Lao động tay nghề cao: Nhu cầu cấp bách ở Khu kinh tế Dung Quất
11:2', 16/5/ 2006 (GMT+7)

Dung Quất đang bước vào giai đoạn tăng tốc. Hàng loạt các nhà máy đang trong giai đoạn xây dựng và đi vào hoạt động đã làm "nóng" lên nhu cầu tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Nhu cầu lao động từ Dung Quất đang trở thành vấn đề thách thức cho tỉnh Quảng Ngãi trong việc cung ứng nguồn nhân lực .

 

Năm 2006 này, Dung Quất xác định là năm mở đầu giai đoạn tăng tốc phát triển. Dự án Nhà máy lọc dầu khởi động trở lại đã mang đến cho Dung Quất luồng sinh khí mới. Nhiều nhà đầu tư và các tập đoàn kinh tế lớn đã quyết định đầu tư vào Dung Quất. Bên cạnh dự án Nhà máy lọc dầu, một số dự án có quy mô lớn như Nhà máy luyện cán thép lò cao của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) có khả năng giải quyết 8000 lao động. Nhà máy chế tạo thiết bị công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc) cần gần 10.000 công nhân. Điều này cho thấy nhu cầu về lao động ở Khu kinh tế Dung Quất là rất lớn.

Cùng với Nhà máy lọc dầu, Nhà máy đóng tàu Dung Quất cũng đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân lành nghề số lượng lớn. Vào tháng 7 tới, Nhà máy này bắt tay vào đóng tàu chở dầu đầu tiên có trọng tải 100.000 tấn mang tên "Dung Quất 1" để kịp hạ thủy vào năm 2007. Mới đây, Tổng công ty tàu thuỷ Việt Nam có qui định các đơn vị thành viên Vinashin, kể cả các nhà máy đóng tàu ở miền Trung trả lương cho công nhân không được thấp hơn mức 1.800.000 đồng/tháng. Để được hưởng mức lương khá hấp dẫn này, người lao động phải được đào tạo bài bản, có tay nghề cao. Chính vì thế đang và sẽ xảy ra tình trạng "khan hiếm" công nhân kỹ thuật cao tại các nhà máy đóng tàu, đặc biệt là ở khu vực miền Trung như Dung Quất, Đà Nẵng, Quy Nhơn.

Trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực này cũng đã đầu tư lớn, sắm dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Để vận hành có hiệu quả các thiết bị hiện đại, các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu tại Phân khu công nghiệp Sài Gòn- Dung Quất cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động có tay nghề. Riêng 4 nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu đi vào hoạt động cần trên 200 kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề.

 

Từ nay đến 2010 ở Khu kinh tế Dung Quất sẽ có trên 10 nhà máy công nghiệp nặng gồm các ngành: lọc dầu, hoá dầu, hoá chất, luyện cán thép, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, đóng tàu…cần trên 25.000 lao động. Trước mắt ở KKT đang thiếu đội ngũ kỹ sư xây dựng, giám sát thi công công trình, thợ Hàn bậc cao và phiên dịch tiếng Hoa, tiếng Anh. Các nhà thầu cũng đang có nhu cầu tuyển dụng đội ngũ kỹ sư các chuyên ngành: Quản lý chất lượng công trình, cơ khí, xây dựng, khảo sát công trình…phục vụ xây dựng Nhà máy lọc dầu đòi hỏi về nguồn nhân lực rất lớn.

Trong khi đó Trường Đào tạo nghề Dung Quất với quy mô đào tạo mỗi năm chỉ có 2.500 công nhân kỹ thuật bậc 3/7. Một số Trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động- Thương binh xã hội Quảng Ngãi mỗi năm cũng chỉ đào tạo, cung ứng vài trăm công nhân kỹ thuật bậc 3/7 cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và khu kinh tế Dung Quất. Số công nhân được đào tạo ở Quảng Ngãi còn quá ít, chỉ là "muối bỏ bể" so với nhu cầu của các doanh nghiệp. Đây là vấn đề thách thức của Quảng Ngãi trong những năm đến.

Để kịp thời cung ứng lao động cho các doanh nghiệp và giới thiệu việc làm cho người lao động, ngoài Trường Đào tạo nghề Dung Quất, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất quyết định thành lập Trung tâm giới thiệu việc làm Dung Quất. Bước đầu Trung tâm này đã có một số hoạt động cung ứng, giới thiệu việc làm đáp ứng yêu cầu cho các nhà thầu, doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất . Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã giới thiệu, cung ứng trên 170 kỹ sư, công nhân có tay nghề cao cho Công ty Anatakoh (Singapore) nhà thầu phụ của Technip, Công ty xây dựng Lũng Lô (Bộ Quốc Phòng), Công ty công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam) .

Cùng với Khu kinh tế mở Chu Lai và các Khu công nghiệp, khu kinh tế trong khu vực miền Trung, Khu kinh tế Dung Quất đang nỗ lực tạo ra một không gian phát triển kết nối về hạ tầng kinh tế- kỹ thuật và sự tương tác hỗ trợ về xã hội và dịch vụ, đặc biệt là nguồn nhân lực. Và khi xác định nhân lực là một trong những yếu tố quyết định, Ban quản lý Khu Kinh tế Dung Quất đang nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp về đào tạo, cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp đứng chân trên khu kinh tế này. Tuy nhiên, đứng trước một yêu cầu đòi hỏi quá lớn về nguồn nhân lực từ Dung Quất cũng đặt ra những thách thức lớn cho chính quyền và các ban ngành ở Quảng Ngãi. Nếu chậm chân không những có thể ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của Khu kinh tế này mà còn mất đi cơ hội việc làm cho người lao động trong tỉnh.

. Theo website tỉnh Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Diễn Châu - viên ngọc của du lịch Nghệ An   (15/05/2006)
Biển Hồ   (12/05/2006)
Về thăm phố Hội  (12/05/2006)
Nhà mồ Tây Nguyên  (11/05/2006)
Trở lại vùng đất hàng rào điện tử Mc Namara   (10/05/2006)
Đường mòn Hồ Chí Minh qua lăng kính của các phóng viên nước ngoài   (09/05/2006)
Điểm đến hấp dẫn các doanh nhân và nhà đầu tư   (09/05/2006)
Thức dậy một tiềm năng   (08/05/2006)
Nhà vườn Huế   (08/05/2006)
Đà Lạt - đường đến đô thị di sản   (05/05/2006)
Tây Sơn Thượng đạo   (05/05/2006)
Thành nhà Hồ trong hành trình đến Di sản Văn hóa Thế giới   (04/05/2006)
Một thoáng Hội An   (04/05/2006)
Thác nước Gia Lai  (30/04/2006)
"Bảo tàng ngoài trời” ở Quảng Bình  (28/04/2006)