Không còn bó hẹp trong khuôn khổ một lễ tế tổ sư của riêng những người theo đuổi nghề khai thác yến sào, Hội An đã góp thêm sắc màu cho Năm Du lịch quốc gia 2006 bằng một lễ hội dân gian theo nghi thức truyền thống, kết hợp với nhiều hoạt động khác phù hợp với cuộc sống đương đại, diễn ra trong một không gian rộng lớn, nhằm quảng bá nghề truyền thống với sản vật quý, giới thiệu vẻ đẹp quyến rũ cù lao và chấn hưng các lễ hội truyền thống dân gian.
|
Hang yến ở cù lao Chàm.
|
* Huyền sử yến sào
Có truyền thuyết về loài chim yến được lưu truyền trong dân gian xứ Quảng : Một cô gái tuổi trăng tròn vẫn mang khuôn mặt trẻ con, sống cùng cha mẹ già trong một làng chài trên bãi biển. Sau một trận hồng thủy, biển cuốn trôi cả làng mạc. Chỉ mỗi gia đình cô gái sống sót, trôi dạt vào một hòn đảo. Cô gái bươn bả kiếm tìm trên sỏi đá hoang vu chút thức ăn, nước uống để cứu cha mẹ khỏi kiệt sức, chết lịm vì đói, khát. Nhưng rốt cuộc, cô chỉ tìm được một lát khoai khô, nằm kẹt trong vách đá, đem về mớm, cả thức ăn, nước bọt của mình, cứu sống cha mẹ. Riêng cô thì chết giữa mây ngàn, gió núi. Ba năm sau, xuất hiện một loài chim, vóc dáng chỉ bằng chim sẻ, thân màu đen tuyền, cứ quẩn quanh… trên mộ cô gái hiếu thảo. Đó là loài chim yến, chuyên làm tổ ở các vách đá, trên một số đảo nhỏ ở cù lao Chàm, bằng chính thứ nước bọt, tiết ra từ cơ thể mình. Và yến sào - một sản vật đặc biệt của miền Trung Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á, được lấy từ tổ của chim yến hàng có tên khoa học : Collocalia - Fuciphaga, Germaini Oustalet.
Giai thoại làng Thanh Châu cũng kể về một đôi vợ chồng ngư phủ bị bão dạt vào cù lao Chàm. Đói khát, tuyệt vọng, tình cờ phát hiện ra tổ yến "ăn vào thấy người khỏe ra ngay, như có thuốc thần". Và… nghề khai thác yến sào chính thức ra đời tại làng Thanh Châu ( thuộc vùng đất Cẩm Thanh và Cẩm Châu ngày nay) vào khoảng giữa thế kỷ XVIII, với hai tổ nghề là ông Trần Tiến và Hồ Văn Hòa. Từ đó, lễ giỗ tổ nghề yến đã được tổ chức tại miếu thờ tổ nghề yến ở bãi Hương (cù lao Chàm) vào ngày mùng 10-3 âm lịch hằng năm…
Thông qua truyền thuyết, lẫn sự tích nhuốm màu thần bí về bãi Hương với "tiếng khóc đêm đêm vọng về từ một bồn hương mang hai cái đầu người ngâm nước mặn, chỉ thực sự chấm dứt, khi dân làng đặt trước sân đình tiền hiền của làng…" và màn hoạt cảnh thấm đẫm nước mắt hiếu thảo, diễn ra trước hàng nghìn du khách, trong một đêm đầy gió tại bãi Ông năm ngoái,… đã đưa con người đến chiêm bái cái đẹp, phản ánh tính nhân văn cao cả của văn hóa Việt ở vùng đất mới. Một tấm lòng độ lượng, thái độ ứng xử phù hợp với cả người đã khuất… Việc "thiêng hóa yến" thể hiện lòng biết ơn tự nhiên, tạo vật đã ban cho con người đặc sản, mang cho cộng đồng một sinh nghề - dù khó nhọc, gần như phải đánh đu số phận mình trên những vách đá, phía dưới là đá sắc, sóng biển và hang tối… Giỗ tổ nghề, để tri ân tổ tiên, biết ơn các vị tổ sư đã truyền nghề đã trở thành một trong các loại hình sinh hoạt lễ hội truyền thống của người Việt Nam…
* Tôn vinh và quảng bá nghề
Vẫn là lễ tế thâm nghiêm để cúng âm linh, cầu an nơi miếu tổ nghề yến tại thôn Bãi Hương với màn rước vọng từ các miếu và hang yến về bãi Hương, nhưng giỗ tổ nghề yến năm nay sẽ vượt qua khuôn khổ bó hẹp của một tế lệ chỉ dành riêng cho những người theo đuổi nghề khai thác yến sào và rộng ra cả cư dân vùng đảo. Trong vòng hai ngày, một đêm, cả làng chài rạo rực, sôi động với các trò chơi dân gian diễn ra trên sóng nước, những hội đua thuyền ngang, kéo co bằng thuyền... Có thể gặp những nụ cười của các cô gái làng chài bên những gánh hàng rong đẫm hương vị miền biển, kể cả sản vật đặc biệt của địa phương - yến sào, cũng sẽ một lần được đưa ra mời người thưởng thức. Và sự quyến rũ không chỉ từ sản vật địa phương, từ nụ cười của cô gái làng chài mà cả sự đẹp đẽ của hang yến, san hô, hải sản … trong lòng đại dương ... sẽ níu từng bước chân du khách, thông qua các tour du lịch đặc thù. Theo ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia tại Hội An, lễ hội này nhằm giới thiệu, quảng bá nghề truyền thống đặc trưng của cư dân sông nước Hội An, khám phá các giá trị văn hóa, sự quyến rũ của đảo Chàm và góp phần hệ thống lại các lễ hội truyền thống dân gian đang tồn tại trên đất Hội An. Giỗ tổ nghề yến năm nay, vừa theo những nghi lễ truyền thống, kết hợp với các chương trình phụ trợ khác, phù hợp với cuộc sống đương đại, diễn ra trong một không gian rộng lớn, ắp đầy tính nhân văn… Thông qua các hoạt động này, cù lao Chàm sẽ ngày càng hấp dẫn du khách đến tham quan.
Cù lao Chàm đã sẵn sàng mở cửa lòng mình đón khách về dự hội như đã bao năm rồi mở toang ngực trần đón gió biển khơi.
. Theo báo Quảng Nam |