Với nhiều lợi thế về tài nguyên môi trường du lịch đa dạng và phong phú, du lịch Kon Tum đang từng bước hoàn thiện lại mình tạo đà cho quá trình cất cánh.
Những năm gần đây hạ tầng cơ sở ở Kon Tum đã có chuyển biến tích cực tạo đà cho ngành "công nghiệp không khói" phát triển. Những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như: ngục Kon Tum, nhà thờ Chánh Tòa (nhà thờ gỗ), căn cứ E42 Đắk Tô- Tân Cảnh… được các nhà đầu tư nâng cấp và xây thêm cơ sở hạ tầng.
|
Nhà thờ Chính tòa Kon Tum. |
Các tuyến du lịch khác, các cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ du lịch cũng đang ngày càng được hoàn thiện, mở rộng và nâng cấp. Trong tổng số 14 khách sạn, đã có 11 khách sạn được xếp hạng, đặc biệt có 2 khách sạn được Tổng cục Du lịch xếp hạng tương đương 3 sao. Với tổng số gần 300 phòng nghỉ, đủ sức đáp ứng nhu cầu lưu trú của du khách. Hàng loạt các công trình giao thông đã và đang được xây dựng, mở đường cho Kon Tum thông suốt với các tỉnh trong khu vực, trong nước và quốc tế. Đặc biệt tuyến đường Hồ Chí Minh và cửa khẩu Quốc tế Bờ Y đang được hoàn thiện đã tạo điều kiện cho du lịch Kon Tum phát triển.
Ngay từ năm 1991 sau khi tái lập tỉnh, các nhà quy hoạch đã thống kê toàn tỉnh Kon Tum có trên 20 điểm du lịch hấp dẫn du khách. Tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá du lịch bằng nhiều cách và liên kết liên doanh du lịch hợp tác với các tỉnh trong và ngoài nước. Các tiềm năng du lịch đã và đang được đánh thức như: khu du lịch làng Plei Vẽnh, làng Hờ; khu du lịch ven lòng hồ và du thuyền trên lòng hồ Ya Ly; khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen. Và trong tương lai, khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Bờ Y phát triển mạnh mẽ sẽ trở thành trung tâm du lịch thứ 2 của tỉnh Kon Tum.
Năm 2005 tổng doanh thu toàn ngành du lịch ước đạt trên 11.000 triệu đồng, tổng lượt khách du lịch trong và ngoài nước đạt trên 34.560 lượt khách. Là tỉnh có tài nguyên du lịch còn nhiều nét hoang sơ, chưa có đầu tư khai thác nhiều, đây sẽ là điều kiện lớn để Kon Tum gắn chặt việc vừa khai thác sử dụng tài nguyên vừa bảo tồn và tái tạo tài nguyên du lịch.
Một số dự án đầu tư trọng điểm đang được đẩy mạnh tiến độ thực hiện như: khu du lịch rừng Đặc dụng Đắk Uy; củng cố làng văn hóa truyền thống và tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, xây dựng đường giao thông đến các điểm du lịch; khôi phục làng nghề truyền thống. Tiếp tục lập các điểm du lịch sinh thái- văn hóa- lịch sử như: làng du lịch văn hóa sinh thái Kon Ke Tu(xã Đắk Rơ Wa thị xã Kon Tum); khu du lịch làng Plei Tum bên lòng hồ Ya Ly; khu du lịch văn hóa lịch sử làng Đăk Răng- Bến Héc- Ngã ba Đông Dương; khu du lịch văn hóa dân tộc Xê Đăng; khu văn hóa dân tộc Jẻ Triêng; làng văn hóa Đăk Răng(Ngọc Hồi). Hy vọng rằng ngành công nghiệp không khói này tiếp tục có những bước khởi sắc, góp phần đắc lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà.
. Theo báo Kon Tum
|