Tìm kiếm lăng mộ Quang Trung:
Miệng "chén ngọc" hay cái huyệt yểm ?
11:6', 7/4/ 2006 (GMT+7)

Chữ "Nguy" trong bản gốc mà có người đọc thành "Khuân", có người đọc thành "Nguỵ".

Lăng mộ Quang Trung, người đương thời gọi là Đan Lăng hay Đan Dương lăng. Tháng 11 Tân Dậu (1801), 6 tháng sau khi chiếm được Phú Xuân, Gia Long đã cho phá hủy lăng mộ Quang Trung, san thành bình địa. Từ đó đến nay đã hơn 200 năm, Đan Lăng bị mất dấu. Vị trí Đan Lăng ở đâu vẫn là điều bí ẩn đối với biết bao thế hệ các nhà nghiên cứu.

Tháng 10/2005, Ban dịch thuật Hán – Nôm tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện bài thơ "Kiến Quang Trung linh cữu" (1771-1846) và lại một lần nữa làm lóe lên tia hy vọng tìm kiếm lại Đan Lăng.

Ngày 8/2/2006, tại Huế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế và Bảo tàng Huế đã tổ chức một cuộc tọa đàm mang tên "Hướng đi tìm lăng mộ Quang Trung" có mời hai tác giả Hồng Phi - Hương Nao, những người đã phát hiện ra bài thơ trên từ Thanh Hóa vào tham dự. Cuộc tọa đàm nhằm xác định một địa danh mà các nhà nghiên cứu Hán - Nôm tỉnh Thanh Hóa tạm thời phiên âm là "Khuân Sơn" trong câu thơ "Khuân Sơn họa tại bách niên phần" (Núi Khuân Sơn không ngờ lại để họa đến phần mộ trăm năm). Đây là một địa danh rất quan trọng, chỉ ngọn núi có lăng mộ Quang Trung.

Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm đó các nhà nghiên cứu Hán - Nôm Huế đã chứng minh rằng, chữ "Khuân" mà người xưa dùng để ghi tên núi Khuân Sơn được viết theo tự dạng với nghĩa "Khuân" là "kho", là một chữ Hán chứ không phải chữ Nôm, tên địa phương. Một nhà nghiên cứu khác là ông Trần Viết Điền thì cho rằng đây là chữ "Ngụy" trong họ Ngụy, nước Ngụy (chứ không phải chữ "Ngụy" trong "ngụy tặc").

Tuy nhiên, ở Huế xưa nay không có ngọn núi nào có tên là Ngụy Sơn. Có người lại dẫn "Khang Hy từ điển" mà bảo rằng, chữ này giống chữ "Xước". Cuộc tọa đàm không đi đến kết luận cuối cùng. Cái chữ mà các nhà Hán - Nôm Thanh Hóa đọc là "Khuân" ấy, kết cục không ai đọc được chữ gì. Địa danh ngọn núi có Đan Lăng vẫn là một bí ẩn thách thức các nhà nghiên cứu.

Tuy không xác định được tên riêng ngọn núi, nhưng dù sao đây vẫn là một bài thơ quý, khẳng định việc nhà nho Lê Triệu đã có mặt ngay sau khi vua quan nhà Nguyễn quật phá Đan Lăng. Việc phát hiện ra nó có một ý nghĩa rất đặc biệt.

Đôi điều xác tín về lăng mộ Quang Trung

Ngay sau khi Quang Trung qua đời, Ngọc Hân Công chúa đã có một bài thơ khóc chồng rất ai oán, thảm thiết. Đó là bài "Ai tư vãn". Mở đầu "Ai tư vãn", bà viết:

"Gió hiu hắt,

phòng tiêu lạnh lẽo

Trước thềm lan,

hoa héo dòn don

Cầu tiên khói tỏa đỉnh non

Xe rồng thăm thẳm,

bóng loan rầu rầu"

Ở đây "xe rồng" là xe tang vua, xe chở thi hài nhà vua. "Xe rồng thăm thẳm" là xe chở thi hài vua đi vào huyệt mộ. Trong câu thơ thứ 3, tác giả nhắc đến "Cầu tiên". Các nhà dịch thuật Hán - Nôm xưa nay đều chú thích rằng, "Cầu tiên" ở gần Linh Đường. Đúng là ở gần Linh Đường có địa danh Cầu tiên thật (nay ở phía nam ga Giáp Bát, Hà Nội).

