Vũ điệu trai làng Cơ tu
13:45', 5/6/ 2006 (GMT+7)

                       Thiếu nữ Cơ tu

Trong nghệ thuật múa, người Cơtu chỉ có 3 điệu múa cơ bản là tung tung, yazơn, ya ýa là các điệu múa khá phổ biến, kết hợp cả nam lẫn nữ, được biểu diễn trong các lễ hội. Tung tung là vũ điệu của những người đàn ông còn ya ýa là vũ điệu dành riêng cho người phụ nữ. Bên cạnh những nhóm phụ nữ múa ya ýa, những người đàn ông tham gia nhảy hội với điệu tung tung, tạo nên một đội hình múa hoàn chỉnh mà người Cơtu gọi là tung tung ya ýa.

Điệu múa truyền thống của người Cơtu trở nên hấp dẫn bởi sự kết hợp nhuần nhuyễn của một đội hình múa có cả nam lẫn nữ. Người đàn ông đảm nhiệm vai trò nổi bật tạo nên sức hấp dẫn, lôi cuốn của điệu múa. Bởi vì, họ không chỉ múa đơn thuần mà con tạo ra âm thanh, nhịp điệu làm nền cho điệu múa. Đi đầu đội hình múa có các già làng, nghệ nhân thổi tù và, khèn bè, một số người đánh chiêng, gõ trống. Ngoài âm thanh của các thứ nhạc cụ, những thanh niên tham gia nhảy hội còn dùng mồm tạo nên tiếng hú, tiếng thét bắt chước tiếng vọng hoang dã của núi rừng. Có người cho rằng, tung tung là bắt nguồn từ âm thanh của trống, là một trong hai nhạc cụ chủ đạo cho điệu múa truyền thống Cơtu. Trống vừa là nhạc cụ, vừa là vũ khí gắn với đàn ông trong chiến tranh.

Tung tung là điệu múa diễn tả, tái hiện cảnh đi săn thú, là điệu múa mừng chiến thắng thể hiện tinh thần thượng võ của người Cơtu, hòa hợp với điệu múa cầu mùa của người phụ nữ. Khi tham gia nhảy hội, ngoài tấm áo choàng từ lưng xuống vai, từ vai xuống bụng và chiếc khố chữ T, người múa còn có đạo cụ là chiếc gùi (taleo) những vũ khí của một chiến binh thời cổ như khiên, kiếm, cung nỏ hoặc giáo.

Nếu nói điệu múa của người phụ nữ là điệu múa thiêng, điệu múa cầu mùa với động tác cơ bản là đôi tay của người phụ nữ xòe lên trời cầu xin, đón nhận sinh khí và hạt lúa của thần linh thì điệu múa của đàn ông biểu hiện niềm tin và khát vọng vươn đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc: chiến thắng và chinh phục.

Hình ảnh người đàn ông nhảy hội cũng là một biểu tượng của văn hóa Cơtu. Biểu tượng này có sức hấp dẫn trong nghệ thuật sáng tạo hoa văn, điêu khắc và hội họa, Đó là một biểu tượng người đàn ông vạm vỡ có sức mạnh phi thường, anh dũng chiến đấu chống lại kẻ thù. Cũng như với thú rừng và thiên nhiên, là người được liệt vào hàng danh dự của trai làng. Người đàn ông như thế trong quan niệm của  người phụ nữ lúc bấy giờ cũng là chỗ đựa vững chắc của họ.

Trong nghệ thuật trang trí của nền vải, bên cạnh môtip ya ýa quen thuộc, người Cơtu tạo nên một môtip tung tung (người đàn ông nhảy hội) với đường nét, hình họa, chi tiết khá độc đáo. Hoa văn người đàn ông nhảy hội thường thể hiện trang phục Cơtu, Tà Ôi thường đơn giản hơn, ít xuất hiện hơn so với hoa văn của người đàn bà múa. Trong thực tế, điệu múa của người đàn ông khá uyển chuyển, nhiều tư thế và động tác khác nhau, đặc biệt là tư thế chống hai tay vào eo và động tác đấu võ với vũ khí là gươm, kiếm, khiên… theo nhịp chiêng trống, nhưng khi đưa vào nền vải, người thợ dệt diễn tả người đàn ông nhảy hội với một tư thế duy nhất là hai tay chống nạnh với dáng điệu chắc khỏe và đầy biểu cảm.

Đặc biệt, với “biệt tài” trong nghệ thuật điêu khắc, trang trí, người Cơtu thích tạc tượng và vẽ tranh về đề tài người đàn ông đi săn, nhảy múa, trong tay không rời vũ khí như kiếm, lao, khiên, cung tên…Trong mỗi nhà gươl, khi tạc tượng người phụ nữ múa ya ýa, người Cơtu bao giờ cũng tạo ra một tác phẩm đối ngẫu người đàn ông nhảy hội tung tung. Các bức tượng người đàn ông múa tôn vinh vẻ đẹp hình thể, vóc dáng của trai làng, ca ngợi tình yêu lứa đôi, sự lãng mạn và giàu chất thơ của người Cơtu.

Vũ điệu Tungtung không chỉ là điệu múa đơn thuần mà là cốt cách, tâm hồn của những trai làng Cơtu. Vũ điệu ấy là chất men nghệ thuật làm say lòng người qua bao mùa lễ hội.

. Theo Người làm báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khai mạc Festival Huế 2006: Lộng lẫy kinh thành  (04/06/2006)
Cửa Lò quyến rũ  (02/06/2006)
Khai mạc tuần lễ doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Quảng Ngãi năm 2006  (02/06/2006)
Tây Nguyên- Trang phục xưa độc đáo áo vỏ cây  (01/06/2006)
Nhan sắc cửa Tùng  (31/05/2006)
Giữ màu xanh cho Sơn Trà  (31/05/2006)
Hòn Tranh và hòn Trứng  (30/05/2006)
Nơi đón bình minh sớm nhất Việt Nam  (29/05/2006)
Về Trà Quế làm… "nông dân phố cổ"  (29/05/2006)
Kon Tum một tiềm năng du lịch to lớn   (25/05/2006)
Đến năm 2010, Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo chuẩn mới   (25/05/2006)
Đến năm 2010, Đà Nẵng không còn hộ nghèo theo chuẩn mới   (25/05/2006)
Huyền thoại về voi trắng   (24/05/2006)
Quang Trung với Phượng Hoàng Trung Đô - Vinh 1788   (24/05/2006)
Đập Đồng Cam   (23/05/2006)