Du lịch hoài niệm chiến trường Quảng Trị xưa
10:26', 3/4/ 2006 (GMT+7)

Quảng Trị là địa phương duy nhất của cả nước được Tổng cục Du lịch và Bộ Quốc phòng chọn thực hiện quảng bá thương hiệu “Du lịch hoài niệm về chiến trường xưa và đồng đội”.

Một năm qua, kể từ ngày loại hình du lịch này ra đời, Quảng Trị đã đón gần 800.000 lượt khách trong và ngoài nước về thăm lại chiến trường xưa theo tour du lịch hoài niệm. Theo ông Nguyễn Văn Dùng, Phó giám đốc Sở Thương mại- Du lịch tỉnh Quảng Trị thì trên chiến trường xưa Quảng Trị, di tích Thành cổ Quảng Trị, Nghĩa trang Trường Sơn, đường 9, cụm di tích đôi bờ Hiền Lương và sân bay Tà Cơn- Khe Sanh… là những điểm quan trọng nên đến trong tour du lịch hoài niệm , vì đây là những nơi mang nhiều dấn ấn nhất lịch sử của đất nước. Phần lớn du khách trong cuộc đời của mình đều mong muốn  một lần được đến đất thiêng Quảng Trị. Bác Nguyễn Văn Vũ, một đại tá quân đội về hưu sống ở TP Hồ Chí Minh, không năm nào không trở lại thăm Quảng Trị. Bác nói, không đến được chiến trường xưa Quảng Trị, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn thắp hương cho các đồng đội là ăn ngủ không yên. Vượt cả hàng hàng km về lại chiến trường xưa, bác ngồi thì thầm một mình bên nấm mồ các anh hùng liệt sĩ hàng tiếng đồng hồ. Rồi bác đi một vòng quanh thắp hàng ngàn nén hương cho đồng đội. Sau những ngày “được ở gần đồng đội” cảm thấy tinh thần được thanh thản, dễ chịu hơn. Đó là nhu cầu tình cảm có thật của người còn sống với người đã anh dũng hy sinh.

Sáng 13-3, John Scott Joones và James Lary Whilock, hai cựu chiến binh Mỹ theo tour du lịch hoài niệm đến Quảng Trị, thăm chiến trường xưa. Trở lại Việt Nam, John Scott Joones mang theo hai con trai của mình đến thăm lại nơi trước họ đã tham gia một cuộc chiến từng bị công chúng yêu chuộng hoà binh phản đối ngay từ trong lòng nước Mỹ. John Scott Joones nói với con trai: “Dẫu có cố gắng như thế nào thì chúng ta cũng không thay đổi được quá khứ. Chúng ta cùng nhau hướng tới tương lai tươi sáng và làm cho nó ngày càng đẹp hơn. Quảng Trị hôm nay có nhiều đổi thay đến ngạc nhiên”. Còn hai người con trai của John Scott Joones được sinh ra sau cuộc chiến tranh tại Việt Nam cứ ngẩn người khi được bố của mình chỉ cho thấy vị trí sân bay Tà Cơn, Khe Sanh, nơi ngày trước ông may mắn thoát chết trong lửa đạn của chiến tranh. Nhưng một người bạn của ông không được may mắn như vậy. Tại sân bay Tà Cơn, ba bố con của John Scott Joones đã ôm nhau khóc. John Scott Joones ngồi xuống xin bốc nắm đất Khe Sanh bỏ vào một lọ nhỏ bằng thuỷ tinh mang về Mỹ làm kỷ niệm. Một điều kỳ thú hơn, khi vào thăm nhà bảo tàng tại Tà Cơn, John Scott Joones nhìn vào một tấm ảnh và phát hiện ra mình có trong đó, vào một ngày của năm 1968, khi John Scott Joones bị thương.

Tối 13-3, cựu chiến binh Việt Nam, ông Hồ Văn Sáng trú tại Khe Sanh mời John Scott Joones và James Lary Whitkock cùng các con của bạn dùng bữa cơm tối thân mật. Đây là cuộc hội ngộ lần đầu tiên tại Khe Sanh giữa các CCB Việt Nam và Mỹ. Ông Hồ Văn Sáng mời những người bạn mới bữa cơm gồm các món… tây và một món rất đặc biệt- có tên Đoác. Theo ông Sáng, ngày xưa, khi ở rừng, chiến sĩ Việt Nam thường ăn những vật phẩm của rừng để nuôi quyết tâm thống nhất đất nước”. Nghe kể chuyện của “phía bên kia”, James Larry Whitlock rất ngạc nhiên và vô cùng thán phục. Trước lúc rời Khe Sanh, John Scott Joones và James Larry Whitlock đã đứng lặng im thật lâu bên sườn núi, như  muốn gọi những người đồng đội đã tử trận hãy theo các ông để về nhà.

Chuyến trở lại Việt Nam lần này, ngoài tham quan di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, sân bay Tà Cơn- Khe Sanh, các CCB Mỹ còn đến thăm di tích Dốc Miếu, vĩ tuyến 17- đôi bờ Hiền Lương. Anh Nguyễn Thanh Duy- hướng dẫn viên của Trung tâm lữ hành DMZ Travel- thuộc Công ty cổ phần Du lịch Quảng Trị, cho biết: thời gian qua có rất nhiều CCB Mỹ và bạn bè, gia đình của họ tìm về Quảng Trị thăm lại chiến trường xưa, nơi có nhiều kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời của họ. Có nhiều người đến Quảng Trị như để sám hối về những việc làm trước đây của mình. Trở lại chiến trường xưa Quảng Trị, nhiều CCB Mỹ đã bật khóc… khi nhìn thấy có quá nhiều trẻ em Quảng Trị nhiễm chất độc da cam. Và khóc cả khi nghe giới thiệu kết thúc chiến tranh, thành cổ Quảng Trị được xem như nghĩa trang không có nấm mồ.

. Theo Báo Văn hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
“Ngón tay của Chúa” trên núi Đá Bia  (31/03/2006)
Trống Quảng Xương và văn hóa Đông Sơn  (31/03/2006)
Hoài niệm bờ xe nước  (30/03/2006)
Những vườn chè cổ thụ ở Đà Lạt  (29/03/2006)
Bảo tàng điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng  (28/03/2006)
Thợ kim hoàn trên núi cao  (27/03/2006)
Chùa Ve chai (Linh Phước) thể hiện lối kiến trúc đồ sộ và độc đáo của Đà Lạt  (27/03/2006)
Di sản văn hóa Sa Huỳnh  (26/03/2006)
Từ thành công của đường bay Đà Lạt - Hà Nội  (23/03/2006)
Thầy dạy hai Tổng bí thư  (23/03/2006)
Thanh Hóa - địa chỉ bảo tàng văn hóa đá  (22/03/2006)
Nguyễn Khoa Ðăng - Bao Công Việt Nam  (22/03/2006)
Hướng tới mục tiêu đô thị có thương hiệu  (21/03/2006)
Trẩy hội Thu Bồn  (21/03/2006)
Gong Lu - Cồng đá Tây Nguyên  (20/03/2006)