Nhưng có lẽ nào người vợ khóc chồng lại không nhắc đến ngôi mộ thật (nơi có thi hài chồng) mà lại nhắc đến một ngôi mộ giả, xây lên cốt để lừa nhà Thanh? Mộ giả thì "thiêng liêng" nỗi gì? Vả lại, ở làng Linh Đường, nơi có ngôi mộ giả Quang Trung, và cả một vùng đất rộng lớn xung quanh đấy làm gì có núi mà bảo "khói tỏa đỉnh non". "Khói" ở đây là "khói hương" tỏa trên lăng mộ trên đỉnh núi! Sự thật ở đây tác giả nhắc đến ngôi mộ thật của Quang Trung và "Cầu tiên" là chỉ cây cầu của "Tiên" (chỉ người đã khuất) trên đường đi lên thiên đường mà thôi.

Bài "Ai tư vãn" nhắc đến lăng mộ Quang Trung trên một đỉnh núi. Nhà thơ Ngô Thì Nhậm khi nói đến Đan Lăng cũng nhắc đến một đỉnh núi: "Đỉnh Hồ Phiếu diểu vọng Đan Dương" (Đỉnh mây vời khuất, nhớ Đan Dương – Ngô Linh Ngọc dịch). Đặc biệt, nhà thơ Ngô Thì Hoàng khi viết về Quang Trung – Nguyễn Huệ có một bài Vịnh sử, trong đó có câu:

Tây Hồ cung lý vân

nhưng tỏa

Ngọc Trản phong đầu,

thổ vị can

(Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín - chỉ cung điện của Quang Toản sau khi chuyển ra Thăng Long.

Đầu núi Ngọc Trản, đất đắp mộ còn chưa khô - chỉ lăng mộ Quang Trung trên núi Ngọc Trản mới chôn chưa được bao lâu).

Ở đây, Ngô Thì Hoàng chỉ đích danh trên núi Ngọc Trản là lăng mộ Quang Trung. Ngô Thì Hoàng là em ruột Ngô Thì Nhậm và Ngô Thì Trí, hai vị đại thần nhà Tây Sơn. Vì vậy, thông tin về lăng mộ Quang Trung trên núi Ngọc Trản có thể chính xác.

Chúng ta biết rằng, nhà Nguyễn khi khai quật phá lăng mộ của nhà Tây Sơn đều đào "huyệt yểm" làm cho "đứt long mạch", làm cho nhà Tây Sơn không thể "ngóc đầu dậy được" (một quan niệm về tâm linh). Ngay mộ tổ 4 đời của Quang Trung ở làng Thái Lão (Hưng Nguyên, Nghệ An) sau khi bị đào bới, quật phá cũng đã bị yểm huyệt, cho đến năm 1978, người ta còn thấy cái "huyệt yểm" đó.

Đối với cụ tổ 4 đời còn bị đối xử như thế thì đối với lăng mộ Quang Trung, việc đào huyệt yểm là không thể bỏ qua. Từ những phân tích trên, tôi cho rằng, muốn tìm lăng mộ Quang Trung phải thỏa mãn hai điều kiện:

- Lăng mộ phải ở trên đỉnh núi.

- Lăng mộ đó sau khi bị quật phá đã bị yểm huyệt.

Từ đó tôi cho rằng, núi Ngọc Trản (Hòn Chén) chính là nơi đã tồn tại Đan Lăng và cái miệng "Chén ngọc" ấy có thể là huyệt yểm của Gia Long.

. Theo Netcodo

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đèo Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”  (06/04/2006)
Chùa giữa miệng núi lửa   (05/04/2006)
Festival Huế 2006: Những nét mới của một mùa lễ hội  (05/04/2006)
Nuôi hàu thương phẩm ở Khánh Hòa: Tiềm năng lớn, giá trị cao  (04/04/2006)
Du lịch hoài niệm chiến trường Quảng Trị xưa  (03/04/2006)
“Ngón tay của Chúa” trên núi Đá Bia  (31/03/2006)
Trống Quảng Xương và văn hóa Đông Sơn  (31/03/2006)
Hoài niệm bờ xe nước  (30/03/2006)
Những vườn chè cổ thụ ở Đà Lạt  (29/03/2006)
Bảo tàng điêu khắc Chămpa - Đà Nẵng  (28/03/2006)
Thợ kim hoàn trên núi cao  (27/03/2006)
Chùa Ve chai (Linh Phước) thể hiện lối kiến trúc đồ sộ và độc đáo của Đà Lạt  (27/03/2006)
Di sản văn hóa Sa Huỳnh  (26/03/2006)
Từ thành công của đường bay Đà Lạt - Hà Nội  (23/03/2006)
Thầy dạy hai Tổng bí thư  (23/03/2006)