Ngãi cần mẫn.
Khi xe nước còn tồn tại, đã có biết bao thơ văn, bao bài hát ca ngợi bờ xe. Xe nước biến mất khiến mọi người luyến tiếc. Đã có những ý tưởng muốn dựng đặt lại một vài xe nước ở đoạn sông phía bắc thành phố Quảng Ngãi để lưu lại hình ảnh đẹp đẽ của một thời. Đây là một ý tưởng hay, nếu thành hiện thực nó sẽ khiến xe nước sẽ thêm đẹp trong hoài niệm cuảt mọi người.
. Theo Báo Quảng Ngãi |