Tỉnh Đắk Lắk rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Ngành văn hóa tỉnh đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và đã đạt được những kết quả khả quan.
Tỉnh đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu có ý nghĩa khôi phục lại những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Tây Nguyên. Ngành văn hóa đã tổng kiểm kê số giàn cồng chiêng Ê-đê, công chiêng M’nông và thống kê được trên 4.000 bộ cồng chiêng khác nhau đang lưu giữ trong dân. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức những lễ hội cồng chiêng, phục hồi các lễ hội truyền thống như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới của người dân tộc M’nông, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả của người dân tộc Ê-đê...Hàng năm, từ cơ sở đến tỉnh đã tổ chức được ngày hội văn hóa các dân tộc. Qua các lễ hội truyền thống này, người dân hiểu thêm giá trị văn hóa của từng dân tộc, tham gia gìn giữ và phát huy nền văn hóa dân tộc.
Nhiều huyện, thành phố trong tỉnh đã mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, hướng dẫn sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào dân tộc Ê-đê, M’nông và Gia-rai. Huyện Chư M’ga mở 70 lớp dạy đánh cồng chiêng và hướng dẫn sử dụng nhạc cụ bằng tre nứa (do các nghệ nhân cao tuổi truyền dạy). Các huyện Krông Bông, Krông Ana và TP Buôn Ma Thuột đã mở được từ 15 đến 35 lớp dạy sử dụng các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên. Trong 5 năm qua, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tổ chức 15 cuộc thi dệt thổ cẩm dân tộc, thu hút nhiều nghệ nhân tham gia. Riêng ở cấp tỉnh đã tổ chức 5 cuộc thi dệt và triển lãm thổ cẩm dân tộc, góp phần lưu giữ và phát huy những nét đặc sắc văn hóa của dân tộc Ê-đê, M’nông và Gia-rai.
. Theo website Chính phủ |