Nói đến văn hóa truyền thống ở DakLak, trước hết phải nói đến nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của cư dân bản địa, từ bao đời nay đã tạo dựng nên một nền văn hóa vô cùng phong phú và đa dạng, với những di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể độc đáo và đồ sộ. Nói đến các di sản văn hóa dân tộc, không quên các di sản văn hoá vật thể nổi tiếng như đàn đá, nhạc cụ, cồng chiêng, kiến trúc nhà dài, kiến trúc nhà mồ, công cụ lao động dệt cẩm thổ. tạc tượng...cùng các di sản văn hoá phi vật thể như luật tục, các lễ hội, các tập tục và các sinh họat văn hóa, sinh họat cộng đồng. Đồ sộ và phong phú hơn cả là kho tàng văn học dân gian với những bản sử thi (Dân tộc Eđê gọi là Khan, dân tộc M’nông gọi là át Nrông), thần thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, lời nói vần...đậm đà bản sắc dân tộc lưu truyền qua bao thế hệ. Ngoài ra dân tộc Ê đê còn có cả chữ viết mà sau này được phiên âm sử dụng phổ biến từ thời Pháp, Mỹ cho đến nay.
Điểm nổi bật của Văn hoá bản địa DakLak là: Văn hoá lễ hội nhà dài, văn hoá cồng chiêng, văn hoá mẫu hệ, văn hoá ẩm thực, văn hoá sử thi, văn hoá luật tục, văn hoá cộng đồng ...độc đáo, phong phú giàu bản sắc dân tộc.
Trước đây cũng như hiện nay, quan hệ xã hội cơ bản của đồng bào các dân tộc vẫn còn mang đậm tính huyết thống và tính cộng đồng bền chặt. Nói chung, đồng bào các dân tộc Ê đê cũng như M’nông, Gia Rai đều có một đặc điểm lớn, đó là sự tồn tại bền vững của những mối quan hệ xã hội cổ truyền tốt đẹp được hình thành qua các thời kỳ lịch sử lâu dài. Tinh thần cộng đồng, dân chủ, bình đẳng, tương thân tương ái... Bên cạnh đó, tinh thần thượng võ, nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu chuộng hòa bình, cần cù sáng tạo cũng là những đặc trưng nổi bật của đồng bào các dân tộc. Nổi bật hơn cả là ý chí đấu tranh bất khuất chống chọi với thiên nhiên và truyền thống đấu tranh bảo vệ buôn làng, bảo vệ quê hương đất nước. Truyền thống đó đã được phát huy cao độ trong những năm nhân dân DakLak đứng lên theo Đảng làm cách mạng, chiến đấu chống thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ xâm lược.
Điểm tô thêm nền văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa, DakLak còn có sự du nhập nền văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc và nền văn hóa của người Kinh với đủ sắc thái của ba miền Trung - Nam - Bắc. Tất cả đều được gìn giữ và phát triển, hòa quyện trong quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngoài ra, nói đến văn hóa ở DakLak cũng không thể không nói đến các danh thắng, các di tích lịch sử văn hóa mang dấu ấn của lịch sử. Trên địa bàn DakLak đã tìm thấy một số di chỉ khảo cổ học mang dấu tích của người tiền sử. Đó là các di chỉ ở Drai Si (huyện Cư Mgar), xã Ea Tiêu, Quảng Điền (huyện Krông Ana), hồ Lak (huyện Lak), xã Ea Păn, xã Xuân Phú (huyện Ea Kar).
Qua các di chỉ trên, đã tìm thấy những công cụ, khí cụ, đồ trang sức bằng đá; đồ gốm và bàn dập, bàn mài hoa văn trên gốm. Nguyên liệu chế tác đều lấy từ đá bazan và đá biến chất, vốn là đặc trưng của Tây Nguyên. Kiểu dáng và kỹ thuật chế tác có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Biển Hồ (Gia Lai) và văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi). Thời đại đồ đồng cũng đã phát hiện được 7 chiếc trống đồng ở huyện Ea Súp, Ea HLeo, Krông Pac Ea Kar và TP Buôn Ma Thuột.
Đặc biệt trên mảnh đất này còn có những dấu tích của người Chăm để lại, đó là tháp Yang Prong (Thần vĩ đại) ở xã Chư MLanh (huyện Ea Súp), những Rasungbatau (thùng lớn đựng nước) ở Buôn Ma Thuôt, khu mộ cổ thuộc địa phận xã Ea Ktur và xã Cư Ewy (huyện Krông Ana), giếng Chăm ở xã Yang Mao, khu phế tích ở xã Hòa Thành (huyện Krông Bông). Trong đó, tháp Yang Prong được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII dưới thời vua Sinhavarman III (Chế Mân), thờ thần Sinva. Đây là tháp Chăm cổ duy nhất còn lại ở Tây Nguyên.
Thời kỳ hiện đại, chúng ta có hàng chục di tích nổi tiếng như: nhà tù Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao - nơi biểu hiện cho sự hiện diện của nền văn minh lúa nước của cộng đồng người Việt ở DakLak, Đồn điền CADA, Biệt điện Bảo Đại - dấu ấn của triều đại phong kến cuối cùng của Việt Nam, hang đá Dak Tuôr và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác.
. Theo website tỉnh DakLak |