Tại hội nghị quốc tế của các đơn vị du lịch, hãng lữ hành tại Berlin năm 1999, ngài Paul Stoll, Tổng giám đốc Furama- Đà Nẵng đã đưa ra sáng kiến Con đường Di sản miền Trung Việt Nam.
Cũng như Con đường lãng mạn ở Đức, Xa lộ lịch sử ở Nhật, Con đường di sản miền trung Việt Nam là một loại hình nhằm nối kết không gian du lịch qua các tuor - tuyến (mà trục chủ đạo ở đây là các di sản), kết hợp cả loại hình du lịch lịch sử- văn hóa và du lịch sinh thái- làng quê. Với Con đường di sản, du khách sẽ được tham quan các di sản thế giới nằm trên dải đất miền Trung từ Phong Nha - Quảng Bình đến Cố Đô Huế, Hội An - Mỹ Sơn cùng các tháp Chàm từ Quảng Nam vào đến Nha Trang và lên tận Tây Nguyên(chiếc nôi của di sản văn hóa Cồng chiêng đã được UNESCO công nhận trong năm 2005). Như vậy, về đường bộ, Con đường di sản… đã đi qua hơn 1.500 km, qua nhiều vùng sinh thái phong phú, đa dạng với sông biển, núi rừng.
Ở khu vực trung điểm của Con đường di sản, Quảng Nam thực sự có nhiều lợi thế. Hai di sản thế giới Hội An và Mỹ Sơn đại diện cho những nét đặc thù và vẻ đẹp đặc trưng(không trùng lặp, có giá trị phổ quát toàn cầu) của vùng đất Quảng Nam luôn là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nhiều năm tháng qua. Hai di sản này không chỉ gần nhau, mà còn rất gần các đầu mới giao thông chính về đường hàng không, hàng hải quốc tế, đường bộ, đường sắt. Và, trong tương lai, con đường xuyên Á được khai thông, một mạng đường đông Trường Sơn sẽ nối kết Quảng Nam với các thành phố của khu vực sẽ mở thêm cánh cửa cho du lịch phát triển.
Lợi thế của Quảng Nam không chỉ có ở hai di sản thế giới, mà còn ở hàng trăm di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề, thắng cảnh… Một vùng văn hóa đa sắc màu đã được bồi đắp qua nhiều thế hệ người Quảng, trải từ vùng núi xuống đồng bằng, ven biển và hải đảo, mà chỉ cần biết khơi dậy đúng hướng sẽ tạo những điểm nhấn của du lịch. Chẳng hạn, không nhiều địa phương ở miền Trung này có được sự phong phú về di chỉ, di tích kiến trúc như Quảng Nam, từ mộ Chum Sa Huỳnh (Hội An, Điện Bàn, Tiên Phước, Núi Thành, Nam Giang, Đại Lộc…), đến tháp Chàm với vẻ đẹp của nhiều phong cách (Mỹ Sơn, Thành Sư tử- Trà Kiệu, Đồng Dương, Chiên Đàn, Khương Mỹ, Bằng An…) và hàng trăm nhà cổ ghi dấu ấn tài hoa những phường thợ nổi tiếng (Kim Bồng, Văn Hòa). Nghề và làng nghề truyền thống khá phong phú cũng là những di sản mang tính đặc thù của địa phương, xứ Quảng. Làng quê với những nghề ươm tơ, dệt lụa, đúc đồng, làm gốm, làm nước mắm, làm mộc, mây tre đan, dệt chiếu… và có thêm những nghề mới như làm đèn lồng, làm diều…đã thể hiện nét đẹp của văn hóa làng và tâm hồn người Quảng. Hay, về văn hóa phi vật thể, di sản cha ông để lại cho vùng đất Quảng hàng trăm lễ hội dân gian ở các vùng, hàng ngàn câu hò, điệu hò khoan, câu hát lý, bài chòi, nói tuồng, hát tuồng. Vùng dân ca Quảng Nam có những giá trị thể hiện bản sắc tâm hồn Trung bộ và đã xây dựng, phát triển thành những loại hình nghệ thuật độc đáo. Chưa nói là, về tính chất địa phương, ở Quảng Nam còn có kho tàng truyện cổ của các dân tộc miền núi, đồng bằng, ven biển.
Cùng với các di sản văn hóa do con người tạo nên, thiên nhiên cũng góp công tạo dựng bao vẻ đẹp của non xanh nước biếc xứ Quảng. Rừng có những sản vật dồi dào, có những khu bảo tồn thiên nhiên (như Sông Thanh) với sự hiện diện của nhiều chủng loài động thực vật quý hiếm. Hệ thống sông, suối của Quảng Nam, do tính chất của địa hình, đã tạo nên những thắng cảnh, một tiềm năng dồi dào cho du lịch sinh thái. Có thể kể đến những khe Lim, khe Tân, Hòn Kẽm Đá Dừng, suối Tiên, suối Nước Mát, Hố Giang Thơm… Dải Trường Sơn với mây gió trăng ngàn, nhiều đỉnh cao, vực sâu kích thích du khách thám hiểm. Và, qua nhịp điệu của đèo dốc trung du, đồng bằng, du khách còn được tận hưởng vẻ đẹp của nhiều bãi biển, những rạn san hô, đặc biệt có hẳn khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm….
Dù chưa kể một cách chi tiết và đầy đủ, nhưng rõ ràng Quảng Nam trong con đường di sản miền Trung có thể khai thác được nhiều địa điểm, nhiều bản sắc, nhiều giá trị văn hóa sinh thái và nhân văn… cho nhiều tour - tuyến của nhiều loại hình du lịch. Những đại tiệc du lịch hoành tráng và ấn tượng không những đem lại nguồn sống cho ngành công nghiệp không khói này, mà còn tác động vào nhiều ngành kinh tế khác, bởi từ một cuộc du chơi đến một cuộc làm ăn lâu dài vì sự quyến rũ, hấp dẫn của Quảng Nam, sẽ tạo một làn sóng đầu tư vào các lĩnh vực. Thực tế, với sự tham gia các các hàng truyền thông, báo chí, các hãng du lịch, vận tải nội hạt và quốc tế, các nhà kinh doanh du lịch… hình ảnh của Quảng Nam đã được quảng bá trong những năm qua, góp phần cho sinh kế của người dân mở thêm nhiều cơ hội.
. Theo Người làm báo Quảng Nam |