Như một đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng cho thành phố Đà Nẵng, Sơn Trà là bức bình phong chắn gió mưa, bão tố và cũng là nơi người Đà Nẵng có thể tìm cảm giác yên bình trong màu xanh dịu dàng của rừng núi. Từ lâu, Sơn Trà đã được biết đến như một khu sinh thái tự nhiên với hàng trăm loài thực vật và động vật quý. Quanh chân núi là những bãi cát đẹp mịn màng với những truyền thuyết đẹp về tình yêu và tiên nữ.
|
Một góc bán đảo Sơn Trà.
|
Trong những năm gần đây, Sơn Trà đã thật sự được đánh thức bằng những dự án phát triển du lịch táo bạo của thành phố. Một con đường đã và đang xây dựng chạy quanh bán đảo như một vành lụa đen mềm mại, cùng với dải lụa ấy là những khu du lịch được xây dựng rải rác dọc theo chân núi. Đến nay, Sơn Trà đã thu hút được 6 dự án phát triển du lịch với số tiền đầu tư lên đến 1 nghìn 350 tỷ đồng, trong đó có các dự án lớn như: Khu du lịch Bãi Bụt, Khu du lịch Bãi Trẹm..., đặc biệt Khu du lịch quốc tế 5 sao Resort & Spa Sơn Trà với vốn đầu tư 650 tỷ đồng có tổng diện tích khu đất 140.250m2 và diện tích mặt nước: 208.184m2 là khu resort lớn nhất miền Trung với 500 phòng nghỉ và biệt thự. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã cho phép xây dựng một ngôi chùa với tượng phật lớn, tạo dấn ấn tâm linh trên ngọn Sơn Trà.
Tuy nhiên, cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng của cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, Sơn Trà lại cũng đang đối diện với thách thức nhằm duy trì và bảo tồn hệ sinh thái quý giá của mình. Mục tiêu của chính quyền địa phương là phát triển du lịch gắn liền với sinh thái, tạo một không gian nghỉ ngơi giữa chốn biển khơi và không gian rừng xanh thơ mộng, mục tiêu đó còn thể hiện trên sơ đồ quy hoạch xây dựng của các dự án với mật độ xây dựng chỉ cho phép 30% đến 40%, còn lại là không gian cây xanh. Nhưng thực tế, quá trình xây dựng đã phá hủy không ít những khoảng xanh trên bán đảo này. Dọc theo con đường ven núi là những mảng đất núi đỏ, những mảng rừng bị chặt trụi, những khu vực rừng nguyên sinh đang bị thu hẹp dần theo bước tiến không thương tiếc của xe xúc, xe ủi. Từ Đà Nẵng nhìn lên, người ta cũng đã có thể nhìn thấy những vết loang lổ, đỏ cạch nhức nhối. Những con đường dọc ngang như muốn xẻ Sơn Trà ra thành nhiều mảnh. Một số đơn vị thi công cũng đang tranh thủ đào sâu vào chân núi lấy đất và tạo mặt bằng xây dựng khiến cho Sơn Trà cũng như đang bị thu hẹp lại từng ngày.
Sau khi trở thành rừng cấm quốc gia, Sơn Trà đã không bị khai thác gỗ ồ ạt như trước nữa, tuy nhiên theo những người dân sống lâu năm thì bây giờ có lên rừng cũng khó mà tìm được những cây gỗ lớn. Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân làm rẫy cho biết, ngày xưa, Sơn Trà đã nuôi sống cả làng chài dưới chân núi, nhất là vào mùa biển động. Người ta vào rừng chặt củi, săn bắn, hái quả, hái lá cọ làm nón... Lá cọ ở đây làm nón rất đẹp, dày, dài và trắng muốt, được chuyển đi khắp các làng nghề chặm nón miền Trung này. Bây giờ, nhà nước cấm chặt cây, săn thú nhưng chúng cũng dần mất hết. Theo lời bà kể, cách đây chừng 10 năm, người dân vẫn thường nghe tiếng con Mang tác, tiếng lũ khỉ chí chóe trên đồi, còn chuyện heo rừng vào phá vườn, chồn bắt gà, thấy trăn, rắn là chuyện bình thường, còn bây giờ, đến con đom đóm cũng thấy ít dần đi, bà bảo, có lẽ tại điện sáng quá...
Dọc theo con đường lên Trạm ra-đa 29, con đường được làm cách đây hàng chục năm nhưng dường như vẫn còn nguyên vẹn, mới có thể nhìn thấy Sơn Trà đang dần mất đi vẻ đẹp nguyên sơ của nó. Mặt trước của ngọn núi, nhìn về phía thành phố chỉ toàn cây bụi, những mảnh rẫy loang lổ, trồng vài loại cây ăn trái, bạch đàn, sả và cả những mảnh đất cháy xém do đốt phát thực bì lấy đất trồng. Bên cạnh đó, Sơn Trà cũng đang ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên nước. Các con suối lớn nhỏ ở đây đang dần mất đi, lượng nước cung cấp cho thành phố hiện chỉ dao động ở mức trên 1.200m3/ngày đêm và đang có nguy cơ tiếp tục giảm, trong khi khả năng cung cấp nước có thể lên đến 3.000m3/ngày. Một số con suối đẹp như Suối Đá, thác 3 tầng đã không còn là điểm đến của người dân nữa do nước cạn kiệt, chỉ còn lại lạch nước nhỏ đầy rác và gần như khô kiệt vào mùa hè.
Những tác động tiêu cực từ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đã khiến Sơn Trà đang dần mất đi vai trò, vị trí của một khu bảo tồn thiên nhiên của thành phố. Để phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, đòi hỏi phải có sự quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, đòi hỏi có sự nghiên cứu cặn kẽ trong việc quy hoạch, khảo sát thiết kế để tránh bóc trắng những khoảng rừng không cần thiết, đồng thời xây dựng hệ thống kè, rãnh thoát nước hợp lý để tránh sạt lở. Yêu cầu các khu du lịch giữ lại tối đa số cây xanh không nằm trong khu vực xây dựng để tránh trường hợp xây dựng xong lại bứng các cây cổ thụ về trồng, bên cạnh đó, yêu cầu các chủ đầu tư tuân thủ chặt chẽ quy định về mật độ xây dựng, tránh mật độ xây quá dày hay những khối bê tông khô cứng. Các ngành chủ quản cần quy hoạch trồng các loại cây lâu năm, phủ kín các khoảnh đất trống chứ không nên trồng các loại cây lấy gỗ như bạch đàn, keo lá tràm vì sau mỗi lần lấy gỗ, đất rừng lại phơi ra xói mòn, bạc màu.
Trả lại màu xanh cho rừng cũng có nghĩa trả lại nguồn nước cho rừng, trả lại môi trường sống cho hàng trăm loại động thực vật. Hy vọng trong tương lai, Sơn Trà sẽ được biết đến không chỉ bởi những khu du lịch sang trọng tầm cỡ quốc tế mà còn vì đó là một khu bảo tồn thiên nhiên, nơi du khách không phải được nghe lời giới thiệu: Ngày trước, Sơn Trà có rất nhiều các loài động thực vật quý như...
. Theo website TP Đà Nẵng |