Với những ý tưởng độc đáo, ông Nguyễn Xuân Liên đã bỏ hơn ba tỷ đồng tái hiện một làng quê Quảng Bình thời chống Mỹ.
* Tham quan "Bảo tàng ngoài trời”
Đứng trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại, rảo mắt nhìn sang hướng tây là một khung cảnh hùng vĩ, tất cả những gì của một thời máu lửa được thể hiện trong một khoảng đất rộng 10 ha, tại thôn 7- xã Nghĩa Ninh- TP Đồng Hới. Bao quanh phân nửa bảo tàng là hồ Ba Đa trong xanh chảy từ khe Đá càng tạo nên vẻ thơ mộng. Ở trên hồ, những, vật dụng được gói trong bao trôi nổi trên dòng nước.
“Thời đó, đào Đá Đẽo (trên đường Trường Sơn) bị bom cắt, bộ đội ta phải thả vật dụng xuống sông cho trôi về để vận chuyển vào chiến trường”- ông Liên làm “hướng dẫn viên”. Đi qua cầu phao (được làm bằng thùng phuy) là bước vào "lãnh địa" của bảo tàng. Băng qua dãy đồi với các hình ảnh thể hiện "ngày xưa bộ đội ta hành quân, hai bên đường là những thùng phuy được vớt lên từ dòng sông, những hố bom lồi lõm...”.
Quanh đó là hình ảnh giao thông hào chạy dọc ven làng. Một xóm nhỏ của những năm 1960 với khoảng chục nóc nhà. Ở đó có nhà dân, bệnh viện sơ tán, có phòng mổ dưới hầm; trường mẫu giáo; trường học; kho đựng lương thực, quân nhu... Bên cạnh là một hâm chữ A để trú ẩn khi địch thả bom.
Trong mỗi nhà dân có một nét riêng rất độc đáo mang đặc trưng của mỗi vùng, mỗi địa phương thời đó; các vật dụng, cách bài trí... vẫn giữ nguyên. Làng mạc, vườn tược, cây cối, chim chóc, gia súc, gia cầm... mỗi hình ảnh ấy làm cho chúng ta như được sống lại thời chống Mỹ. Có cả Đài tưởng niệm nhân viên y tế - những đồng đội của ông Liên đã bỏ mình trong thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ tại Quảng Bình, chủ yếu hy sinh từ tháng 8-1964 đến tháng 1-1973 được đặt trang trọng trong bảo tàng.
Đặc biệt, trong khuôn viên bảo tàng còn lưu giữ được hai chứng tích của thời đó là đường ống dẫn dầu vào nam nằm ở dưới hồ Ba Đa và một trong bốn ụ súng phòng không 12 ly 7 của mặt trận Đồng Hới oai hùng.
* Người "gàn dở” đáng kính
Ông Liên trầm ngâm khi nói về ý tưởng của mình: “Tôi không hoạch định hay có bản vẽ, sơ đồ gì trước, mà làm theo ngẫu hứng. Mỗi ngày ý tưởng càng rộng ra đến nỗi có lúc tôi không kiểm soát nổi ý tưởng của mình. Những ký ức, những gì tôi đã gặp, đã sống và nếm trải trong thời kỳ chiến tranh, tôi đều tái hiện với khả năng của mình. Xong giai đoạn này, tôi sẽ thực hiện một công trình đường Trường Sơn trong khuôn viên này dài chừng hơn 1km. Bởi ở đây có đồi dốc, có khe nước, dòng suối thì rất hợp với quang cảnh đường Trường Sơn của ngày xưa”.
Để bảo tàng thêm sinh động, ông cùng người bạn của mình rong ruổi khắp nơi tìm mua những ngôi nhà, những vật dụng của những năm chống Mỹ còn sót lại trong nhân dân để về trưng bày, lưu giữ.
“Vì sao ông từng bị cho là "kẻ điên, người không bình thường" trong thời kỳ đầu"?- Tôi tự hỏi và tự trả lời bằng những gì đã chứng kiến: Vì ông đã dốc hết gia sản của nình vào công trình lạ mắt, hoành tráng, độc đáo này! Ông Liên vui vui nheo đôi mắt: “Thế là việc làm của tôi hoàn toàn đúng và có ích cho đời. Đồng đội, đồng chí của tôi có lẽ ở nơi chín suốt cũng có được niềm vui như tôi”.
