Đập Đồng Cam
15:57', 23/5/ 2006 (GMT+7)

Đập Đồng Cam được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Đây là một công trình quy mô, lấy nước sông Ba tưới cho 2 vạn hecta đồng lúa Tuy Hòa (Phú Yên).

Thuở xa xưa, khu vực Đồng Cam là biển cả, dấu vết còn lại là Gành Đá thôn Mỹ Hòa, xã Hòa Thắng, đồi cát trắng thôn Mỹ Thạnh xã Hòa Phong, Gành Bà thôn Phước Thành (đối diện với Dinh Ông xã Hòa Định, phía nam sông Đà Rằng)…Qua lớp lớp thời gian, phù sa bồi dần thành những cánh đồng, dân cư về sinh sống xây dựng thành làng xóm. Mỗi làng có lũy tre bao bọc chung quanh trông tựa những hòn đảo ngoài biển khơi. Dân chúng  khai hoang, vỡ hóa làm thành những thửa ruộng để cấy lúa, trồng ngô. Đồng Tuy Hòa thời bấy giờ chỉ làm một vụ ăn nước trời, đến mùa nắng ruộng khô nứt nẻ, không trồng thêm màu phụ được, nên mức sống người dân rất thấp.

Năm 1923, đập Đồng Cam được khởi công xây dựng, đến năm 1931 hoàn thành, năm 1932 hoàn thành kênh mương và khánh thành. Tháng 1-1933, vua Bảo Đại đến thăm đập Đồng Cam.

Đây là một công trình quy mô, được các kỹ sư người Pháp thiết kế và dân phu từ khắp nơi đưa về với số lượng đông đảo, xây dựng. Đập dài 688m, cao 22,4m so với mặt nước biển, chiều dài hệ thống kênh mương khoảng 200 km. Kinh phí xây dựng 2,1 triệu đồng Đông Dương tương đương 262.000 tấn thóc.

Sau thời gian xây dựng kỷ lục (10 năm), đập Đồng Cam được hoàn thành, đưa nước sông Đà Rằng theo hệ thống nông giang vào ruộng, nông dân cấy lúa hai vụ. Vùng đất trở nên trù phú, giàu có.

Những người xây dựng công trình trải qua bao nhiêu gian khó, đổ mồ hôi và xương máu. “Việc xây con đê này rất khó, vì nơi này lam sơn, chướng khí. Các viên kỹ sư, giám thị người Pháp và những người thầu khóan cùng nhân công An Nam đều phải sinh hoạt một cách hết sức nguy hiểm. Nhà nào người nấy đều lo sợ ma thiêng nước độc”…

Đã hơn hai phần ba thế kỷ, đồng lúa Tuy Hòa mỗi năm được sông Đà Rằng bồi lên. Lúa mỗi ngày tốt hơn cho nên đồng Tuy Hòa được coi là “vựa lúa liên Khu 5”. Trong những năm trường kỳ của hai cuộc kháng chiến, quân và dân Khu 5 có đủ lương thực đánh đế quốc xâm lược nhờ vào vựa lúa đồng Tuy Hòa, nhờ sự dẫn thủy nhập điền của đập Đồng Cam.

Mấy năm gần đây công trình xuống cấp nhiều và được lần lượt tu bổ hệ thống kênh mương. Tại đập Đồng Cam có miếu thờ 52 dân phu tử nạn khi xây dựng vào năm 1930 và miếu Sơn Thần trên đỉnh đồi cạnh đập. Đây là miếu Sơn Thần duy nhất còn lại tại Phú Yên.

Nơi đây phong cảnh rất đẹp, là điểm du lịch, đã thu hút  du khách xa gần thường đến tham quan có để lại thơ phú.

. Theo báo Phú Yên

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Các bên đều cam kết thực hiện đúng tiến độ   (21/05/2006)
Về Vĩnh Linh anh hùng   (17/05/2006)
Bảo tồn Nhã nhạc Huế   (16/05/2006)
Lao động tay nghề cao: Nhu cầu cấp bách ở Khu kinh tế Dung Quất   (16/05/2006)
Diễn Châu - viên ngọc của du lịch Nghệ An   (15/05/2006)
Biển Hồ   (12/05/2006)
Về thăm phố Hội  (12/05/2006)
Nhà mồ Tây Nguyên  (11/05/2006)
Trở lại vùng đất hàng rào điện tử Mc Namara   (10/05/2006)
Đường mòn Hồ Chí Minh qua lăng kính của các phóng viên nước ngoài   (09/05/2006)
Điểm đến hấp dẫn các doanh nhân và nhà đầu tư   (09/05/2006)
Thức dậy một tiềm năng   (08/05/2006)
Nhà vườn Huế   (08/05/2006)
Đà Lạt - đường đến đô thị di sản   (05/05/2006)
Tây Sơn Thượng đạo   (05/05/2006)