Cụ Huỳnh Thúc Kháng lấy hiệu Mính Viên. Mính Viên tức "vườn chè", nghĩa rộng hơn là người sinh ra tại xứ "vườn chè". Nơi ấy, một vùng đồi núi bát úp dựa lưng vào dãy Trường Sơn. Có thời gian "Đấng trượng phu tuỳ ngộ nhi an" đã lui gót về quê nuôi chí. Căn nhà xưa nay đã trở thành di tích tại thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Từ căn nhà cũ của cụ Huỳnh, men theo con đường chạy quanh các triền đồi vào làng Lộc Yên, bạn sẽ bắt gặp căn nhà cổ độc đáo nhất trong số 300 căn nhà cổ còn lại của Quảng Nam.
Rêu xưa mờ dấu
|
Cụ Nguyễn Huỳnh Anh, 92 tuổi, chủ nhân đời thứ tư của ngôi nhà. |
Chủ nhân căn nhà đó là một người cháu họ ngoại, đã từng có dịp gần gũi với cụ Huỳnh trong thời kỳ làm báo Tiếng Dân: cụ Nguyễn Huỳnh Anh. Lối vào nhà, băng qua cánh đồng Vũng Trâu Lội vừa xong vụ gặt tháng ba, rạ rơm thơm nức. Lũ mục đồng giương đôi mắt hiền lành, ngơ ngác nhìn khách đường xa. "Nhà ông Tưu hả chú? Bên Gò Tròn tề!".
Bảy mươi ba bậc đá xanh đi lên đã phủ mờ dấu chân, bờ thành đá ngang tầm đầu người bên tay phải cũng đầy rêu. Rêu mọc trên những tảng đá mồ côi trong vườn, trên thân cây dừa, cây cau, cây quế, cây dầu trảu và những cây chân đàn, cây bạc lá - dấu tích còn lại của một vùng rừng nhiệt đới hoang vu ẩm ướt. Mấy con chim bã trầu to chỉ bằng ngón tay cái, cổ đỏ, cánh nâu, mê mẩn đu mình cắm chiếc mỏ dài vào những bông hoa ngải rực rỡ đầy mật ngọt. Một con chim sà sả mình xanh biếc, đậu trên ngọn thầu đâu úa vàng, lâu lâu gáy lên một tràng xa ngái, báo hiệu một cơn mưa chiều sắp ập đến.
Xa hơn nữa, trên ngọn cây trâm, lũ cu gáy thanh bình, đều đặn. Trong không gian toàn màu xanh đậm của khu vườn và rêu xanh, thảng hoặc xuất hiện một quả thơm non màu đỏ chót đang lớn dần lên trong hình hài một con chim phụng. Trên lối đi, lá vàng đã rụng đầy báo hiệu mùa lộc mới đã qua.
Ba đời thừa kế
|
Bên trong ngôi nhà cổ còn bảo tồn nguyên vẹn sau bốn đời chủ nhân. |
Lúc bạn vừa đủ "thở bằng tai" khi trèo lên lối đi nhuốm màu cổ tích, căn nhà cổ chợt hiện ra ở lưng chừng đồi, giữa thâm u rừng già nhìn xuống cánh đồng trong thung lũng. Năm nay bước sang tuổi 92, chủ nhân của nó, cụ Nguyễn Huỳnh Anh vẫn còn khoẻ mạnh tựa cửa nhìn buổi chiều sắp xuống. "Tui sinh năm 1915" - ông nhớ rất rõ, chất giọng hơi “cứng” theo kiểu đặc trưng của vùng này. "Khi tui ra đời thì đã có căn nhà rồi. Cụ cố tui là Bá hộ Nguyễn Đình Hoằng dựng nên để lại cho ông nội tui. Ông nội để lại cho ông thân. Ông thân mất để lại cho tui. Lúc đó tui 23 tuổi, đã lập gia đình".
Căn lúc mới dựng nên, nhà lợp tranh. Năm 1941 chủ nhân cho lợp lại bằng ngói âm dương. Ba đời kế thừa, và chuẩn bị bước sang đời thứ tư căn nhà vẫn còn nguyên vẹn nét xưa khi đã hơn 150 "tuổi". Dấu tích của một thời hào phú còn ghi lại trên bộ phản gỗ lim, tủ thờ, cặp trường kỷ, bức hoành phi, nồi một, nồi hai (bằng đồng), những cặp ngựa gỗ bỏ lăn lóc trong buồng..
