Quảng Ngãi: Phủ xanh đất đảo
15:51', 19/4/ 2006 (GMT+7)

Nằm giữa trùng khơi, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có tổng diện tích gần 1000 ha với dân số hơn 20 nghìn người. Do điều kiện thời tiết khắc nghiệt cộng với nhu cầu sử dụng nguồn nguyên liệu chất đốt ngày càng tăng nên đến thời điểm này độ che phủ của rừng trên huyện đảo chỉ đạt trên 7%. Trước thực tế đó, nhu cầu trồng cây, bảo vệ cây trên địa bàn nhằm tạo ra cảnh quan, môi trường đặc biệt là để tạo nguồn nước ngọt trên đảo là một trong những nội dung được huyện đảo đặc biệt quan tâm.

 

                                      Đảo Bé - Lý Sơn.

 

Ông Trần Huy Thông- Bí thư huyện ủy Lý Sơn cho biết: Từ khi có chương trình PAM và chương trình 773-327 huyện đã trồng mới được 655 nghìn cây trên diện tích 182 ha rừng tập trung ở các khu vực đồi núi và ven biển để chắn sóng. Không dừng lại ở đó, trong vòng 5 năm qua tuy kinh phí của huyện còn nhiều hạn chế nhưng Lý Sơn cũng đã đầu tư hơn 200 triệu đồng mua cây giống hỗ trợ cho các cơ quan đơn vị, hộ gia đình trồng thêm được 27 ha. Trước thực trạng môi trường sinh thái trên đảo ngày càng suy thoái, Nghị quyết về đẩy mạnh phong trào toàn dân trồng và bảo vệ cây trên địa bàn huyện đảo giai đọan 2006-2010 đề ra nội dung cơ bản: Đẩy mạnh công tác trồng cây, bảo vệ cây, bảo vệ môi trường sinh thái là một mục tiêu gắn liền với các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm của địa phương. Trồng và bảo vệ cây, bảo vệ môi trường sinh thái là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến tận cơ sở, mỗi cán bộ đảng viên là hạt nhân trong phong trào trồng và bảo vệ cây. Để thực hiện Nghị quyết này, huyện Lý Sơn đã đề ra chỉ tiêu từ nay đến nay 2010 toàn huyện phải trồng và bảo vệ 114 ha rừng tập trung, trồng mới 8 ha cây phòng hộ chắn gió ven đảo, trồng mới 7000 cây cảnh quan dọc các trục đường chính, các cơ quan, bệnh viện, trường học và các nới công cộng.

Kỹ sư Trần Văn Thơi- Trung tâm khuyến nông huyện Lý Sơn, đơn vị chủ lực trong công tác trồng và bảo vệ cây xanh trên địa bàn huyện cho biết: Để thực hiện nhiệm vụ trên, Trung tâm đã hoàn thành việc xây dựng kế hoạch cung cấp cây giống, chủng loại cây, số lượng cây và đã hợp đồng với cơ quan chức năng của tỉnh hằng năm cung cấp đủ số lượng cây theo yêu cầu; đã xác định được vị trí, địa điểm, vùng đất để bố trí chủng loại cây trồng cho phù hợp với rừng trồng không khai thác, đặc biệt là các loại cây chắn gió, chắn cát và cây trồng cảnh quang. Hiện nay Trung tâm đang phối hợp với Phòng Địa chính nông nghiệp và các địa phương trong huyện tiến hành bàn giao cho các tổ chức, cơ quan đơn vị và hộ gia đình về diện tích đất cần được trồng cây bao gồm: Đất đồi núi, ven biển, đất dọc theo các trục đường chính và đất trong khuôn viên của từng cơ quan đơn vị. Nhờ những biện pháp quyết liệt trên nên trong những tháng đầu của năm đầu tiên thực hiện nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ huyện, cácđịa phương trên đảo đã trồng được trên 10.000 mét vuông cây xanh trên triền núi trọc Hòn Vung, trồng hơn 3000 cây chắn gió phòng hộ ven biển. Qua kiểm tra tỷ lệ cây sống đạt trên 85%. Đây là bước khởi đầu tốt đẹp để đưa nghị quyết chuyên đề về trồng và bảo vệ cây xanh trên địa bàn đi vào cuộc sống và được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng với tinh thần tự giác cao.

