Trở lại vùng đất hàng rào điện tử Mc Namara
16:6', 10/5/ 2006 (GMT+7)

Ước nguyện của dân tộc Việt Nam đã trở thành hiện thực sau 21 năm trường kỳ đánh Mỹ. Nước nhà được thống nhất, Bắc- Nam thu về một mối. Con sông Bến Hải- vĩ tuyến 17 không còn là nỗi đau chia cắt trong lòng nước Việt nữa. Vùng đất Nam sông Bến Hải, nơi một thời được mệnh danh "vành đai trắng" với hàng rào điện tử Mc Namara đi qua đã có nhiều đổi thịt, thay da đáng mừng. Tôi trở về vùng đất huyền thoại này trong dịp đất nước kỷ niệm ba mươi mốt năm ngày thống nhất Tổ quốc.

Câu chuyện về "những con mắt thần"

Giữa năm 1966, để có một giải pháp thay thế cho việc ném bom, các nhà khoa học quân sự Mỹ đề nghị Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng một hàng rào qua khu phi quân sự Nam sông Bến Hải bằng các công cụ chiến tranh tinh vi, hiện đại. Người đưa ra chủ trương này là Mc Namara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ lúc đó.

Tượng đài giao bưu liên lạc Dốc Miếu

Hàng rào này Mỹ dự tính xây dựng có chiều rộng 20 km, dài 100 km, bắt đầu từ xã biển Gio Hải vượt qua dãy Trường Sơn, qua vùng biên giới Việt- Lào, sông Sê Pôn với những cao điểm có các tên gọi quen thuộc như Dốc Miếu, Cồn Tiên... được chúng gọi là những "con mắt thần". Xây dựng hàng rào đó, Mỹ muốn biến phòng tuyến này thành vành đai trắng, cắt đứt giao thông đường bộ qua đường mòn Hồ Chí Minh.

Để thực hiện âm mưu trên, từ ngày 17 đến 19.5.1967, quân Mỹ huy động 21 tiểu đoàn (chủ yếu lính Mỹ) , 300 xe bọc thép, 100 máy bay... và 200 tàu chiến hành quân càn quét, bắn phá vùng Nam sông Bến Hải. Trên 3.000 nóc nhà của người dân hàng chục xã, gần 3 vạn nóc mộ bị xe tăng Mỹ húc, ủi. Trong suốt một đoạn có chiều dài 25 km, rộng 500m, xe tăng húc ủi đến đâu, Mỹ đóng chốt đến đó. Một hệ thống dây kẽm gai có 6 vòng kiểu như " mắt cáo", "ô vuông" được Mỹ giăng kín. Trung bình 1 mét vuông đất Mỹ cài 4 quả mìn, dọc hàng rào , các loại máy thu, phát âm thanh chấn động lớn nhỏ được Mỹ cài đặt cùng hệ thống hồng ngoại tuyến quan sát ban đêm. Một hệ thống đài thông tin hoàn chỉnh nối ra hạm đội 7. Chỉ cần một tiếng động nhỏ, lập tức máy thu phát cây nhiệt đới báo tin về đài chỉ huy, để rồi pháo từ hạm đội 7 sẽ dập nát địa điểm vừa phát ra tiếng động. Mỹ quyết định đầu tư 1 tỷ đô la để thực hiện phòng tuyến này với quy mô ác liệt 25 triệu quả mìn, 20 triệu quả bom để tiêu diệt bộ đội ta tiến vào Nam theo đường Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mới thực hiện được một đoạn hàng rào dài chừng 25 km (từ Gio Hải đến xã Hải Thái bây giờ) thì âm mưu này đã bị thất bại...

Mặt đất đã lành lặn trở lại

Trong câu chuyện ký ức chiến tranh và sự hồi sinh của "vành đai trắng" ba mươi mốt năm sau, chị Lê Thị Phương Hoa, Bí thư Huyện ủy Gio Linh, bùi ngùi kể lại: Biết bao giọt mồ hôi của hàng ngàn nông dân đổ vào đất, hạt giống gieo xuống, nảy mầm đâm chồi non. Bây giờ, mặt đất đã lành lặn trở lại. Trên "vành đai trắng" ngày xưa là những vườn cao su, cà phê xanh tốt ngút ngàn.

Anh Nguyễn Cư, chủ một trang trại hồ tiêu, cao su ở xã Hải Thái, cho biết: Nếu không có những ước mơ táo bạo biến đồi trọc thành những cánh rừng xanh thì người dân không bao giờ tận dụng hết tiềm năng dồi dào từ đất. Sau ba năm lăn lộn với ruộng đồng, anh đã trồng được 10 ha rừng, và từng ấy diện tích cao su. Mỗi năm thu về từ việc bán mủ cao su đã đến hàng trăm triệu đồng. Câu chuyện làm ăn của anh Cư chỉ là một trong hàng ngàn chuyện làm giàu của người dân vùng vĩ tuyến 17. Chị Lê Thị Phương Hoa, Bí thư Huyện ủy Gio Linh, tự hào: "Vùng đất đỏ bazan của huyện còn trên 5.000 ha đất trống , đồi trọc phù hợp cho việc lập trang trại chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng. Đây là thế mạnh cho những cư dân chuyển sang làm kinh tế trang trại mà không phải địa phương nào cũng có được".

