Sau thành công của 3 kỳ Festival Huế 2000, 2002, 2004, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam. Festival Huế đã trở thành một "thương hiệu" hấp dẫn, tạo được tiếng vang ở trong nước và lan tỏa đến nhiều khu vực trên thế giới.
Năm nay, Festival Huế 2006 lại diễn ra đúng vào thời điểm kỷ niệm 700 năm lịch sử của vùng đất Thuận Hóa- Phú Xuân- Thừa Thiên Huế. Từ đầu tháng 5 năm 2006, những hoạt động khởi động của Festival Huế 2006 sẽ diễn ra liên tục trong một tháng với Trại Điêu khắc Quốc tế “Ấn tượng Huế- Việt Nam 2006”, với Trại sáng tác âm nhạc Quốc tế lần đầu tiên diễn ra ở Việt Nam, với chương trình gặp mặt năm văn hóa Việt Nam-EU, với Festival Thơ Huế, với cuộc gặp gỡ đầy ấn tượng của “những người đẹp các kinh đô xưa ở Việt Nam” và nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, du lịch, thể dục thể thao sôi động và đa dạng.
|
Các pa-nô, áp-phích quảng cáo cho Festival Huế 2006 vào tháng 6 tới và 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân- Thừa Thiên Huế đã bắt đầu xuất hiện trên các đường phố Huế.
|
Bắt đầu từ 3/6/2006, liên tục trong 9 ngày đêm, cố đô Huế và nhiều vùng phụ cận sẽ trở thành một không gian văn hóa hấp dẫn, với hàng trăm chương trình văn hóa du lịch diễn ra liên tục nhằm tôn vinh những giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, gắn với mở rộng giao lưu văn hóa, với hội nhập và phát triển, đánh dấu nỗ lực của Thừa Thiên Huế đang vươn tới để trở thành một tỉnh phát triển mạnh của miền Trung và cả nước, một trong những trung tâm văn hóa du lịch độc đáo của Việt Nam.
Lễ hội khai mạc Festival Huế 2006 tối 3/6/2006 sẽ diễn ra ở quảng trường Ngọ Môn với quy mô hoành tráng, mang đậm sắc thái của văn hóa Việt Nam, kết hợp giữa nghệ thuật chuyên nghiệp trên sân khấu với những trò diễn dân gian ở quảng trường, với nghệ thuật pháo hoa độc đáo của nghệ sĩ pháo hoa quốc tế Pierre Alain Hubert, xen lẫn giữa những tiết mục đặc sắc của dàn nhạc giao hưởng dân tộc, những vở múa cung đình và Nhã nhạc Việt Nam, những tiết mục có chất lượng cao của nhiều đoàn nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam.
Từ 3/6 đến 11/6/2006, nhiều chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp có chất lượng cao sẽ diễn ra hàng đêm ở Đại Nội và biệt cung An Định, nối kết với những hoạt động văn hóa, du lịch, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật có tính cộng đồng, diễn ra đa dạng ở Kinh Thành Huế và các vùng phụ cận, biến Huế trở thành một sân chơi hoành tráng, đầy ấn tượng và hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ở trung tâm Đại Nội và biệt cung An Định, những loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cung đình Huế, nghệ thuật có chất lượng cao của nhiều vùng miền tiêu biểu của Việt Nam sẽ góp mặt cùng với các chương trình nghệ thuật của Pháp (vở múa “Hạn hán và cơn mưa” Volume 2 của Ea Sola, vở “Lễ đăng quang” phối hợp giữa Nhà hát Monte Charge và Nhà hát Tuồng Việt Nam, chương trình âm nhạc của vùng Nord Pas de Calais, nhóm hài Les Matapestes vùng Poitou Charentes... ), với loại hình múa hình thể đương đại của Anh (vở diễn Lifelines), điền kịch của Trung Quốc (Nhà hát Điền kịch Vân Nam), múa cổ điển của Nga (Đoàn nghệ thuật Divertisement), ca múa nhạc của Thái Lan, Inđônêsia, âm nhạc Tangô đầy ấn tượng của Achentina, Nhã nhạc của Hàn Quốc, Nhật Bản,... Đặc biệt trong mỗi tour 3 ngày đêm sẽ có một “đêm Hoàng cung Huế” đầy ấn tượng độc đáo diễn ra ở Đại Nội, tái hiện lại không gian huyền ảo của cung điện Huế, với những sinh hoạt nghệ thuật múa hát cung đình, trình tấu Nhã nhạc, biểu diễn tuồng Huế, ca Huế,... gắn với những sinh hoạt ẩm thực cung đình đa dạng, từ dạ nhạc tiệc cung đình đến uống rượu, thưởng hoa, uống trà, thưởng thức các loại bánh Huế, chè Huế,... làm sống lại những thú vui giải trí cung đình xưa như ném phi tiêu vào đầu hồ, thả thơ đố chữ, đề thơ trên đèn lồng,.. ngắm nhìn voi ngựa, kiệu hoa, với hình ảnh của quan binh, cung phi, thị nữ, thái giám,... một thời cố đô xưa.
