Huế không chỉ nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên mơ mộng hữu tình mà còn đặc biết hấp dẫn với chiều sâu của vẻ đẹp văn hóa tinh thần kết đọng nhuần nhị nơi mỗi nét kiến trúc. Dấu tích còn lại tới ngày nay là các lăng tẩm trầm mặc, hoàng thành cổ kính. Những nón trắng dịu dàng, áo tím thướt tha , giọng nói nhỏ nhẹ, hò Huế vẫn vang trên sóng nước… Đó đều là những gì rất riêng của Huế, làm nên bản sắc Huế. Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những ngôi nhà vườn êm ả thanh bình, được mệnh danh là "thành phố nhà vườn" của Huế.
Huế vốn là mảnh đất của người Chăm, nhưng nhà vườn không xuất phát từ văn minh Chămpa, cũng không phải do dân Bắc kì và dân các vùng Thanh, Nghệ theo chân chúa Nguyễn đi khai hoang mở cõi đem vào, hay do người Minh Hương đi cư đến Huế vào giữa thế kỷ XVII mang theo. Nhà vườn đã sinh ra từ trong lòng Huế qua một quá trình tổng hợp của con người, tìm tới vẻ đẹp của cuộc sống. Hơn nữa, nhà vườn Huế gắn với tầng lớp quý tộc, quan lại, hoàng thân quốc thích trong triều, trong quá trình đô thị hóa đồng hành với việc dời đô, định ấp, xây dựng kinh thành của các vua chúa Nguyễn. Do đó, nhà vườn đã hình thành, phát triển và các tư dinh, phủ đệ được xây dựng theo hình thức nhà vườn vẫn còn tới ngày nay.
Được xây theo luật "dịch lý" và "phong thủy", nhà vườn Huế là tập hợp của một hệ thống kiến trúc sắp xếp theo chiều Bắc- Nam. Tuy rộng hẹp khác nhau, nhưng nhà nào cũng có kiến trúc tổng thể giống nhau, bao gồm: cổng, ngõ, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà. Cổng thường xuyên xây bằng gạch, lối vào ngõ thường được trồng những hàng râm bụt hoặc chè tàu cắt xén cẩn thận. Bình phong, cũng thường xây bằng gạch. Sau bình phong là bể cạn có hòn non bộ, một mảnh sân rộng rồi mới đến nhà. Xung quanh nhà trồng rất nhiều cây, hoa quanh năm tươi tốt.
Nói đến nhà vườn, có nghĩa là cả hai yếu tố nhà và vườn không thể tách rời. Vườn trồng đủ loại cây, mùa nào cũng xanh tốt, ngoài ra còn xen kẽ những luống hoa nhài, hoa ngọc lan và đặc biệt là mai vàng, địa lan nở rộ vào mùa xuân. Trong khu nhà vườn ấy, không thể không nói tới ngôi nhà rường cổ. Nhà rường thường được làm bằng gỗ, chúng được cầu kỳ hóa bằng nhiều nét văn hoa chạm trỗ, trong liên kết của kết cấu nhà, thay cho đóng đinh là kỹ thuật mộng tinh xảo. Nhà rường có nhiều dạng: một gian hai chái, ba gian hai chái, năm gian hai chái, nhà rường lầu… rường là cách nói ngắn gọn của rường cột, nhà có hệ thống cột kèo gỗ được dựng lên theo những quy cách nhất định. Dù to lớn đến đâu, nhà rường cũng được kết cấu hoàn toàn bằng chốt, mộng gỗ để có thể lắp ráp và tháo gỡ dễ dàng. Trong nhà bày sập gụ, tủ chè, treo hoành phi, câu đối, đồ đạc được bài trí hài hóa hợp lý, tạo cho nhà rường cái thần thái riêng biệt.
Nhìn cảnh quan một nhà vườn Huế, người ta dễ dàng nhận ra được tâm hồn và phong cách sống của chủ nhân. Mỗi khu vườn đều được trồng nhiều cây, hoa, nhưng mỗi loài được trồng với số lượng nhiều ít khác nhau và được cắt tỉa theo ý chủ nhân của nó. Trước kia nhà vườn gắn với tầng lớp quý tộc, họ dùng nhà vườn là nơi nghỉ ngơi, đọc sách, di dưỡng tâm hồn, bởi khung cảnh nhà tĩnh lặng, lại bao trùm bởi cây cối cỏ hoa, trành xa với những ồn ào phố xá. Đó cũng là nơi gặp gỡ của những người yêu cảnh điền viên, yêu thi phú, tránh cảnh phồn hoa đô hội, về gặp gỡ bên nhau, đàm đạo bên tách trà, ngắm hoa, thưởng nguyệt. Nhà vườn Huế thể hiện được sự hòa hợp giữa đời sống con người và cây cỏ, giữa nếp sống tinh thần và vật chất, tất cả đều bổ sung cho nhau, để tạo nên sự cân bằng trong cuộc sống.
Gần đây, do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân như: thời tiết, khí hậu hay sự bùng nổ dân số, sự phát triển của cơ chế thị trường, nhà vườn Huế hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Vườn bị cắt xẻ chia cho con cháu hoặc đổi chủ, ngôi nhà rường cổ bị ảnh hưởng bởi bão gió lụt lội dễ hư hỏng, có nguy cơ sụp đổ… khiến cảnh quan nhà vườn bị phá vỡ.
Được sự quan tâm của các ngành chức năng, tại Huế còn lại một số nhà vườn nguyên vẹn, tiêu biểu như: nhà vườn An Hiên, nhà vườn công chúa Ngọc Sơn, nhà vườn Gia Hưng vương, nhà vườn phủ Vĩnh Quốc Công, nhà vườn Thường Lạc… tập trung nhiều hơn cả ở khu vực Kim Long, Gia Hội, Phú Hiệp. Các ngôi nhà vườn này nằm trong quần thể khu di tích Huế, thường xuyên mở cửa và thu hút rất nhiều du khách. Đến Huế, du khách thường thăm đại nội, thăm các lăng tẩm đình đài, cầu Tràng Tiền hay du thuyền trên sông Hương, nhưng cũng đừng nên bỏ qua các nhà vườn, bởi chỉ một lần đến nhà vườn xứ Huế, sẽ thấy ngay một cuộc sống bình dị, thanh thản, yên bình, một triết lý sống hòa hợp giữa thiên niên, cây cỏ mà trong cuộc sống thường ngày không phải lúc nào cũng có được…
. Theo Báo Thừa thiên - Huế
|