Nước Việt đã được mở rộng cõi bờ ra tới phương Nam 700 năm trước từ đèo Hải Vân sau khi một nàng công chúa nước Việt chấp nhận hi sinh tình riêng để về làm dâu xứ Chiêm Thành. Đã đến lúc có một đền thờ, một tượng đài Huyền Trân công chúa trên đỉnh Hải Vân, như một nữ thần hộ mệnh cho “con đường di sản” miền Trung...
Festival Huế có chủ đề “700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế”, chọn chiều dài lịch sử 700 năm nghĩa là chọn thời điểm Huyền Trân công chúa về làm dâu Chiêm quốc - mùa hè 1306 - làm cột mốc khởi đầu hành trình bảy thế kỷ Nam tiến của cha ông ta.
|
Góc nhìn từ đèo Hải Vân |
Sau khi đất Ô Lý - sính lễ của vua Chiêm Thành Chế Mân - về với Đại Việt, năm 1307 vua Trần ban sắc chỉ đổi châu Ô thành châu Thuận, châu Lý thành châu Hóa, cắt đặt quan trại chủ coi sóc phên giậu đất nước. Từ đó địa danh Thuận Hóa đã là tên gọi cho cả vùng đất từ phía nam sông Lệ Thủy (Quảng Bình) vào tận bờ bắc sông Thu Bồn xứ Quảng ngày nay.
Dù chủ đề của Festival là vậy, nhưng hình như ngoài hội thảo 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân đã nhắc đến và đánh giá về công lao Huyền Trân một cách đầy đủ, thì chẳng thấy bóng dáng của bà công chúa trong các chương trình nghệ thuật của hội hè được tổ chức ngay tại miền đất có được nhờ công lao của bà.
Sử chép rằng Huyền Trân đã xuống thuyền giã biệt Thăng Long một ngày tháng sáu năm Bính Ngọ 1306, đoàn thuyền đưa công chúa về Chiêm quốc đã dừng lại một đêm trên cửa biển Ô Long (nay là cửa biển Tư Hiền thuộc huyện Phú Lộc, Thừa Thiên -Huế) trước khi vượt đèo Hải Vân vào địa phận Chiêm Thành. Một năm sau, vua Trần Anh Tông cho đổi tên cửa biển Ô Long thành Tư Dung (dung nhan của người con gái) để nhớ công em gái đã vì đại cuộc mà hi sinh tình riêng với dũng tướng Trần Khắc Chung.
Một buổi sáng của festival, chúng tôi đến thăm nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường; trong câu chuyện về 700 năm Thuận Hóa - Phú Xuân, tâm tưởng nhà văn vẫn in đậm công lao của Huyền Trân với miền đất này, và theo ông, cái sính lễ lớn nhất của Chiêm quốc mà nàng đã mang về cho nước Đại Việt chính là con đèo chiến lược Hải Vân.
Trong một bút ký của ông, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường kể rằng: một buổi sáng khi ngồi với nhà thơ Phùng Quán trên đỉnh Hải Vân, khi hai ông “cao đàm khoát luận” về vị trí của con đèo này trong lịch sử giữ nước, nhà văn đã cảm khái về thân phận Huyền Trân để rồi liên hệ với câu chuyện về hiệp định Genève (!).
Hồi chuẩn bị ký hiệp định Genève, khi chọn giới tuyến tạm thời phía VN đòi vĩ tuyến 13, Pháp ban đầu đòi vĩ tuyến 18 và cuối cùng chọn vĩ tuyến 17, bởi người Pháp khi ấy biết rằng phải bằng mọi giá giữ lại con đường số 9 nối từ bờ biển VN thông sang Lào (ở phía nam vĩ tuyến 17). Trong câu chuyện hai châu Ô Lý, thượng hoàng Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân từ năm 1301, vậy mà phải đến năm năm sau mới thuận ý.
Bởi ban đầu vua Chiêm chỉ dâng lễ vật chứ chưa có đất Ô Lý, và rồi khi đã có hai châu ấy vua nhà Trần hẳn còn muốn có được con đèo Hải Vân chiến lược; nghĩa là từng có một “hiệp định Genève” thuở ấy để xác định “biên giới phía nam châu Lý” dài đến đâu, rồi từ đấy mà mưu sự mở cõi về phương Nam. Có thể nói không ngoa rằng “thiên hạ đệ nhất hùng quan” Hải Vân đã lọt về tay Đại Việt bằng nhan sắc Huyền Trân, mở đường Nam tiến cho người Việt về đến tận mũi Cà Mau.
Hội hè của Festival lần này đã mở rộng không gian về tận Thuận An, vào đến Lăng Cô, nhưng thật đáng tiếc vẫn chưa nối nhịp miền đất Thuận - Quảng. Sao không có một lễ hội Huyền Trân trên ngọn đèo nối hai vùng du lịch vào những ngày diễn ra Festival Huế, trong khi con đường đèo Hải Vân tuyệt đẹp sau ngày thông hầm Hải Vân đã trở nên thật đìu hiu? Hải Vân quan hùng vĩ ghi đậm dấu ấn công lao Huyền Trân như thế nhưng sau 700 năm vẫn chưa có một đền thờ hoặc một tượng đài cho bà công chúa.
Đường hầm xuyên Hải Vân đã nối gần hơn khoảng cách địa lý giữa hai vùng đất; còn một hội hè tưởng nhớ công lao mỹ nhân thiên kim của Đại Việt xưa sẽ nối gần hơn một khoảng cách khác, liên kết những miền đất có tiềm năng du lịch nằm cạnh nhau, thay vì cứ “đóng cửa làm du lịch”: Festival Huế vừa khai mạc thì một lễ hội du lịch biển được tổ chức ở Hội An nhưng gần như cả hai chẳng có liên hệ gì với nhau !
. Theo Tuổi Trẻ |