Ngược lên phía Nam vĩ tuyến 17, trên các cứ điểm ngày xưa của Mỹ như Dốc Miếu, Cồn Tiên, Phu Lơ ...nay đã được phủ một màu xanh bạt ngàn của rừng cao su, hồ tiêu. Trên 3.000 ha cao su xanh tốt đang cho khai thác xuất khẩu. Nhưng để có được diện tích đất đai canh tác không ngừng tăng lên, xóm làng tươi vui như hôm nay, hàng ngàn người dân trên vĩ tuyến 17 đã ngã xuống vì bom đạn Mỹ còn sót lại từ thời chiến tranh.

Đi về phía hạ lưu sông Bến Hải, nhìn đồng lúa bát ngát màu xanh, nước về đầy ắp ruộng đồng, tôi nhớ lại những ngày chưa có hệ thống thuỷ lợi Kinh Môn, mỗi mùa hạ đến, ruộng đồng khô nứt nẻ. Bầy vịt chăn ngoài đồng cứ chết dần, chết mòn vì bị mắc kẹt xuống giữa các đường nứt của ruộng hạn. Bây giờ chỉ cần hai xã đồng bằng Trung Sơn, Trung Hải làm lúa cũng đủ lương thực cung cấp cho 21 xã còn lại của huyện Gio Linh. Trung bình lương thực của người dân ở huyện này đạt mức gần 500 kg/ người/năm.

Du lịch trên chiến trường xưa Những ngày tháng tư lịch sử này, du khách trong và ngoài nước tấp nập đổ về đôi bờ Hiền Lương- sông Bến Hải, thăm lại chiến trường xưa. Theo ước nguyện của người dân trên khắp đất nước, Chính phủ đã công nhận Cầu Hiền Lương- Sông Bến Hải trở thành một cụm di tích lịch sử đặc biệt của quốc gia- thuộc hạng A1, chiếc cầu Hiền Lương lịch sử là trục chính của cụm di tích này, đã được phục hồi nguyên vẹn với phía bờ Bắc có 450 tấm ván mặt cầu, phía bờ Nam có 444 tấm . Hàng chục tỷ đồng được đầu tư vào để xây dựng nhiều hạng mục quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu tha thiết của du khách mỗi lần đến tham quan, tưởng niệm.

Richard Kuschel, một cựu binh Mỹ trở lại bờ Nam sông Bến Hải- vĩ tuyến 17 với những cảm xúc bùi ngùi. Richard Kuschel nói: "Chiến tranh chẳng mang lại cái gì tốt đẹp cho loài người cả. Thật là buồn khi những năm 1967- 1968, tôi phải tận mắt chứng kiến cảnh quá nhiều gia đình ở Gio Linh chịu nhiều mất mát do chiến tranh gây ra. Bây giờ tôi trở lại thấy tất cả đã thay đổi tốt đẹp. Các bạn đã mất quá nhiều thời gian để khôi phục lại đất nước được như hôm nay. Tôi chúc những gì tốt đẹp nhất sớm đến với dân tộc Việt Nam".

Còn Ryan Foor, một người Mỹ được sinh ra sau 1975 , bày tỏ: "Đến vĩ tuyến 17- sông Bến Hải, tôi được thấy một đất nước Việt Nam thân thiện, cởi mở và vị tha, chứ không phải như những gì tôi biết được qua một số sách báo tại Mỹ. Tôi tin rằng thế hệ trẻ ở Mỹ hôm nay nhìn Việt Nam rất thiện cảm". Suốt buổi đó, tôi thấy Ryan Foor luôn để ý đến những đứa trẻ bị cụt chân, tay chính do bom đạn Mỹ còn sót lại trong chiến tranh gây nên. Ryan Foor xuýt xoa: "Tại sao các bạn không để lại một vài hố bom do Mỹ gây ra làm nhân chứng cho thế hệ trẻ của nước Mỹ khi đến đây họ sẽ hiểu được cha ông của họ đã đi gieo rắc tội ác cho dân tộc Việt Nam như thế nào. Và có thể các bạn bán vé, thu tiền du khách tham quan những chiếc hố bom này đấy chứ". Những ý tưởng của các du khách càng thôi thúc chúng ta làm tốt hơn việc thu hút du khách, khai thác tiềm năng du lịch Quảng Trị dồi dào.

. Theo báo Quảng Trị

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Đường mòn Hồ Chí Minh qua lăng kính của các phóng viên nước ngoài   (09/05/2006)
Điểm đến hấp dẫn các doanh nhân và nhà đầu tư   (09/05/2006)
Thức dậy một tiềm năng   (08/05/2006)
Nhà vườn Huế   (08/05/2006)
Đà Lạt - đường đến đô thị di sản   (05/05/2006)
Tây Sơn Thượng đạo   (05/05/2006)
Thành nhà Hồ trong hành trình đến Di sản Văn hóa Thế giới   (04/05/2006)
Một thoáng Hội An   (04/05/2006)
Thác nước Gia Lai  (30/04/2006)
"Bảo tàng ngoài trời” ở Quảng Bình  (28/04/2006)
Thăm nơi ở và làm việc của cụ Huỳnh Thúc Kháng  (27/04/2006)
Mạo hiểm rừng Đa Mi  (26/04/2006)
Tiềm năng văn hóa du lịch làng Cơtu   (26/04/2006)
Ở nơi "tiếng gà gáy ba nước đều nghe"  (25/04/2006)
Giữ gìn văn hóa đặc sắc các dân tộc Tây Nguyên  (25/04/2006)