Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) là chiến lược trọng tâm trong khuôn khổ chiến lược phát triển tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) được khởi xướng từ năm 1998 do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) tài trợ. Đây là cơ hội phát triển của 19 tỉnh, thành của 4 nước nằm trên trục hành lang này, trong đó có Quảng Trị (Việt Nam) với tư cách là tỉnh đầu cầu của tuyến đường xuyên Á.
Hành lang kinh tế Đông-Tây trải dài trên tuyến giao thông dài 1450 km nối liền 4 nước từ Myanma qua Thái Lan, Lào về Việt Nam. Ở phía Tây, EWEC bắt đầu tại thành phố cảng Mawlamyne qua Myawady của Myanma. Ở Thái Lan tuyến này chạy qua 7 tỉnh từ Maesot đến Mucdahan. Sau khi vượt sông Mê công, EWEC hòa vào đường số 9 ở Savannakhet (Lào) qua cửa khẩu Đensavẳn về Lao Bảo (Quảng Trị).
Ở Việt Nam, EWEC bắt đầu từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo dọc theo đường 9 về quốc lộ 1A ở Đông Hà vào Thừa Thiên- Huế, qua đường hầm đèo Hải Vân đến Đà Nẵng. Trên hành lang có đến 7 trung tâm kinh tế lớn của 4 nước và đi qua nhiều con đường huyết mạch của các quốc gia trong khu vực.
Đặc điểm chung của các nước nằm trên EWEC là có nền kinh tế phát triển không đồng đều, tỷ lệ đói nghèo cao, mật độ dân số thấp. Đây còn là những vùng diện tích đất trồng trọt khá lớn nhưng nền công nghiệp phát triển chậm, nhất là công nghiệp chế biến. Vì vậy mục tiêu của EWEC đưa ra nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế và xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển giữa 4 quốc gia trên hành lang, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa và con người góp phần xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ phát triển cho các khu vực nông thôn và biên giới, nâng cao thu nhập cho các nhóm người có thu nhập thấp, tạo thêm cơ hội việc làm, phát triển du lịch, công nghiệp và nông nghiệp. Chiến lược phát triển của EWEC sẽ góp phần quan trọng tạo điều kiện phát triển toàn diện cho 19 tỉnh thuộc khu vực EWEC đi qua.
Đối với Quảng Trị là tỉnh "đầu cầu" của EWEC có xuất phát điểm nền KT-XH thấp. Do vậy chủ trương tham gia chương trình hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây của tỉnh khởi đầu bằng việc tham gia các hội nghị, hội thảo về hợp tác tiểu vùng Mê công mở rộng tổ chức trong và ngoài nước do ADB và Nhật Bản chủ trì. Đặc biệt là xây dựng được Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, hình thành một số khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây. Hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch trên tuyến đường này đã góp phần mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh giao lưu thương mại. Giá trị xuất khẩu bình quân hàng năm đạt 15,44 triệu USD, giá trị nhập khẩu hàng năm đạt 17,56 triệu USD. Qua xúc tiến đầu tư đã thu hút được một lượng vốn đáng kể từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện có 4 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Quảng Trị với tổng số vốn 13,6 triệu USD, thu hút được nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với 28 chương trình, dự án đã được triển khai có tổng số vốn 113,7 triệu USD. Ngoài ra từ nguồn viện trợ phi chính phủ (NGO) mỗi năm bình quân thu hút từ 7-8 triệu USD đã góp phần quan trọng trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó hoạt động du lịch cũng đã được chú trọng. Tỉnh đã đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, khai thác các danh thắng để thu hút khách du lịch. Các doanh nghiệp hoạt động du lịch đã mở các tour, tuyến du lịch nội địa và quốc tế (Thái Lan, Lào). Bước đầu đã thiết lập quan hệ hợp tác trên một số lĩnh vực với các tỉnh miền Trung nước Lào và Đông Bắc Thái Lan. Mục tiêu đặt ra của tỉnh Quảng Trị là thông qua EWEC phấn đấu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu đạt 50 triệu USD, giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 40 triệu USD. Hình thành các cụm tuyến du lịch mỗi năm thu hút 50 ngàn lượt khách quốc tế, 150 ngàn lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng những năm tiếp theo từ 15-20%.
Để bắt kịp với tốc độ phát triển chung, Quảng Trị đang xây dựng các dự án có tính khả thi cao theo 5 mục tiêu EWEC đề ra để kêu gọi nguồn ODA, FDI. Bãi bỏ các rào cản để các nhà đầu tư, khách du lịch thuận tiện xuất nhập cảnh vào Việt Nam. Xây dựng chương trình phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng các trung tâm thương mại, dịch vụ, cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, cụm điểm du lịch để "đón đầu’’ các cơ hội hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với các tỉnh thành của những nước nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.
. Theo QuangTrinet |