Ca trù Thanh Hóa
11:0', 12/4/ 2006 (GMT+7)

Thanh Hoá là đất ca trù lâu đời. Trải qua hàng nghìn năm hình thành và phát triển, ca trù đã góp phần làm nên diện mạo văn hoá xứ Thanh và tạo ra một nét sinh hoạt âm nhạc độc đáo không riêng của Thanh Hoá. Ca trù là di sản văn hoá của dân tộc.

Theo thần tích ca trù làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, thì nguồn gốc ca trù ở đây có từ thời Hán Vũ Đế (140-86 trước công nguyên), cách ngày nay trên 2.000 năm. Theo thần tích của vị tổ sư hát ca trù (sách  Thanh Hoá chư thần lục), thần họ Lê, huý Phong, vốn tích thích ca ngâm, người đời gọi là Bá Nha xuất thế, được tuyển vào cung vua. Vì tài nghệ đàn hát của Lê Phong, Mãn Đường Hoa công chúa, con gái vua Hán Vũ Đế yêu thích lấy làm chồng. Về sau 2 người xin vua về quê, làng Ngọc Trung, xã Xuân Minh, dạy đàn hát, con gái, con trai trong vùng đua nhau đến học. Khi mất cả 2 vợ chồng được dân lập đền thờ và giới cầm ca đời đời tôn làm tổ sư, duệ hiệu Thanh Xà  trợ thuận tôn thần và Mãn Đường Hoa phương phi trinh thục Từ Hoa công chúa, nhị vị tổ sư. Ngày huý là 13 tháng 11. Đền thờ được dựng ở cánh đồng gần cuối làng, có những cồn đất  nổi lên giống như hình chiếc đàn và chiếc sếnh(là loại nhạc cụ trong ca trù) nên dân làng gọi là cồn Đàn, cồn Sếnh. Ngoài cồn Đàn, cồn Sếnh ở Ngọc Trung (Thọ Xuân), thần tích ca trù làng Bái Thuỷ, xã Định Liên, huyện Yên Định cho hay rằng làng này còn có giếng ca công, tương truyền con gái uống nước giếng này người sẽ đẹp, hát hay.. liên quan đến ca trù Thanh Hoá, còn có Cổ Đạm (Hà Tĩnh) và Lỗ Khê (Đông Anh- Hà Nội). Thần tích ca trù Cổ Đạm có ghi tổ sư Đinh Lễ lấy nàng Bạch Hoa, con gái tri châu Bạch Đình Sa ở châu Thường Xuân, Thanh Hoá vì có công cùng chồng dạy đàn hát cho nhân dân trong vùng khi chết được thờ làm tổ sư. Thần tích Lỗ Khê (Đông Anh- Hà Nội) thờ Đinh Dự làm tổ sư, Đinh Dự là con cả Đinh Lễ, người Thanh Hoá. Căn cứ thần tích ca trù Cổ Đạm và Lỗ Khê ta thấy đều có liên quan đến nguồn gốc Thanh Hoá. Ngoài thần tích được thời gian thi vị và thêu dệt là tổ sư, gốc ca trù. Thanh Hoá còn có điểm hát trò Văn Trinh, mang tính sát thực của lịch sử về vị anh hùng Trần Nhật Duật, vị tướng giỏi đánh giặc kiêm nghệ sĩ tài ba, tổ chức đào tạo cả một phường ca múa nhạc. Văn Trinh là nơi đặt hành dinh của Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, đồng thời cũng là điểm hát nhà trò nổi tiếng trong vùng. Như vậy, dòng chảy của ca trù Thanh Hoá liền mạch từ truyền thuyết đến hiện thực và phát triển mạnh từ triều Lê đến triều Nguyễn.

Thời xưa, giáo phường Thanh Hoá là một trong những tổ chức âm nhạc mạnh, sinh hoạt ca trù ở đây rất được ưa chuộng và thịnh hành; trong các dịp tế lễ, hội hè và xuân thu nhị kỳ, làng quê, phố phường đâu đâu cũng vang lên giọng ca đào nương, tiếng đàn đáy, nhịp phách và tiếng trống chầu tom chát làm say đắm lòng người. Ca trù hát trong tế lễ thần(và hát cửa đình).