Bên cạnh công tác trồng rừng, việc bảo vệ rừng là một nội dung có tác dụng sống còn với việc thực hiện chương trình phủ xanh cho đất đảo cũng đã được quán triệt tới từng hộ gia đình. Là một huyện đảo nên ngoài lượng chất đốt phải "nhập" từ đất liền, hằng năm nhân dân huyện đảo Lý Sơn phải sử dụng một số lượng lớn cây trồng để làm chất đốt. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho diện tích rừng ở huyện đảo Lý Sơn ngày càng thu hẹp. Để giải quyết vấn đề này, trong mấy năm qua được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ tỉnh và Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường Quảng Ngãi đã giúp cho hơn 250 hộ gia đình nhân dân ở các địa phương trên đảo xây dựng thành công mô hình bếp đun cải tiến. Qua thực tế mô hình này không những đã giải quyết một cách cơ bản tình trạng khan hiếm chất đốt dùng trong sinh hoạt hằng ngày mà còn có tác dụng giữ gìn được vệ sinh môi trường, bảo vệ cây xanh. Từ thành công này, Hội phụ nữ huyện Lý Sơn đã đề ra chỉ tiêu kể từ năm nay mỗi năm sẽ có từ 200 hộ gia đình được hướng dẫn kỹ thuật làm bếp đun cải tiến để thay cho bếp đun thông thường. Huyện đảo Lý Sơn hiện có hơn 4000 hộ gia đình, nếu được giải quyết triệt để về vấn đề sử dụng chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày thì không những mục tiêu xanh,sạch,đẹp trên huyện đảo được giữ gìn mà rừng cây xanh được coi như tấm lá chắn hữu hiệu trước biển cả cũng được bảo vệ tốt hơn. Cũng nhằm mục đích góp phần trồng và bảo vệ rừng, huyện Lý Sơn đề ra mục tiêu trong năm nay sẽ hoàn tất việc giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho các tổ chức, cá nhân. Được cấp quyền sử dụng đất lâu dài thì không những các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất để tăng gía trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích đất mà nhờ "có chủ" nên rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Ngoài những định chế pháp luật, để làm tốt hơn nữa việc bảo vệ và phát triển rừng, bắt đầu từ năm nay việc trồng và bảo vệ cây xanh, bảo vệ rừng ở huyện đảo Lý Sơn còn được thực hiện dưới các hình thức như quy ước, hương ước cam kết bảo vệ rừng và các mô hình tự quản của từng khu dân cư. Trồng rừng và bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh ở từng hộ gia đình, từng cơ quan, đơn vị và công trình công cộng là một tiêu chí để đánh gía công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.

Với quan điểm trồng và bảo vệ cây, bảo vệ môi trường sinh thái là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên là hạt nhân trong phong trào trồng và bảo vệ rừng mà Nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ Lý Sơn đã đề ra thì mục tiêu mỗi năm nâng độ che phủ của rừng lên 5% của huyện Lý Sơn chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.

. Theo báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tàu du lịch “Phan Thiết Hội tụ xanh”: Cầu nối Sài Gòn- Phan Thiết   (18/04/2006)
Thắng cảnh Măng Đen  (18/04/2006)
Lễ cúng voi nhập buôn  (17/04/2006)
Con đường xanh Tây Nguyên  (17/04/2006)
Đặc sản Nghệ An   (14/04/2006)
Vũng Áng bước đột phá kinh tế Hà Tĩnh  (13/04/2006)
Đá mỹ nghệ Non Nước đã có thương hiệu  (13/04/2006)
Ca trù Thanh Hóa  (12/04/2006)
Miền đất say  (11/04/2006)
Quảng Trị đón đầu cơ hội hợp tác kinh tế trên hành lang Đông-Tây  (11/04/2006)
Những chiếc xích lô của Bình Thuận tourist  (10/04/2006)
Ra Cù Lao xem giỗ tổ nghề Yến  (09/04/2006)
Đất học Quỳnh Đôi  (07/04/2006)
Miệng "chén ngọc" hay cái huyệt yểm ?  (07/04/2006)
Đèo Hải Vân - “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”  (06/04/2006)