Hiện nay, ở Tây Nguyên có 644 đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn với 6.600 thôn, buôn, làng, tổ dân phố. Đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở bao gồm cả cán bộ chuyên trách và cán bộ không chuyên trách cũng khá đông và đòi hỏi phải được đào tạo, bồi dưỡng để từng bước chuẩn hóa trình độ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 (khóa IX) nhằm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, công tác vận động quần chúng, công tác xây dựng hệ thống chính trị... có hiệu quả hơn, đáp ứng được yêu cầu với nhiệm vụ mới.
|
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh gặp gỡ già làng, trưởng bản tỉnh Gia Lai.
|
Trước hết, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã tích cực cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 (khóa IX) về chế độ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cơ sở bằng chương trình, mục tiêu, giải pháp cụ thể. Xác định được tổng mức kinh phí để thực hiện các chương trình, mục tiêu đối với từng bộ, ngành và địa phương. Đặc biệt, đối với Tây Nguyên được bố trí kinh phí ổn định hàng năm trong ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ: Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ; đào tạo kiến thức về đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo, pháp luật; đào tạo tiếng dân tộc thiểu số; hỗ trợ tăng chế độ phụ cấp cho cán bộ trưởng, phó thôn, buôn, làng; hỗ trợ cho cán bộ tăng cường cơ sở...
Hệ thống trường lớp được xây dựng, đầu tư nâng cấp. Ngoài hệ thống Trường Chính trị tỉnh, Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên... Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên có 21 Trường Đại học, Cao đẳng và Trung học chuyên nghiệp, trong đó có 3 Trường Đại học, 4 Trường Cao đẳng và 14 Trường THCN, với 30.323 sinh viên đang theo học. Để từng bước nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức vùng Tây Nguyên, vừa qua Bộ Nội vụ đã có quyết định thành lập thêm Trường Trung học Dân lập Kinh tế - Kỹ thuật Phương Nam ở Đăk Nông và Trường Đại học Dân lập Yersin Đà Lạt. Sắp đến sẽ hình thành phân viện Đại học ở Kon Tum, Gia Lai... là những cơ sở vật chất rất cần thiết cho việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn và cán bộ, công chức ở cơ sở.
Nội dung đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cơ sở cũng được Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ... nghiên cứu đầu tư biên soạn các giáo trình, tài liệu. Đến nay đã có 9 giáo trình đã được biên soạn, nghiệm thu, đó là: Tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cho chức danh Chỉ huy trưởng Quân sự, Trưởng Công an, Địa chính, Tài chính, Tư pháp, Hộ tịch, Văn hóa, Xã hội, Nghiệp vụ công tác dân tộc, Văn phòng, Thống kê và 8 thứ tiếng dân tộc Tây Nguyên như: Bahnar, Ê Đê, Sê Đăng, Deh-Triêng, K'Ho, Chư Pa, Châu Mạ... Tài liệu về lý luận chính trị dành cho cán bộ chủ chốt, tài liệu về QLNN, tài liệu về nghiệp vụ tôn giáo cho vùng Tây Nguyên... sắp đến sẽ đưa vào giảng dạy. Những giáo trình, tài liệu này đã góp phần đáng kể để nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
|
Nhà rông Tây Nguyên |
Nhờ đó, trong những năm qua, tổng số cán bộ, công chức cơ sở được đào tạo là 68.818 người, trong đó đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ có 2.106 người, đào tạo về lý luận chính trị có 186 người. Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là 17.753 người; bồi dưỡng cho cán bộ thôn làng, buôn là 11.806 người, bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động cho cán bộ, công chức cơ sở là 871 người; học bổ túc văn hóa 1.113 người... Nếu trước khi thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 (khóa IX) và Quyết định 253/QĐ-TTg trình độ văn hóa PTTH mới có 43,53%, thì sau 3 năm thực hiện chiếm đến 45,06%; trình độ chuyên môn nghiệp vụ từ sơ cấp trở lên 24,45%, nay tăng lên 41,69%; trình độ QLNN từ sơ cấp trở lên 17,80% nay tăng lên 24,04%; trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên từ 47,26% nay tăng lên 55,65%; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại chỗ cho cán bộ, công chức tỉnh, huyện, xã chiếm 14,80%... Đó là những kết quả đáng mừng và đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở các tỉnh Tây Nguyên.
Có được những kết quả trên là bắt nguồn từ quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 (khóa IX) là: Tăng cường bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở; đổi mới cơ bản chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy đối với cán bộ cơ sở theo hướng đào tạo cơ bản, bồi dưỡng theo chức danh, đảm bảo tính thiết thực. Nâng cao mặt bằng dân trí, mở rộng mạng lưới trường dạy nghề, trung cấp, cao đẳng các tỉnh, huyện, các trường, lớp nội trú cho con em đồng bào dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ cho cơ sở. Phấn đấu có khoảng 70-80% cán bộ chuyên trách giữ chức vụ qua bầu cử được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn quy định.
Hy vọng rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở ở các tỉnh Tây Nguyên sẽ được quan tâm nhiều hơn nữa, nhằm để chuẩn hóa cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở các tỉnh Tây Nguyên đúng như tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 (khóa IX) đã đề ra, đây sẽ là những yếu tố rất cần thiết để cán bộ, công chức cơ sở ở Tây Nguyên làm việc hiệu quả hơn, góp phần xây dựng Tây Nguyên ổn định và phát triển toàn diện.
. Theo báo Gia Lai |