Trống đồng là biểu tượng cho quyền uy của tộc người hoặc cá nhân thủ lĩnh của một số tộc người, nó còn là nhạc khí sử dụng trong những nghi thức thiêng liêng. Trống đồng Thanh Hoá gắn liền với văn hoá Đông Sơn, nền văn minh của thời đại các vua Hùng dựng nước và còn trường tồn cùng với các vương triều đã có công xây đắp cho nền độc clập, tự chủ của nhân dân Đại Việt.
Thanh Hóa là tỉnh đứng đầu cả nước về số lượng phát hiện trống đồng Heger I (trống Đông Sơn) và là địa phương đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tìm thấy trống đồng thông qua khai quật khảo cổ học. Trống đồng Heger I được phân theo các nhóm A, B,C,D có niên đại từ thế kỷ III trước Công nguyên đến thế kỷ V sau Công nguyên. Trống đồng Thanh Hóa không chỉ nhiều về số lượng, kích cỡ, đẹp về kiểu dáng, nhiều chiếc có niên đại sớm, trong số 79 chiếc trống đồng Đông Sơn tìm thấy ở địa bàn tỉnh Thanh Hoá tiêu biểu nhất phải kể đến trống Quảng Xương (địa danh phát hiện trống).
Trống Quảng Xương- thuộc nền văn hoá Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm. Trống Quảng Xương (do viên thuế quan người Pháp tên là Pajot mua ở Quảng Xương năm 1934), hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, cao 29 cm, đường kính miệng 36,5 cm, trống được xếp vào Heger I, là loại trống xuất hiện sớm và có giá trị trong sưu tập trống Đông Sơn. Đây là chiếc trống có kích thước vừa phải, hình dáng đẹp, cân đối, tập trung hoa văn phong phú, hiện thực, trống bị vỡ thân, ngoài phủ một lớp patin màu xanh ngả xám. Cho đến nay, trong số trống Đông Sơn phát hiện được ở Thanh Hoá, chưa có chiếc nào vượt trống Quảng Xương về mọi phương diện.
Hoa văn trên trống Quảng Xương như một thế giới của hiện thực, rất phong phú và sinh động, phản ánh nhiều trạng thái khác nhau về đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Đông Sơn.
Hoa văn của trống Đông Sơn được thể hiện như sau: Giữa mặt trống hình ngôi sao 8 cánh nổi dày(tượng trưng cho mặt trời toả sáng) xen giữa các cánh sao là hoa văn gạch chéo song song. Bao quanh ngôi sao là các vòng hoa văn(gồm 7 vòng). Vành hoa văn hình học gồm vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, vạch thẳng song song. Vành đai hoa văn hình người, hình các vật gồm: hai ngôi nhà sàn đối xứng nhau, nóc nhà võng cong xuống, xen giữa là hai nhóm người hoá trang cách điệu, những người này mặc váy có vạt toả ra hai bên. Mặc đẹp và cầu kỳ là những người đang nhảy múa, họ được choàng áo lông chim và đội mũ cắm lông chim trên đầu. Vành hoa văn động vật có 6 chim, loại chim mỏ dài, đuôi dài, có mào, mình ngắn bay ngược chiều kim đồng hồ. Tang trống có 3 vành hoa văn gồm vòng tròn tiếp tuyến có chấm giữa, có 6 hình thuyền, thuyền mũi cong dài dạng mỏ chim, trên thuyền có một số người đứng, có võ sĩ với nhiều tư thế hoạt động khác nhau. Thân chia ô, có 8 vành hoa văn, vành 1: có 8 ô chữ nhật đứng, 6 ô được trang trí hình người hoá trang lông chim, cầm mộc, đầu trang sức giống hình chim, các vành còn lại gồm 6 chiếc thuyền, trên thuyền dáng cong có người đứng. Quai trống đối xứng từng cặp đúc nổi hình bông lúa…
Trống đồng Quảng Xương là hiện vật thể hiện đỉnh cao phát triển của văn hoá Đông Sơn. với đầy đủ những tri thức khoa học của thời đại cũng như tài năng nghệ thuật và tâm hồn người Việt cổ. Đồ án hoa văn trang trí trên trống Quảng Xương có thể coi là chuẩn mực hài hoà về đặc trưng, phong cách nghệ thuật trang trí đồ đồng Đông Sơn.
. Theo Báo Thanh Hóa |