Tài hoa người thợ
|
Giếng cổ bí ẩn sau nhà. |
Căn nhà cổ được làm theo lối nhà rường Quảng Nam, 3 gian 2 chái, 8 cây cột nhứt gỗ mít lưng 2 thước ta, 16 cây cột nhì lưng 2 thước, 12 cây cột chái và hiên lưng 1 thước 8, vì kèo, xuyên, trính, đầu hồi... chạm trổ công phu... dựng trên một thế đắc địa về phong thuỷ. Trước nhà, dãy Hòn Ngang làm bình phong, sau lưng Gò Tròn làm hậu chẩm, gần hơn nữa, Vũng Trâu Lội là chổ thuỷ tụ từ hai con suối nhỏ không tên. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh, tên tộc là Tưu, nhớ lại: "Ông thân tui kể, căn nhà này làm mất 3 năm. Thời gian làm một chiếc xuyên tròn một tháng. Tất cả đều do thợ mộc Vân Hà làm".
Đấy là một làng mộc nổi tiếng ở Tam Kỳ với phong cách khác hẳn mộc Kim Bồng (Hội An), đến nay đã thất truyền. Bàn tay của những nghệ nhân tài hoa còn lưu lại trên cuốn thư, hoa cúc, hoa mai, nai, sóc ... trang trí trên từng ô hộc tinh xảo trước đố thờ. Đôi câu liễn bị mối mọt thời gian gặm nhấm dần nhưng tâm niệm và khí tiết của chủ nhân đầu tiên, xuất thân nhà nho trong họ của cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn còn đó: "Bách tải triệu bằng bồi phước trạch. Nhất sinh trì thủ trọng can trường".
Ngô Đình Diệm hai lần muốn mua
Năm 1939, Ngô Đình Diệm lúc đó là thượng thư, vào Quảng Nam chơi với anh mình là tổng đốc Ngô Đình Khôi, nghe tiếng ngôi nhà tìm đến thương lượng. Cụ Nguyễn Huỳnh Anh kể lại: "Hôm đó buổi trưa. Tri huyện Tiên Phước Phạm Xuân Chánh dẫn đầu đoàn người ngựa đi trước. Thượng thư Ngô Đình Diệm đi sau. Tui người thôn dã, đâu biết ai vô ai. Ông Chánh mới nói: Cụ thượng muốn mua lại căn nhà! Tui từ chối dứt khoát rồi chỉ cho mọi người câu đối treo trên cột!". Kể xong cụ đọc luôn: "Tổ đức càn khôn đại. Tôn công nhật nguyệt đường".
|
Mặt trước ngôi nhà bàng bạc cái khí vị “Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo...” |
Căn nhà ông cố để lại coi như được dựng nên từ phước đức ông bà. Không thể bán!". Buổi trưa đó, Ngô Đình Diệm nghỉ trên bộ phản nay vẫn còn giữ, đem thức ăn tự mang theo ra ăn rồi đi về. Năm 1960, khi đã làm Tổng thống, Ngô Đình Diệm lại một lần nữa nhờ người mai mối tìm mua lại căn nhà này nhưng cũng bị từ chối thẳng thừng. Chính quyền địa phương gọi lên và o ép nhưng ông nói "Thà chết còn hơn bán hương hoả ông bà". Khi anh em Diệm - Nhu bị lật đổ, chủ nhân căn nhà mới được yên thân và trải qua chiến tranh, nó vẫn còn nguyên vẹn dưới đạn bom cho dù vùng đất này rất ác liệt.
Một lối mòn thú vị
Có lẽ, điều thú vị nhất của ngôi nhà cổ độc đáo nhất Quảng Nam này nằm trong những lối mòn "bí mật" được chủ nhân tạo ra trong vườn. Sau lưng căn nhà ngang bên tay trái, anh Nguyễn Đình Hoan, con trai út cụ Nguyễn Huỳnh Anh cải tạo lại làm nơi ở cách biệt có một lối mòn đi xuống. Con đường thoai thoải được lát bằng đá xanh thiên nhiên dài chừng 300 mét, quanh co giữa những cội mít, cội nhãn già thân mọc đầy rêu sẽ đưa bạn đến một cái giếng cũ kín bưng khoét vào sườn núi.
Ở trên độ cao 50 mét giữa sườn đồi nhưng giếng chỉ đào sâu chừng 1 mét, nước trong nhìn thấu đáy! Thật lạ lùng! Diễm Thuý - cháu nội của cụ Nguyễn Huỳnh Anh kể: "Nghe nội nói, đi tìm mạch nước của cái giếng này tốn công vô cùng. Nó được đào trước khi căn nhà của nội được dựng lên"! Cái giếng cổ nằm ở một vị trí cực kỳ kín đáo, thể hiện sự tế nhị của người xưa.
Vốc một ngụm nước mát trong lành, soi bóng mình xuống đáy, chợt thấy ưu phiền cuộc đời tan ra khi một chiếc lá rừng lìa cành tình cờ rụng xuống mặt nước. Suốt cả ngày, chim chóc trong khu vườn tĩnh lặng thâm u đó không bao giờ thôi ngừng hót!
. Theo SGTT |