Năm 2001, Thành phố Phan Thiết được công nhận là đô thị loại 3, là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh Bình Thuận. So với các đô thị kề cận như Biên Hòa, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt… Phan Thiết là đô thị trẻ. Nhưng đi sau, càng có nhiều lợi thế bởi kinh nghiệm những đô thị đàn anh đi trước để lại.
|
Thành phố Phan Thiết soi mình bên dòng Cà Ty. |
Năm 1995 tại TP Cần Thơ đã diễn ra hội thảo quốc tế về quy họach đô thị với sự tham dự nhiều chuyên gia quốc tế và đại diện các thành phố loại II(trực thuộc tỉnh). Tại cuộc hội thảo này, các đại biểu đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị. Vấn đề đầu tiên được đặt ra là phải quy hoạch thành phố cho tương lai ít nhất là 50 năm để tránh tình trạng đập phá, cải tạo gây tốn kém; trong xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng phải nghĩ đến số dân với nhu cầu sử dụng của họ trong 50 năm sau; mở rộng và phát triển các khu định cư mới (bằng cách xây dựng phường, xã là vệ tinh của thành phố). Và điểm đặc biệt chú ý là phải kiên quyết bảo tồn và phát triển vẻ đẹp hài hòa của không gian kiến trúc đô thị…
Đến nay, Phan Thiết nói riêng và Bình Thuận nói chung đã phát triển đô thị nhằm tạo dựng vẻ đẹp cho một thành phố trẻ. Về việc bảo tồn và phát triển vẻ đẹp hài hòa của không gian đô thị thì các công sở mà Pháp đã xây dựng cách đây 100 năm đã được xây dựng với kiến trúc và địa điểm được như quy hoạch trước đây… Các công trình nhà làm việc của UBND tỉnh, Tỉnh ủy, Tháp nước, khu di tích Hồ Chí Minh… vẫn đảm bảo vẻ đẹp trong không gian đô thị với nhiều loại cây xanh. Từ trục đường Trần Hưng Đạo đi qua thành phố đã có thêm nhiều đường ngang sạch đẹp có chiều rộng 10-12m, đảm bảo cho sự lưu thông trong nhiều năm tới. Sông Cà Ty chảy qua thành phố như một dải lụa đã được tôn tạo. Công trình xây dựng kè ven sông đang được xây dựng và du khách có thể tản bộ đoi bờ Cà Ty, một con sông chảy qua thành ohố mà ít đô thị có được. Đã xây dựng được khu dân cư Văn Thánh, Bắc Xuân An… và có chiều hướng tiếp tục mở rộng về phía thị trấn Phú Long (Hàm Thuận Bắc).
Việc xây dựng khu dân cư kèm theo xây dựng các công trình như đường sá, chợ, trường học, điện nước… tất cả những điều kiện đó, tạo cho người dân sống trong không gian sạch đẹp. Vào khu dân cư 19-4, du khách sẽ nhầm tưởng là khu phố mới, nhưng thật ra đó là khu định cư mới của nhân dân từ năm 1998 đến nay… Chính có sự chủ động trong xây dựng và nhắm tới tương lai trong 50 năm tới, các nhà thiết kế và xây dựng không những tạo ra được các khu dân cư đẹp mà còn xóa đi sự khác biệt mà lâu nay vẫn tồn tại là dân "nhà quê" với dân thành phố…
Tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có 1.038 biệt thự được xây dựng từ thời Pháp thuộc, điều độc đáo của các biệt thự này là rất đẹp nhung không phải cái nào cũng giống cái nào. Mời bạn đến Phan Thiết, thăm lại con đường lọc cọc xe ngựa xưa Phú Hải- Hàm Tiến- Mũi Né. Con đường đã được mở rộng 4 làn xe và đặc biệt khu du lịch Hòn Rơm- Mũi Né- Hàm Tiến có tơi hàng trăm nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng và tất nhiền đều rất đẹp bởi một bên là rừng dừa, một bên là biển xanh và cũng độc đáo: Kiến trúc đều rất khác nhau, vẻ đẹp cũng khác nhau, bởi tâm lý chủ nhân và sự thẩm định của các nhà quản lý xây dựng theo quy hoạch.
Với lợi thế của "người đi sau", TP Phan Thiết nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung đã có rất nhiều điều kiện thực hiện quy hoạch xây dựng thành phố trong những không gian mở, biến các vòng ngoại vi, phụ cận trở thành các trung tâm mới về kinh tế, thương mại, các cơ sở hạ tầng chất lượng cao…
. Theo báo Bình Thuận |