Cõi lạ giữa miền Trung
10:35', 24/4/ 2006 (GMT+7)

Từ thượng nguồn trên đất Lào, không biết đã vượt qua bao nhiêu làng mạc ghềnh thác, dòng Thu Bồn mới về tới vùng Cà Tang (Quế Trung - Quế Sơn). Ngang qua khu vực mỏ than Nông Sơn, dòng sông đâm sầm vào đầu một dãy núi  dài, sự bất lực của dòng chảy làm người ta liên tưởng đến chàng Thủy Tinh trong truyền thuyết hậm hực khuất phục. Vì bên trái cũng núi non trùng điệp, sông đành rẽ ngang về phía bên phải đánh một vòng cánh cung rộng dài rồi bọc  lại ngang phía đầu kia dãy núi, vô hình trung hình thành một dải đất phì nhiêu quanh năm bồi đắp phù sa. Qua nhiều đời, nhiều thế hệ, con người đã tạo dựng  nên làng Đại Bường như một bán đảo, có đồi thấp, ruộng đồng, làng mạc, bờ cát, dòng sông.

Đại bường - một làng quê có đầy đủ những nét đặc  trưng của làng quê Việt Nam, vườn nối tiếp vườn, bốn mùa xanh mượt, ngã bóng xuống dòng sông Thu trong vắt như gương soi, quanh năm rì rào trong làn gió nhè nhẹ thổi về từ phía biển Cửa Đại. Từ làng Đại Bình(tên gọi sau này của làng Đại Bường), muốn đi đến với mọi miền đất nước, người dân phải  xuống ca nô xuôi dòng, mất gần một ngày đường thủy mới tới Hội An hoặc  Đà Nẵng. Còn muốn đi đường bộ phải sang  sông, bên kia là thị trấn Trung Phước có xe đò đi Sài Gòn, Đà Nẵng, Tây Nguyên. Kể cũng lạ, chỉ cách đôi bờ dòng sông mà thị trấn Trung Phước lúc nào cũng ồn ào, trong khi Đại Bình như một cõi rất riêng yên ắng và thanh bình đến lạ kỳ.

Quả là một làng quê có rất nhiều những điều buộc người ta phải suy ngẫm, riêng cái tên làng đã là một câu chuyện lý thú.

Trải qua nhiều thời kỳ, nhiều giai đoạn lịch sử, làng Đại Bình ngày nay đã mang rất nhiều tên nhưng tên nào cũng có nguồn gốc, có nguyên nhân giải thích được, chỉ riêng cái tên đầu tiên Đại Bường cho đến ngày nay vẫn còn là  một ẩn số. Nhiều cụ già gắn với làng quê mình hàng thế kỷ như cụ On, cụ Hương Du, cụ Hộ cũng chỉ biết rằng cái tên đó đã có từ hàng trăm năm trước. Người dân làng Đại Bình kể rằng, ngày xưa ông tổ tộc Nguyễn trong làng có giữ một cuốn gia phả bằng tiếng Phạn ghi chép rất rõ ràng, nguồn gốc làng quê buổi đầu sinh cơ lập nghiệp của người Đại Bường, tiếc rằng qua thời gian nhiều biến cố  thiên tai lũ lụt, cuốn gia phả đã mất từ bao giờ không còn ai biết. Đó chỉ là lời kể chưa có cơ sở để khẳng định, tuy nhiên, nếu đó là sự thật thì tên làng Đại Bường đã có từ rất xa xưa.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, làng Đại Bường đã được người dân tự đổi tên gọi thành làng Đại Bình, có thể nói cái tên này xuất phát từ một sự thực kỳ lạ. Làng thuộc xã Quế Lộc, nay là Quế Trung, một trong 5 xã miền tây huyện Quế Sơn nằm ven bờ sông Thu Bồn. Thời Pháp thuộc cho đến trước năm 1974 (tháng 5-1974 vùng này đã giải phóng), từ khu vực này chạy ngược về phía thượng lưu sông Thu Bồn lên tới Hiệp Đức là vùng chiến tranh khốc liệt không ngày nào không có bom đạn. Đây cũng là vùng Mỹ ngụy rải xuống dày đặc chất độc hủy diệt màu xanh trên phạm vi rất rộng, không thứ cỏ cây nào ngoi lên nổi. Chính vì thế mới có chuyện lạ: giữa một vùng bị hủy diệt hằng ngày, hằng giờ như thế, làng Đại Bường vẫn thản nhiên bốn mùa xanh mượt, chiến tranh hầu như không chạm tới. Không hiểu tại sao, không giải thích được, riêng người dân Đại Bường từ những năm tháng đó tự đổi tên làng mình, Đại Bường gọi thành Đại Bình. Thêm một vài lần đổi tên như Khương Bình, thôn 9, đến nay làng được phục hồi cái tên rất đáng nhớ, làng Đại Bình.

