Theo tục lệ của dân Bana, Gia Rai, hàng năm dân làng tổ chức một lần hội đâm trâu tại nhà rông, mọi phí tổn trong ngày hội do dân làng đóng góp lại. Người chủ trì ngày hội là già làng, đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lưng già làng. Những thanh niên có nhiệm vụ đánh trống, chiêng, cồng trong ngày hội, đầu chít khăn đỏ, mặc áo (loại áo ngày lễ dành cho con trai), đóng khố. Nữ thanh niên mặc áo phia, váy koteh (loại áo, mặc ngày hội của con gái).
|
Lễ hội cồng chiêng |
Khi già làng khấn xong, tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hòa với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động. Những ngày ở lễ hội đâm trâu, là những ngày hội của nghệ thuật cồng chiêng, vì nhiều nhà đem bộ cồng chiêng của mình tới tham dự.
Hết ngày thứ nhất, sang ngày thứ hai, tiếng cồng chiêng càng nổi lên rộn rã, những thanh niên khoẻ mạnh, đầu chít khăn đỏ, tay cầm chiêng, gươm sáng loáng lao ra, vừa múa vũ khí, vừa đi vòng tròn để lừa dịp đâm trâu. Sau cuộc nhảy múa, họ bắt đầu đâm trâu.
Khi con trâu đã tắt thở, thầy cúng mang nồi đồng nhỏ đến hứng huyết trâu hòa với rượu, bộ phận đao kiếm tiếp tục xẻ thịt trâu, làm thịt trâu xong, họ chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một phần thịt trâu sẽ được dành lại để uống rượu chung tại nhà rông.
. Theo website tỉnh Gia Lai |