“Ngón tay của Chúa” trên núi Đá Bia
17:3', 31/3/ 2006 (GMT+7)

Qua khỏi cua Đá Đen trên đèo Cả phía tỉnh Khánh Hòa, khách lữ hành dễ nhận ra núi Đá Bia hay Thạch Bi Sơn, bởi trên đỉnh núi có một tảng đá rất lớn. Theo một tư liệu của Pháp (được ông Võ Liệu dịch, đăng trên tạp chí Giáo Dục Phổ Thông số 44, năm 1962), núi Đá Bia còn có một tên gọi khác lý thú do người Pháp đặt: “Ngón tay của Chúa”.

                           Núi Đá Bia

Tên gọi này xuất phát từ những thủy thủ đi tàu, khi họ từ biển khơi nhìn vào đèo Cả thì núi Đá Bia giống như hình ngón tay chỉ lên trời, và họ căn cứ vào “Ngón tay của Chúa” để định hướng cho tàu bè.

Toàn quyền Pháp Paul Doumer bấy giờ đã tả “Ngón tay của Chúa” như sau: “Đây là mỏm Varella, núi khá cao và lớn, chân núi chạy dài ven theo biển. Trên đỉnh có một hòn đá dài chĩa lên trời trông như một ngón tay, và cách xa 20 dặm người trên tàu vẫn nhìn thấy “Ngón tay của Chúa”. Tàu Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đến vùng biển này cập cảng. Tất cả đều lấy “Ngón tay của Chúa” làm mục tiêu và không bao giờ nhầm lẫn được”.

Núi Đá Bia bao nhiêu năm qua bị lãng quên vì địa hình trắc trở và hoang vắng, mới đây Công ty Hoàng Long (Phú Yên) đã quyết định đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái rừng mang tên Đá Bia nơi này. Tận dụng nguồn nước tự nhiên chảy ra từ mạch núi, người ta đã “bắt” dòng nước chảy qua những khe đá, hang động, tạo thành những thác nước luôn reo lên những âm vang kỳ thú.

Đặc biệt là những tảng đá tự nhiên tại đây có hình dáng rất giống gà, rùa, thỏ, cá chép... Ngoài 30ha trồng cây bạch đàn, sao, tràm, thông hai lá... lấy bóng mát và tạo cảnh quan, Gần đây, Công ty Hoàng Long dự định trồng thêm 10.000 cây dó bầu với hi vọng sẽ có một nguồn thu không nhỏ vì trước đây rừng ở khu vực núi Đá Bia từng nổi tiếng về sản lượng trầm hương và kỳ nam khai thác từ cây dó bầu.

Từ cổng chính nằm ở cầu Suối Lớn, con đường dẫn vào khu du lịch quanh co qua những khối đá hoa cương đen, qua thác Đá Trứng, bãi Đá Trứng, hồ Mạch Rồng, hang Đại Thanh cùng nhiều hang động không tên vừa đẹp vừa lạ... Nối liền các hang động, thác nước ẩn trong cây rừng bạt ngàn là những cầu thang hoang sơ bám trên mặt đá hay len lỏi qua rừng cây đại thụ.

Từ khu du lịch, du khách có thể thử sức chinh phục núi Đá Bia ở độ cao 706m để phóng tầm mắt ngắm nhìn non nước Phú Yên bên dưới: kia là đầm Hảo Sơn một thời vang bóng những đàn cá sấu nay là đồng lúa bát ngát, xa xa là những khu công nghiệp đang hình thành, là bãi biển chạy dài với nhiều chân núi nhô ra mặt biển tuyệt đẹp trong buổi bình minh hay lúc chiều tà...

. Theo Miền Trung xưa và nay

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Trống Quảng Xương và văn hóa Đông Sơn  (31/03/2006)
Hoài niệm bờ xe nước  (30/03/2006)
Những vườn chè cổ thụ ở Đà Lạt  (29/03/2006)
Bảo tàng điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng  (28/03/2006)
Thợ kim hoàn trên núi cao  (27/03/2006)
Chùa Ve chai (Linh Phước) thể hiện lối kiến trúc đồ sộ và độc đáo của Đà Lạt  (27/03/2006)
Di sản văn hóa Sa Huỳnh  (26/03/2006)
Từ thành công của đường bay Đà Lạt - Hà Nội  (23/03/2006)
Thầy dạy hai Tổng bí thư  (23/03/2006)
Thanh Hóa - địa chỉ bảo tàng văn hóa đá  (22/03/2006)
Nguyễn Khoa Ðăng - Bao Công Việt Nam  (22/03/2006)
Hướng tới mục tiêu đô thị có thương hiệu  (21/03/2006)
Trẩy hội Thu Bồn  (21/03/2006)
Gong Lu - Cồng đá Tây Nguyên  (20/03/2006)
“Khu du lịch làng quê Việt Nam” ở Hội An  (16/03/2006)