Lâu nay, nói đến màu của Huế, người ta thường nhắc đến màu tím Huế. Ngồi nhìn ra sông Hương, chợt thấy Huế có thêm một màu khác, bao dung và gần gũi vô cùng: màu xanh Huế.
Đầu tiên là màu của đỉnh núi, bóng rừng. Huế có những đỉnh núi đẹp, nên thơ như Thiên Thai, Kim Ngọc, Truồi … song Huế cũng có ba điểm xanh đột khởi đặc biệt riêng có ở Huế là Bạch Mã, Ngự Bình và Thiên An. Việt Nam có bốn điểm du lịch ôn đới nổi tiếng là Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt và Bạch Mã song chỉ có Bạch Mã mới mang trong lòng đa dạng sinh học để trở thành lâm viên quốc gia. Thế mới thấy màu xanh đa hệ của Bạch Mã là quý hiếm thế nào! Tương tự, rừng thông hai lá của khí hậu ôn đới trong nước có nhiều (Sa Pa, Tam Đảo, Đà Lạt đều có)., song rừng thông ba lá của khí hậu nhiệt đới e chỉ riêng ở Huế. Thiên An và Ngự Bình. Nói đúng ra thì cũng nhiều nơi trồng thông ba lá, song để đẹp như Thiên An, Ngự Bình thì chưa thấy nói. “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”- câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng luôn đúng với vùng đất Cố đô này.
Bức tranh sơn thủy của Huế rất đỗi hài hòa nên đã nhắc đến đồi núi là phải nói về sông biển. Sông Hương cho đến nay vẫn là con sông xanh chảy trong lòng đô thị đẹp nhất nhì thế giới. “Sông Hương như kiếm dựng trời xanh”- Chu thần Cao Bá Quát năm xưa đã viết về sông Hương như vậy. Sông Hương xanh và trong màu xanh ấy còn có mùi thơm của cỏ Thạch xương bồ nên chi rất lạ. Trong thời gian gần đây, các nhà khoa học đã công nhận rằng hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai của Huế là đặc biệt về đa dạng sinh học và là hệ đầm phá ven biển trên thế giới, xứng đáng được ghi tên vào Công ước quốc tế Ram Sar. Với diện tích chiếm khoảng một nửa diện tích đầm phá ven biển của cả nước, Tam Giang- Cầu Hai đủ sức hứng trọn trong mình bóng núi đại ngàn Trường Sơn để có một màu xanh rộng mở kỳ vỹ. Có dịp ngắm hệ đầm phá này từ Vọng Hải Đài trên đỉnh Bạch Mã, mới thấy kiến tạo xanh của Thừa Thiên Huế không hề đơn giản chút nào. Đó là cả một kho báu mang màu xanh của tiềm lực và đầy hy vọng. Trong năm 2001, Huế đã tiến hành công trình chỉnh trị sông Hương lớn nhất từ trước đến nay: Hồ chứa nước Tả Trạch. Với chiều dài 17 km, có lưu vực khoảng 717 km2, hồ chứa nước Tả Trạch bên cạnh công dụng điều tiết nước, sẽ là điểm du lịch kỳ thú trong không gian xanh trải rộng của Huế.
Màu của khung trời Huế cũng có nét sắc thái riêng. Từ lâu, dân gian lưu vực sông Hương đúc kết được trong một ngày của Huế là sáng xanh, trưa tím, chiều vàng. Nếu nhìn kỹ, thì cả trưa tím và chiều vàng ấy cũng pha sắc xanh của bóng núi và sông nước. Sông núi và cỏ cây phản quang dưới ánh nắng đã tạo cho nền trời Huế một không gian vừa cao rộng, khoáng đạt vừa rất trữ tình, nên thơ và đặc biệt trở nên dễ gần trong mắt ai. Sự gần gũi của nền trời này có lẽ do nó không bị xé toang bởi những đột khởi của núi non, cây cỏ, kiến trúc… mà tất cả như hòa quyện một cách hài hòa trong tầm mắt.
Có thể nói nền trời xứ Huế hội đủ ba yếu tố: Thiên- Địa- Nhân. Đứng bất kỳ đâu trong thành phố này, cũng có thể thấy bầu trời, núi non, cây cỏ xanh thẳm trong một ngày nắng đẹp. Yếu tố Nhân ở đây, bên cạnh kiến trúc nhà vườn không choán tầm mắt, là những cánh diều. Cũng chưa rõ chính xác từ năm nào, nền trời xanh của Huế có thêm một nét duyên độc đáo hiếm gặp ở nơi khác là những cánh diều. Tại Festival Huế 2000, Lễ hội diều Huế đã thêm một lần chinh phục du khách đến Huế.
Màu xanh của ruộng vườn xứ Huế cũng có vẻ không giống mọi nơi. Yếu tố vườn trong đô thị đến nay vẫn là nét nổi bật riêng của Huế: thành phố vườn. Huế từng nổi tiếng bởi một “Đây thôn Vỹ Dạ” với “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, nay lại càng nổi tiếng khi những khu vườn ở Kim Long, Nguyệt Biều… bắt đầu thuyết phục du khách không phải bằng “thơ”, mà bằng chính sản vật thanh trà rất “văn hóa vật thể Huế”.
Vườn Huế càng trở nên nổi tiếng khi nó cùng tham gia vào Festival Huế 2000 với tour du lịch đem lại cảm giác cân bằng một cách dân dã, lạ lùng, thú vị: Tour du lịch vườn rau. Từ bao lâu nay, những người làm vườn xứ Huế không hề hình dung có ngày cây rau ngò, hành lá, hồ rau muống… mình trồng lại có thể làm du lịch. Vậy mà điều đó đã từng xảy ra và sẽ tiếp tục diễn ra.
Cuối cùng là màu xanh của rêu phong cổ kính mà chúng ta có thể bắt gặp bất kỳ nơi đâu ở Huế. “Mưa vẫn mưa bay trên từng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao”- lời ca của Trịnh Công Sơn không hề cũ dù Huế đã trùng tu di sản gần một thập kỷ. Gần 4.000 công trình kiến trúc cổ xưa còn lại là cả một kho tàng xanh cổ tích rêu phong mà Huế đang tận tâm, tận lực gìn giữ và phát huy. Con số ấy nhắc nhở rằng từng ngày, có cả tỷ mắt rêu xanh đang chờ đến ngay nó được chủ nhân đánh thức dậy, để cùng với Huế tiến vào thế kỷ mới trên đôi chân tiềm tàng sức mạnh.
Nếu chọn màu biểu tưng cho Huế, không nhất thiết cứ là màu tím mà màu xanh cũng là màu của Huế. Có thêm một màu biểu trưng, Huế có thêm một lựa chọn trên con đường xây dựng và phát triển, như vậy cơ hội sẽ nhiều hơn. Nói chuyện màu xanh của bóng núi, dòng sông, mảnh vườn cả khung trời và cả rêu phong Huế, là để nhìn lại tiềm lực rộng lớn Huế đang mang trong mình, rồi tự tin hơn khi bước vào thế kỷ 21- thế kỷ xanh của nhân loại.
. Theo báo Tài nguyên và Môi trường |