Nhiều du khách tìm đến tham quan làng Đại Bình đã thốt lên: “Làng Nam bộ giữa miền Trung”, đơn giản vì nhìn thấy ở đây có các thứ cây trái thuộc loại đặc sản phương Nam như sầu riêng, măng cụt… Nhưng nếu là thế thì cũng có thể gọi “Làng Bắc bộ giữa miền Trung”, bởi vì làng có thứ cây trái đặc sản tuyệt vời của miền Bắc: vải thiều. Thôi thì mặc tình ai muốn gọi gì cũng được, có điều chắc chắn chính sự đa dạng, phong phú , đầy đủ của cây trái đã làm cho làng Đại Bình như một cõi lạ giữa miền Trung, tất cả các lọai cây trái đặc sản 3 vùng đất nước hội tụ và sinh sôi nẩy nở xanh tốt ở làng quê này, mít, xoài, cam quýt, ổi, mận, lê-ki-ma, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, vải thiều, lòn bon…Và sẽ là thiếu sót lớn nếu không nhắc đến loại trái cây đặc biệt, đặc sản rất riêng của làng Đại Bình không nơi nào có, dân địa phương gọi là trái trụ lông, hình dáng như trái bưởi nhưng lạ lắm. Từ khi còn non, đến già rồi chín, trái được bao phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng, múi dày, tép lớn, tách ra không ướt nước như hầu hết các  loại bưởi thường thấy mà khô, có thể tách rời từng tép, vị ngọt dìu dịu thanh khiết, mùi thời ý vị rất khó quên. Từ lâu, tiếng tăm của trụ lông Đại Bình đã vang xa.

Đại Bình quả nhiên là một cõi rất lạ của làng quê Việt Nam.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cho các tỉnh Tây Nguyên  (20/04/2006)
Quảng Ngãi: Phủ xanh đất đảo  (19/04/2006)
Tàu du lịch “Phan Thiết Hội tụ xanh”: Cầu nối Sài Gòn- Phan Thiết   (18/04/2006)
Thắng cảnh Măng Đen  (18/04/2006)
Lễ cúng voi nhập buôn  (17/04/2006)
Con đường xanh Tây Nguyên  (17/04/2006)
Đặc sản Nghệ An   (14/04/2006)
Vũng Áng bước đột phá kinh tế Hà Tĩnh  (13/04/2006)
Đá mỹ nghệ Non Nước đã có thương hiệu  (13/04/2006)
Ca trù Thanh Hóa  (12/04/2006)
Miền đất say  (11/04/2006)
Quảng Trị đón đầu cơ hội hợp tác kinh tế trên hành lang Đông-Tây  (11/04/2006)
Những chiếc xích lô của Bình Thuận tourist  (10/04/2006)
Ra Cù Lao xem giỗ tổ nghề Yến  (09/04/2006)
Đất học Quỳnh Đôi  (07/04/2006)