Nhút Thanh Chương
Ở xứ Nghệ có nhiều nơi làm nhút, nhưng nơi làm nhút phổ biến và ngon hơn cả là ở huyện Thanh Chương. Nghề làm nhút ở Thanh Chương có từ lâu đời, là thức ăn dân dã và phổ biến của mọi gia đình.
Vật liệu để làm nhút gồm có mít xanh và muối trắng. Mít xanh, loại ương ương càng ngon. Mít đang ở trên cây, người ta hái xuống, gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa rồi bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Sau đó cho muối trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng bỏ vào vại sành khỏa đều trên bề mặt, bỏ vỉ vào dằn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5-6 ngày là dùng được.
Hàng ngày trong bữa cơm, nhút có thể được dùng ăn với cơm. Chỉ cần tý nước mắm làm nước chấm là đủ. Ngoài ra nhút còn được chế biến thành món canh hoặc xào.
Cháo lươn Vinh
Không chỉ người dân ở Nghệ An thích ăn cháo lươn Vinh, mà cả những du khách từ nhiều nơi khi đến Vinh đều ưa thích món cháo lươn.
Khi đến Vinh, đi trên đường phố, đâu đâu bạn cũng có thể bắt gặp các biển quảng cáo "Cháo lươn". Nhưng phổ biến là ở các phố: Ngư Hải, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thị Minh Khai....
Để đáp ứng sở thích của các "thượng đế", trong các quán cháo lươn, người ta chế biến hai loại: cháo lươn và xúp lươn.
Cháo lươn và xúp lươn có tính mát và bổ, ăn về mùa hè rất thích hợp.
Tương Nam Đàn
C ũng như nhút Thanh chương, tương Nam Đàn nổi tiếng không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước. Là thực phẩm được dùng làm nước chấm, nước chan với cơm, rất phổ biến ở trong bữa ăn của các gia đình ở huyện Nam Đàn, được chế biến từ những hạt đậu tương và những hạt nếp, hạt ngô do người nông dân làm ra.
Khác với tương Bần ở ngoài Bắc, tương Nam Đàn có màu vàng nâu. Mùi tương có vị thơm của đậu tương rang quyện với mùi mốc nếp, mốc ngô.
Làm tương không những đòi hỏi kỹ thuật mà còn phải có sự kiên trì. Ngay từ tháng Năm âm lịch, người ta đã bắt đầu chuẩn bị cho công việc làm tương. Muốn tương thơm ngon, trước tiên phải phơi mốc được nắng. Mốc tương được làm bằng nếp hay ngô. Nếu làm mốc bằng gạo nếp thì phải hong chín, rải ra nong, lấy lá nhãn đắp ủ cho đến khi lên mốc mới đưa ra phơi nắng. Còn ngô nếp thì phải ủ cho ngô nứt mầm, lúc đó bột chuyển hoá thành đường sẽ ngọt. Đem ngô giã nhỏ, hong lên rồi ủ với lá nhãn, đến khi lên mốc đem ra phơi nắng. Đậu tương đem rang, để nguội và đem xay cho vỡ đôi, vỡ ba, sau đó cho vào nồi nấu chín rồi đổ vào chum hoặc ché và đem phơi nắng.
Nước làm tương cũng được chọn lọc rất cầu kỳ. Nước mưa là được nhiều người ưa dùng nhất. Nếu không có nước mưa thì người ta lấy nước từ sông Lam vào lúc đêm thanh vắng, để ít ngày cho lắng cặn, sau đó gạn lọc kỹ càng.
Tiếp theo là đem trộn mốc tương vào tương và bỏ muối theo một công thức nhất định. Nếu bỏ nhiều muối thì tương mặn mất ngọt, mất vị ngon. Nhưng nếu bỏ ít muối thì tương sẽ bị nhạt và hỏng.
Sinh thời, Bác Hồ cũng rất thích ăn tương. Mỗi lần ra thăm Bác, đoàn đại biểu Nghệ An không quên biếu Bác chai tương quê nhà.
Cam xã Đoài
Xã Đoài nay là xã Nghi Diên - Huyện Nghi Lộc - Tỉnh Nghệ An. Tại đây, thiên nhiên đã ưu đãi cho một miền đất hiếm hoi sản sinh ra quả cam thơm ngon mà chẳng nơi nào có được.
N ếu đem giống này đi trồng ở nơi khác thì mất hết hương vị thơm ngon. Cam xã Đoài có hai loại: - Giống cam hình quả nhót (dân địa phương gọi Cam Lót).
- Cam hình quả bầu (dân địa phương gọi Cam Bầu).
Cam Xã Đoài bao giờ cũng chín vào tháng 11, 12 hàng năm. Vỏ cam có màu vàng đỏ rồi đỏ sậm nhưng tươi tắn, hơi phơn phớt màu vàng, trong giới hội họa gọi là màu vàng chanh. Bề ngoài có lớp the mỏng, nếu bị xây xát sẽ toả ra mùi thơm mà các nhà sản xuất kẹo, rượu đã dùng làm hương liệu. Quả cam bổ ra, màu vàng óng, ăn vào có vị ngọt dịu của quả, có mùi thơm của hoa, lại có dính kết trên môi tí chút như mật ong.
|