Khó mà biết được rằng một đời người đã và sẽ đi qua bao nhiêu bến đò. Cứ hết dòng sông này ta lại gặp một dòng sông khác. Như chính cuộc đời của con người, mỗi bến sông tự cầm giữ trong nó một hình hài với những hoài niệm riêng tư. Bến đò Thừa Phủ là một hoài niệm đẹp trong ký ức của những người Huế nói riêng và những ai yêu Huế nói chung.
|
Tái hiện bến đò Thừa Phủ tại Festival Huế 2006.
|
Ở Huế, không ai là không biết bến đò Phu Vân Lâu, với câu thơ bất tử của Ưng Bình Thúc Dạ Thị "Chiều chiều trước bến Vân Lâu...". Nhưng cũng có một bến đò khác, đối diện về phía bên kia sông, dù ít đi vào thơ ca, nhưng lại trĩu nặng trong lòng người, nhất là những ai đã từng trải qua một quảng đời áo trắng: bến đò Thừa Phủ. Bến nằm ở bờ Nam sông Hương, bên cây đa cổ thụ trước mặt Phủ Doãn Phủ Thừa Thiên (bây giờ là UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế), bến bờ Bắc nằm gần Nghinh Lương Đình. Lúc đầu (1899), Bến đò Thừa Phủ phục vụ cho nhu cầu đi lại của viên chức, lính tráng và nhân dân từ bờ bắc sang bờ Nam làm việc và quan hệ, giao tiếp. Về sau, bến đò càng phát triển khi trường Quốc Học, Nhà Thương Huế, rồi trường Đồng Khánh được xây dựng. Mãi đến khi cầu Phú Xuân, hay còn gọi là cầu Mới, được xây dựng năm 1973 thì bến đò này mới đi vào dĩ vãng.
Gần 70 năm có mặt (1899-1972), không tính hết bao nhiêu chuyến đò đã cập bến rồi đi mỗi ngày trên dòng Hương thơ mộng. Nay, dù không còn, nhưng hoài niệm về bến cũ, đò xưa vẫn lưu giữ trong ký ức những người yêu Huế, nhất là những người Huế lớn tuổi. Và vì vậy, tái hiện lại Bến đò Thừa Phủ trong khuôn khổ Festival là một cố gắng của Ban tổ chức, đáp ứng niềm mong mỏi của những ai đã, đang và sẽ đi qua khúc sông này.
|
Tấp nập kẻ xuống người lên.
|
Thật ra, Bến đò Thừa phủ đã được tái hiện lần đầu tiên tại Festival Huế 2004. Sau đó, tại Festival làng nghề truyền thống Huế 2005, Bến đò Thừa Phủ cũng được tái hiện vào các buổi chiều từ 15 đến 17-7. Ở Festival 2006 mới đây, Bến đò Thừa phủ một lần nữa "sống lại" nhưng "đầy đủ hơn, bài bản hơn". Ông Nguyễn Văn Giấu - Giám đốc Trung tâm TDTT thành phố Huế cho biết: "Có 3 điểm mới ở Bến đò Thừa phủ lần này. Trước hết là số lượng học sinh tham gia đông hơn để có thể mỗi ngày thực hiện khoảng 20 chuyến đò qua về. Thứ hai là ý thức tham gia của các em, của quần chúng nghiêm túc hơn, "diễn viên" vào vai rất nhuần nhuyễn, rất tự nhiên. Và điểm cuối cùng, đó là tái hiện bến đò một cách đầy đủ với những gánh hàng rong trên bến, phục vụ nhu cầu "ẩm thực" của thực khách trong lúc chờ đò..."
Về Thừa Phủ một chiều nắng nhẹ, gió chiều sông Hương không mạnh, chỉ đủ mát làm dịu đi những ưu phiền cuộc sống. Thong thả chờ đò, chúng tôi tận mắt nhìn thấy cảnh nhộn nhịp trên bến, những con đò ngược xuôi trên dòng Hương mềm mại như dải lụa xanh dịu dàng vắt qua kinh thành. Một công chức cắp cặp lên đò sau giờ tan sở, một thiếu nữ xuống bến với mớ rau xanh, những cô cậu học trò đùa vui tếu táo ngoài khung cửa, lớp học... Bất chợt ký ức chói lòa trong cái dòng chảy mênh mang sông nước ấy, ngỡ mình đang đi trên con đường áo trắng học trò để xuống bến cất tiếng gọi "đò ơi!"...
. Theo Netcodo |