Khi tham quan, không chỉ người Việt, cả những khách nước ngoài rất xúc động, tỏ lòng kính trọng, thán phục trước việc làm cũng như công trình có một không hai này: “Đây là lần đầu tiên tôi đối diện trực tiếp với cuộc đấu tranh của quân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ. Tôi rất cảm động về ý chí, trí thông minh và sức mạnh của nhũng con người Việt Nam. Xin gởi lời cám ơn chân thành và kính phục nhất đến ông Liên - một con người vĩ đại trong hàng triệu triệu người"- ông Matthias Bolz- Hoạ sĩ người Đức, lưu bút tại "Bảo tàng ngoài trời”.
* Sâu nặng nghĩa tình thời bom đạn
Ông Liên tham gia cách mạng từ những năm 1960 với nhiệm vụ là cán bộ quân y, tham gia cứu chữa cho bộ đội ta trên chiến trường máu lửa Bình Trị Thiên xưa (nay là tỉnh Quảng Bình). Từ năm 1961 đến 1970 làm việc ở Ty Y tế Quảng Bình. Sau đó ông Liên trở về làm ở Trường Y tế Thái Nguyên đến năm 1983 thì lại được điều động về Hà Nội làm việc tại Viện Châm cứu và đến năm 2003 thì về hưu.
Cả một đời rong ruổi khắp nơi vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sức khoẻ của cộng đồng nhưng với ông thì "những năm ở chiến trường Quảng Bình, được chứng kiến và theo bước chân của quân dân trên hành trình chống Mỹ cứu nước, đã in đậm trong tôi bao kỷ niệm khó quên”- ông Liên bộc bạch.
Vào mùa hè năm 1992, ông quyết định khăn gói về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những đồng chí, đồng đội của mình đã mãi mãi nằm lại trên mảnh đất Nghĩa Ninh ngày trước. Đứng trên vùng đất mà một thời ông vào sinh ra tử trước nén nhang thắp cho đồng đội ông tự hứa với lòng mình: "Tôi sẽ về đây với các anh trong một ngày gần nhất và biến những gì thuộc về kí ức trở thành hiện thực để cho các thế hệ mai sau không chỉ biết cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của quân dan ta qua những trang sách mà bằng hình ảnh cụ thể. Hơn nữa tôi muốn tìm về với đồng đội, đồng chí của tôi sau bao năm bôn ba khắp chốn”.
Trở về Hà Nội, ông tiếp tục công việc cho đến năm 2003 thì nghỉ hưu và lời hứa đã đến lúc thực hiện. Bán nhà, huy động hai đứa con trai đang định cư tại Đức và dốc hết gia sản mà hai vợ chồng đã dày công gom góp hàng chục năm trời, tất cả được khoảng hai tỷ đồng để mang vào Quảng Bình mua đất, lập "bảo tàng".
Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Quảng Bình, cho rằng: “Đây là cầu nối cho các thế hệ mai sau hiểu rõ hơn lịch sử đã qua - hào hùng và oanh 1iệt!". Bởi thế, từ khi có "bảo tàng ngoài trời" của ông Liên, hàng chục ngàn lượt học sinh, các thế hệ trẻ đến để "thấy ông cha ta đã chiến đấu ngoan cường, khó nhọc thế nào".
Ngoài ra, đây là địa chỉ cho giáo viên, học sinh các trường đến để học ngoại khóa khiến môn Sử học trở nên sinh động. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, ông Phan Lâm Phương rất tâm đắc với nhiệt huyết của ông Liên, cho rằng, đây là điểm du lịch hấp dẫn, ý nghĩa. Nó sẽ thu hút rất lớn du khách, góp phần tạo đà cho Quảng Bình phát triển du lịch...
Bởi thế, ông Phương chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành xây dựng con đường nhựa vào đến cổng bảo tàng, lắp biến thế và sẽ có điện trong thời gian sớm nhất. Ông Lê Hồng Thùy- Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin cho biết: "Cần có bảo tàng đặc biệt, độc đáo như thế này, góp phần mang lại hiệu ứng rất lớn cho toàn xã hội nhớ về một thời oai hùng của dân tộc".
Một điều hết sức ý nghĩa, khó tin là từ khi bảo tàng đưa vào hoạt động, thân nhân của các liệt sĩ có cơ hội rất lớn để tìm người thân đã ngã xuống trên chiến trường Quảng Bình. Đó là, ông Liên đã nắm trong tay danh sách hơn 3.000 ngôi mộ liệt sĩ của đồng đội. Thân nhân nào cần là ông sẵn sàng đưa người nhà tới tận địa chỉ mà mình biết.
. Theo Gia Đình và Xã hội
|