Đặc biệt, lần đầu tiên Festival Huế sẽ tái hiện dưới hình thức nghệ thuật lễ hội Truyền lô- vinh quy bái tổ, trình diễn lại lễ xướng danh, rước bảng vàng đề danh tiến sĩ từ lầu Ngọ Môn ra Phu Văn Lâu, đưa tiến sĩ tân khoa về Hoàng cung dự yến tiệc, cỡi ngựa thưởng hoa, rước tiến sĩ về làng vinh quy bái tổ. Lễ hội Nam Giao cũng sẽ được tái hiện với quy mô hoàn chỉnh hơn để giới thiệu vẻ đẹp uy nghi, hoành tráng của một lễ hội cung đình Việt Nam, quảng diễn về nét đẹp của văn hóa lễ nghi và trang phục cung đình, làm sống lại không gian diễn xướng của các loại hình nghệ thuật Nhã nhạc, múa hát cung đình Huế, lễ rước Nam Giao xuất cung từ Đại Nội lên đàn Nam Giao, lễ tế Giao, lễ rước Nam Giao hồi cung từ Trai cung về Đại Nội.
Bên cạnh những chương trình nghệ thuật và lễ hội truyền thống, Festival Huế 2006 lại tiếp tục giới thiệu vẻ đẹp độc đáo của chiếc áo dài Việt Nam, áo dài Huế được cách tân theo phong cách thời trang hiện đại, được trình diễn trong không gian độc đáo của sông nước Hương Giang với hàng trăm người mẫu đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Huế, với lối thể hiện mới lạ, đặc sắc, gắn trình diễn thời trang với biểu diễn nghệ thuật pháo hoa bên dòng sông Hương và trên chiếc cầu Trường Tiền nổi tiếng của Huế.
|
Đêm giao lưu "Âm sắc Huế với bạn bè quốc tế" sẽ được tổ chức ở Nghinh Lương Đình.
|
Cũng lần đầu tiên ở Việt Nam, ngay sau lần đón danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, không gian văn hóa cồng chiêng của Tây Nguyên sẽ được tái hiện ở Festival Huế 2006 với hình ảnh ngôi nhà sàn truyền thống Tây Nguyên, với những sinh hoạt lễ cúng Giàng, lễ hội cồng chiêng và trò săn voi độc đáo của Bản Đôn, Buôn Ma Thuột.
Từ kinh thành Huế đến các vùng phụ cận, từ những đền đài, cung điện, lăng tẩm đến những phố cổ và làng quê xứ Huế sẽ diễn ra nhiều sinh hoạt văn hóa, du lịch, lễ hội đa dạng. Đến với Festival Huế 2006, du khách sẽ tiếp tục khám phá về nghệ thuật sống đa dạng của cố đô Huế, khám phá về vùng rau xanh Huế, về đầm phá Tam Giang, về vùng đồi núi Trường Sơn và khu du lịch sinh thái Bạch Mã- Lăng Cô- Cảnh Dương, hành hương về những ngôi chùa Huế nổi tiếng, sống lại với những đám cưới Huế xưa, với những món ăn chay xứ Huế... Từ các vùng phụ cận Huế sẽ diễn ra những ngày lễ hội “Lăng Cô huyền thoại biển”, “Thuận An biển gọi”, “Âm vang Trường Sơn”, “Chợ quê ngày hội”,... đa dạng và hấp dẫn.
Festival Huế 2006 cũng là dịp để Thừa Thiên Huế xúc tiến gặp gỡ, trao đổi và hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực với bạn bè trong nước và quốc tế. Hội chợ Festival Huế 2006 với quy mô lớn sẽ diễn ra ở Trung tâm Thi đấu Thể dục Thể thao Thừa Thiên Huế. Những cuộc hội thảo, hội nghị quốc tế về y học, về chữ Nôm và chữ biểu tượng thế giới, về hợp tác đầu tư phát triển sản xuất và dịch vụ sẽ diễn ra trong những ngày Festival sôi động.
Tiến tới một kỳ Festival mới, Thừa Thiên Huế đang hợp sức với các bộ ngành của trung ương, với các tỉnh và thành phố bạn, các Đại sứ quán, các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước để khẩn trương chuẩn bị. Một chu kỳ chuyển động mới đang bắt đầu. Cùng với nhịp điệu phát triển của đất nước, Thừa Thiên Huế đang bước vào một mùa lễ hội văn hóa du lịch mới sôi động và đầy ấn tượng.
. Theo Netcodo
|