Đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử dân tộc với những chiến công oanh liệt , tiếp sức cho quân và dân ta đi đến đại thắng mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…Đường mòn Hồ Chí Minh đã trở thành đề tài, điểm dừng chân của không ít các nhà báo, du khách nước ngoài, nhất là những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.
David Clark, 75 tuổi, một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, sau khi quay lại nước ta vào năm 2005, đã viết trên tờ New York Times, một trong những tạp chí hàng đầu của Mỹ rằng: Thời kỳ Mỹ gieo rắc chiến tranh tại Việt Nam, đường mòn Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng trong việc chuyên chở binh sĩ, vũ khí, lương thực , thuốc men… từ miền Bắc vào chi viện cho miền Nam, được hình thành từ năm 1959. Ngày nay, con đường này trở thành một trong những địa danh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước không chỉ bởi dáng vẻ hoành tráng của thời oanh liệt bên dãy Trường Sơn mà là con đường huyết mạch nối hai miền Nam- Bắc. Con đường chạy ngang qua những địa danh từng diễn ra các trận đánh ác liệt và quyết định như Khe Sanh, Thung lũng Ia Dran… Đồng thời, có những ngả rẽ vào những danh thắng nổi tiếng của Việt Nam như cố đô Huế, những bãi cát trắng miền Trung, hay các di sản thế giới Hội An, Mỹ Sơn tại Quảng Nam.
|
Cầu Đăkrông trên tuyến đường Hồ Chí Minh |
Đường mòn Hồ Chí Minh lẩn khuất trong những rừng già rậm rạp thuộc dãy Trường Sơn. Đối với các phi công Mỹ lúc bấy giờ thì đường mòn Hồ Chí Minh là mục tiêu quan trọng mà họ phải dội bom hầu như hàng giờ để ngăn chặn sự tiếp tế vào Nam bằng mọi phương tiện trên một trục giao thông phức tạp gồm nhiều ngõ ngách và sông rạch chằng chịt dài tổng cộng hơn 1.690 km. Cho dù đã tìm mọi cách phá hủy con đường tiếp tế huyết mạch này với những vũ khí tối tân nhất, nhưng không quân, biệt kích Mỹ cũng không thể nào ngăn chặn được những khối hàng tiếp liệu khổng lồ và làn sóng bộ đội ào ạt vào miền Nam. 16 năm ròng, đường mòn Hồ Chí Minh đã đóng góp rất to lớn trong sự nghiệp giải phóng đất nước.
Còn trên tờ Times của Anh, phóng viên Kay Johnson đã cảm nhận: đường mòn Hồ Chí Minh là minh chứng rõ ràng nhất về việc một thế lực quân sự mạnh nhất hành tinh đã tự dẫn lối vào để rồi phải tháo lui vì những thất bại ê chề trước sự dũng cảm, gan dạ, oanh liệt và quyết tâm giữ nước của quân và dân Việt Nam.
Ngày nay, xa lộ Hồ Chí Minh đã trở thành con đường năng động, con đường sáng của nhân dân Việt Nam. Khi dự án biến trục giao thông chính của con đường này thành xa lộ Hồ Chí Minh được khởi công vào năm 2000, Việt Nam xem đây là cơ hội để tạo động lực, kích thích phát triển kinh tế tại một số vùng xa xôi và còn nghèo nàn của đất nước, phát triển ngành du lịch… Ngày nay, những người cao tuổi hay thế hệ trẻ Việt Nam dừng chân trên đỉnh Trường Sơn như để hoài niệm, tưởng nhớ đến con đường một thời máu lửa với những anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc. Trong khi đó, những du khách nước ngoài hay những cựu chiến binh Mỹ dừng chân để cảm phục một con đường từng che chở cho quân và dân Việt Nam toàn thắng, ân hận và nuối tiếc vì những binh lính Mỹ bỏ mạng trong cuộc chiến vô nghĩa.
Cũng theo phóng viên Kay những hình ảnh cứ ngỡ thật đơn giản, bình thường nhưng lại thật xúc động, Đó là những trẻ em dọc theo con đường mòn Hồ Chí Minh cười nói vô tư khi bao vây những người khách lạ (trong đó có những cựu chiến binh Mỹ) bởi không phải chúng đã quên đi những trang sử vẻ vang của đất nước, mà hình như đã biết tha thứ cho những kẻ gây ra bao tội lội cho dân mình, để bắt tay với bạn bè khắp các châu lục vì một thế giới hòa bình và phát triển.
. Theo báo Quảng Nam |