Mạo hiểm rừng Đa Mi
15:40', 26/4/ 2006 (GMT+7)

Ẩn mình trong cánh rừng Đa Mi (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bạt ngàn là hồ thủy điện Đa Mi đẹp như một nàng công chúa, ngọn thác sương mù hùng vĩ, cao ngất, uốn lượn như con rồng bạc khổng lồ... Đầu tháng 4-2006, chúng tôi đã thực hiện chuyến khám phá Đa Mi bằng hành trình mạo hiểm của những người trẻ tuổi.

 

                 Cuộc hành quân khám phá thác sương mù.

 

Xuyên rừng vào thác sương mù

Trời đã về chiều khi chúng tôi đến được hồ thủy điện Đa Mi rộng 625ha với rất nhiều hòn đảo nhỏ đẹp như bức tranh thủy mạc dần hiện ra trong ánh hoàng hôn huyền ảo.

Nơi lưu trú đêm đầu tiên của chúng tôi là “khách sạn ngàn sao” (sân bay dã chiến của nhà máy thủy điện) với tất cả dịch vụ phải tự lo. Đến thủy điện nhưng nơi hạ trại lại không có điện. Đêm xuống bốn bề tối đen như mực. Lửa bùng lên. Bất ngờ, Hoài Nhưỡng - bí thư chi đoàn xã Đa Mi - cùng một nhóm thanh niên xã vượt hơn 20km đường đèo vào thăm. “Lần đầu tiên có đoàn thành phố ở lại đêm đó. Hay tin bọn mình rủ nhau đi liền”, các bạn cho biết. Lời ca, tiếng hát vang theo tiếng đàn guitar chập chùng đêm rừng làm ấm lòng cả khách lẫn chủ.

Trời tờ mờ sáng, tiếng chim hót véo von gọi mọi người thức giấc. Một nhóm đi tắm hồ buổi sáng chuẩn bị sức khỏe cho một hành trình xuyên rừng. Nhóm khác thì chạy bộ khởi động đôi chân. “Hành lý phải thật gọn nhẹ!” - thông báo đưa ra chuẩn bị cho cuộc khám phá thác sương mù.

Cuộc hành quân xuyên rừng vào thác khoảng 5km theo đường mòn thử sức những đôi chân. Ngó xuống là vực sâu hun hút. Tôi theo toán hướng dẫn băng con đường khác tìm lối xuống chân thác. 100m dây chuyên dụng chỉ đủ là tay vịn xuống được lưng chừng thác. Không giống những thác hùng vĩ khác, thác sương mù mang một nét rất riêng: hai tầng thon thả đổ theo khe núi hẹp cao ngất như con rồng bạc khổng lồ ước chừng cả 100m. Những người dẫn đường cho biết đi vào mùa mưa hơi nước sẽ tung bụi mù, nên thác còn được gọi tên rất lãng mạn: thác Mưa bay. Ngay tại đây, chúng tôi đã dùng một bữa trưa dã ngoại cơm vắt muối mè thiệt ngon.

Lạc rừng!

13g, vẫn chưa tìm ra lối đi xuống chân thác an toàn, cả đoàn định bỏ cuộc thì anh Hoàng Quang Vinh, người từng tham gia khảo sát thiết kế xây dựng Nhà máy thủy điện Đa Mi và đã tìm ra ngọn thác này, vẫn quyết tâm đi tìm chân thác. “Có một đường khác xuống chân thác và về lại đường mới. Sẽ ngắn hơn nhưng nguy hiểm gấp nhiều lần” - anh Ánh, người dẫn đường địa phương, cho biết. Đoàn chia tay, số đông đi về lối cũ. Còn lại ba người: anh Vinh, Khôi - SV du lịch - và tôi theo chân anh Ánh đi tìm chân thác. Lối mòn nhiều năm rồi không người đi đã bị lá cây khô phủ mất, chúng tôi cứ thế tuột theo triền núi. Tôi học được bài học đi rừng đầu tiên từ anh Vinh: “Tìm cây còn tươi bám vào, cây khô là rơi xuống vực toi mạng đấy”. 

Trước dòng suối chia thành hai nhánh, anh Vinh đi một hướng, tôi và Khôi theo người dẫn đường đi một hướng. Đi một đoạn chỉ còn thấy chiếc giỏ đựng dây anh Ánh đeo giữa suối. Gọi to chỉ nghe tiếng đáp trả âm thanh vang vọng. Chúng tôi bắt đầu hoảng. Tiếng thác đổ nghe ầm ầm cũng gần lắm. “Đi tiếp về chân thác, sau đó tìm đường trở về”, Khôi bảo. Thôi cứ phó mặc số phận xem sao. Sợ nhất là lạc trong 30.000ha rừng Đa Mi mênh mông này. Hai đứa thống nhất xuôi theo dòng nước trở ra.

Gần đến ngã ba chỗ gặp suối, thấp thoáng bóng người đi đào con dúi. Đang chuẩn bị bước chân lên bờ thì bóng áo đỏ của anh Ánh xuất hiện. Hai đứa thở phào mà mặt... méo xẹo. Thì ra đoạn đường đi lên chân thác rất hiểm trở, anh đã để chúng tôi lại. “Có thêm một tầng thác thứ ba nữa nhưng rất nguy hiểm. Cả thảy thác cao hơn 120m”, anh Vinh cho biết.

...15g, trời đã tối sầm. Một cơn mưa rừng trút xuống. Trùm túi máy ảnh, sổ sách vào bao nilông, tôi đi trong mưa. 17g45, cả người lấm lem bùn đất, tôi xuất hiện trên chiếc xe ôm trở ra điểm hẹn, nhóm ở lại chờ mừng khôn xiết. Trao tôi ly nước mía ép với gừng tươi giải cảm, anh Vinh truyền kinh nghiệm: “Mưa rừng đầu mùa rất nguy hiểm”. Tôi lật sổ tay ghi chép những thông tin, kinh nghiệm quí báu về thiên nhiên.

. Theo TTO

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiềm năng văn hóa du lịch làng Cơtu   (26/04/2006)
Ở nơi "tiếng gà gáy ba nước đều nghe"  (25/04/2006)
Giữ gìn văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Nguyên  (25/04/2006)
Cõi lạ giữa miền Trung  (24/04/2006)
Chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở cho các tỉnh Tây Nguyên  (20/04/2006)
Quảng Ngãi: Phủ xanh đất đảo  (19/04/2006)
Tàu du lịch “Phan Thiết Hội tụ xanh”: Cầu nối Sài Gòn- Phan Thiết   (18/04/2006)
Thắng cảnh Măng Đen  (18/04/2006)
Lễ cúng voi nhập buôn  (17/04/2006)
Con đường xanh Tây Nguyên  (17/04/2006)
Đặc sản Nghệ An   (14/04/2006)
Vũng Áng bước đột phá kinh tế Hà Tĩnh  (13/04/2006)
Đá mỹ nghệ Non Nước đã có thương hiệu  (13/04/2006)
Ca trù Thanh Hóa  (12/04/2006)
Miền đất say  (11/04/2006)