Ca trù ở Thanh Hoá được tổ chức theo các loại hình: làng, phường, giáp, dòng, họ, gia đình, điểm, quán… bố trí đều khắp  ở các huyện, thị xã, đồng bằng: Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Thiệu Hoá, Đông Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống  và thị xã Thanh Hoá (nay là thành phố Thanh Hoá). Trong đó số làng có nghề hát ca trù ở nhiều huyện lên tới 35, 40 làng (như Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Thiệu Hoá…). Ngoài số làng có nghề ca trù nói trên, Thanh Hoá còn có tới 15 phường, nhiều dòng họ(Nguyễn, Lê, Đinh, Đào, Trần…) nhiều điểm và quán ca trù mang  tính chuyên nghiệp cao. Đến nay, nhiều làng ca trù tiêu biểu ở Thanh Hoá vẫn còn giữ lại dấu tích, sắc phong, bài hát, thậm chí nhiều làng nghệ nhân vẫn còn sống như Bàn Thạch, xã Xuân Quang (Thọ Xuân), Ngọc Trung, xã Xuân Minh (Thọ Xuân), Bái Thuỷ, xã Định Liên (Yên Định), Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc). Nỗ Giáp, xã Nguyên Bình (Tĩnh Gia), làng Chuẩn Xuyên, xã Thiệu Ngọc, làng Tòng Xuân, xã Thiệu Hợp(Thiệu Hoá), làng Phượng Đoài, Trường Trung (Nông Cống) và nhiều địa danh: cầu Sâng, Quán Giò, cầu Chanh… (TP Thanh Hoá).

Ca trù là một môn nghệ thuật cổ truyền để lại dấu ấn sâu đạm vào đời sống tinh thần của người dân, một di sản văn hoá quý của dân tộc, có lịch sử lâu đời, vắt qua nhiều thời đại, không tránh khỏi bị thất truyền lãng quên. Ca trù Thanh Hoá sau hơn nửa thế kỷ bị thời gian vùi lấp, ít ai quan tâm, đến nay Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tỉnh Thanh Hoá, được sự ưu ái của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hoá bước đầu tổ chức sưu tầm, nghiên cứu, khơi dậy một nét đẹp văn hoá có giá trị lâu đời, đang bảo lưu và gìn giữ. Đây là việc làm có ý nghĩa và cấp thiết, đòi hỏi phải dành nhiều tâm huyết, kinh phí để làm cho vốn truyền thống của cha ông được phát huy gắn với những giá trị văn hoá mới phục vụ cuộc sống, công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

. Theo báo Thanh Hóa

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Miền đất say  (11/04/2006)
Quảng Trị đón đầu cơ hội hợp tác kinh tế trên hành lang Đông-Tây  (11/04/2006)
Những chiếc xích lô của Bình Thuận tourist  (10/04/2006)
Ra Cù Lao xem giỗ tổ nghề Yến  (09/04/2006)
Đất học Quỳnh Đôi  (07/04/2006)
Miệng "chén ngọc" hay cái huyệt yểm ?  (07/04/2006)
Đèo Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”  (06/04/2006)
Chùa giữa miệng núi lửa   (05/04/2006)
Festival Huế 2006: Những nét mới của một mùa lễ hội  (05/04/2006)
Nuôi hàu thương phẩm ở Khánh Hòa: Tiềm năng lớn, giá trị cao  (04/04/2006)
Du lịch hoài niệm chiến trường Quảng Trị xưa  (03/04/2006)
“Ngón tay của Chúa” trên núi Đá Bia  (31/03/2006)
Trống Quảng Xương và văn hóa Đông Sơn  (31/03/2006)
Hoài niệm bờ xe nước  (30/03/2006)
Những vườn chè cổ thụ ở Đà Lạt  (29/03/2006)