Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế vừa quyết định thành lập Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, trên cơ sở Nhà hát Duyệt Thị Đường trong Đại Nội, nhằm nâng tầm công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị quần thể di tích Huế nói chung và Nhã nhạc Huế nói riêng.
Duyệt Thị Đường được xây dựng cách đây 200 năm, dưới triều Nguyễn, được các nhà nghiên cứu coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam. Đây là nơi biểu diễn nghệ thuật như tuồng, múa, nhã nhạc cung đình cho nội cung thời bấy giờ. Duyệt Thị Đường mới đây đã được trùng tu, hoạt động trở lại với nhiệm vụ khai thác, phục hồi những tác phẩm tiêu biểu có khả năng bị thất truyền của nghệ thuật cung đình Huế, trong đó có Nhã nhạc.
|
Dàn Nhã nhạc đang trình tấu ở sân điện Thái Hoà. Ảnh chụp vào thập niên 1920. Ảnh tư liệu của Nhà nghiên cứu Phan Thuận An. |
Nhã nhạc Huế, được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của thế giới từ năm 2004, có bề dày hàng trăm năm nhưng cùng với thời gian đã mai một dần. Đến nay Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế đã sưu tầm, nghiên cứu và bảo tồn được 10 nhạc chương trong lễ Tế Giao, 9 nhạc chương trong lễ Tế Miếu, 5 nhạc khúc trong lễ Đoan Dương, Vạn Thọ và Tết Nguyên Đán, 40 nhạc khúc trong diễn tấu với đội Tiểu nhạc, 14 nhạc khúc kèn dùng trong Đại nhạc và 10 nhạc khúc diễn tấu khi có Vua ngự.
Trên cơ sở này, Nhà hát Duyệt Thị Đường đã dàn dựng và biểu diễn nhiều tiết mục như Trống Thái Bình, Tam luân cửu chuyển (đại nhạc); Phú lục dịch, Kim tiền (tiểu nhạc), Vũ phiến và Lục cúng hoa đăng (múa).
Ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát Duyệt Thị Đường, cho biết Nhà hát đã biên soạn và phục hồi 15 điệu múa cung đình, các thế hệ diễn viên trẻ của Nhà hát cũng chú trọng học hỏi kiến thức của các nghệ nhân nhã nhạc lớn tuổi.
Mới đây, trong khuôn khổ dự án về bảo tồn, giữ gìn và phát huy Nhã nhạc Huế, tổng kinh phí hơn 350.000 USD trong đó có 154.900 USD do Quỹ uỷ thác Nhật Bản tài trợ, UNESCO cũng đã hỗ trợ Việt Nam đào tạo 20 nhạc công Nhã nhạc đầu tiên để bổ sung cho nhà hát Duyệt Thị Đường. Khoá học kéo dài 2 năm 2006 và 2007.
Ngoài việc dàn dựng biểu diễn tại chỗ, Nhà hát Duyệt Thị Đường đang chuẩn bị các chương trình tham gia Lễ hội Nam Giao - một trong ba lễ hội chính tại Festival Huế 2006. Nhà hát đã tiến hành phục dựng những đoạn rất khó trong phần nhạc lễ của Lễ tế đàn Nam Giao.
. Theo TTXVN
|