Chỉ bằng những dụng cụ thô sơ, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi Phú Yên đã tạo nên những tượng người, tượng thú độc đáo. Không chỉ là vật trang trí cho ngôi nhà mồ, tượng gỗ còn là tác phẩm nghệ thuật, sống động bởi cái hồn, bởi tình cảm mà đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân dân gian đã truyền vào từng thớ gỗ... Song dường như nét đẹp văn hoá này đang mai một theo tháng năm.
NHỮNG NGHỆ NHÂN CỦA NÚI RỪNG
Theo lời một cán bộ của Phòng Văn hoá - Thông tin huyện Sơn Hoà, K’rông Pa là xã hiện còn giữ được “bản sắc” nhà mồ đậm nét. Nơi đây có một người đẽo tượng khá nổi tiếng. Cứ đến buôn Lé B, hỏi nhà Ma Thoan. Đường xa, nắng gắt, song cuộc tìm kiếm không mấy khó khăn, bởi không ai là không biết Ma Thoan, người từng giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư xã, giờ là Chủ tịch HĐND.
Ma Thoan đi trồng mía trên rẫy, đến trưa mới về. Đó là một người đàn ông nhỏ con, tóc xoăn, da sậm màu nắng gió, mặc chiếc áo cũ rách vai. Ông dựng cây rựa vô góc nhà sàn, nở nụ cười thân thiện với những người khách lạ hoắc. Và rồi, câu chuyện của người đẽo tượng râm ran bên bếp lửa.
Ma Thoan kể: “Nhà mồ của người Êđê gồm có 8 cái cột, trên đầu mỗi cây cột là tượng hình người, con chim, con quạ, con khỉ, con voi… Tất thảy đều gắn bó với núi rừng, nhưng phổ biến nhất là tượng người giã gạo, đánh trống đôi và tượng con khỉ”. Đẽo ngần ấy tượng cho 8 cái cột mất chí ít cũng 40 ngày. Cái cột to nhất gọi là k’lao rda, khác với k’lao but (k’lao nhỏ). K’lao rda không chỉ là một công trình nghệ thuật mà còn thể hiện tâm linh của đồng bào, gồm có 3 tầng: tầng trời, tầng đất và tầng dưới đất. Tầng dưới đất là thế giới của người chết và các vị thần, nơi hồn về trú ngụ sau lễ bỏ mả. Tầng đất là nơi con người sinh sống, nên nghệ nhân chạm khắc nhiều cảnh sinh hoạt, lao động. Tầng trời là nơi trú ngụ của các vị thần tối cao. Mặt trăng nằm ở trên cùng.
Đẽo k’lao không hề đơn giản, tượng nhà mồ cũng vậy. Để những khúc cây hoá thân thành người phụ nữ địu con, giã gạo; thành con chim, con khỉ, con voi... cần phải có đôi tay khéo léo. Bằng không thì lưỡi rìu, lưỡi đục sắc lẻm sẽ bập vào tay, vào chân. Ma Thoan một mình cặm cụi, sớm nhất cũng hơn một tháng mới xong. Bằng không thì phác hoạ rồi kêu người khác đẽo. Họ làm không vừa ý thì ông sửa lại. Trước kia, hễ muốn đẽo tượng thì vô rừng chặt những cây gỗ tốt và có lõi cứng như hương, dâu, tò te, đá giỏ, giờ thì chỉ có cây dừng, cốc hương… Chúng cũng cứng đấy, nhưng không tốt bằng. Ma Thoan cho biết: “Mục đích của tượng là xua đuổi ma quỷ. Chính vì vậy, người ta chuộng tượng người, tượng con khỉ. Người ta tin rằng những hình ảnh này làm cho ma quỷ nó sợ.”
Ma Thoan gốc ở K’rông Pa. Ông cố ông là Oi Lé, người đã đứng ra lập làng. Cha ông mất khi ông chưa ra đời. Lên 10 tuổi thì mẹ khuất núi. Đó là ông nghe mấy người chị kể lại. Hồi nhỏ, Ma Thoan toàn đi lên núi chăn bò cho người ta. Thấy mấy ông già trong làng đẽo tượng, ông lân la tới coi thử làm cách nào mà họ biến cái cây thành hình người, hình thú. Càng coi càng thích, ông đi theo, múc nước cho họ để học lóm. Học cho biết, nhưng chưa dám bắt tay làm. Tới năm 1976, ông mới đẽo cái tượng đầu tiên. Già làng coi xong, nói gọn: “Trúng rồi!”. Từ đó đến nay, ông thành người đẽo tượng cho buôn làng.
Buôn Kiến Thiết xã Ea Chà Rang cũng có một người đẽo tượng nhà mồ tên là Ma Nhau. Người đàn ông Chăm 66 tuổi này gốc ở Phước Tân, về đây lập nghiệp từ lâu lắm. Học nghề từ ông nội, đến năm 1957 - 1958, đôi tay của Ma Nhau trở nên thành thục khi thổi hồn vào từng thớ gỗ. Ông tâm sự: “Tui thích đẽo tượng người, vì nó tượng trưng cho con người buồn bã khi người thân mất”. Nhưng loại tượng này khó lắm, phải khéo tay mới được. Ma Nhau tiết lộ bí quyết làm tượng thêm phần sinh động: Giã sắn mì khô rây bột, pha với vôi, vỏ cây dừng giã nát rồi tô lên. Để có màu đen tô lên tóc, chân mày thì lấy bột than trộn vào…
Tâm huyết với công việc đẽo tượng song Ma Nhau đã không cầm cái chàng, cái đục độ ba năm nay, bởi mọi thứ đã thay đổi. Ông cũng không truyền nghề cho lớp trẻ, bởi “tụi nó không quan tâm mấy tới việc đẽo tượng”.
VỀ ĐÂU HỒN TƯỢNG?
Theo tập tục của người Êđê, một khi có người qua đời, gia đình làm ngôi mộ tạm. Ba tháng sau, họ dựng lên cây k’lao to vào đầu tháng, gọi là Mthi, sau đó dựng nhà mồ. Mùa màng thu hoạch xong, họ chọn ngày dân làng rảnh rỗi để làm lễ bỏ mả. Tập tục ấy đến nay vẫn được giữ gìn, song ở nhiều nơi, những ngôi nhà mồ bằng cây gỗ lợp tranh đã được thay thế bằng… nhà mồ xi măng, lợp ngói. Tốn tiền hơn nhưng tiện, lại chắc chắn hơn. Ma Nhau kể: “Mấy năm nay, nhiều bà con ở đây xây nhà mồ bằng xi măng, cũng không có trụ cây.” Coi như tượng nhà mồ không còn chỗ đứng. Tôi hỏi ông có thấy buồn không khi nếp xưa đã mai một, Ma Nhau trả lời: “Thôi, buồn làm gì!”. Cái miệng thì nói vậy mà đôi mắt, chao ơi xa vắng!
Ở buôn làng của Ma Thoan, đồng bào bắt đầu xây mộ xi măng từ hơn chục năm trước song đa số chỉ xây phần dưới, tượng thì vẫn phải đẽo, phải làm. Chỉ có điều tìm cây thật khó, dù chỉ là những cây gỗ “thường thường bậc trung”. Bên cạnh đó, Ma Thoan còn một nỗi lo khác. Gần đây, nhiều tượng nhà mồ “không cánh mà bay”. Ông kể, giọng đượm buồn: “Ban đêm, người ta lén tới nhà mồ cưa tượng, thường là tượng hình người, nghe đâu bán được 50 - 70.000 cho những nhà sưu tầm…” Có thể người ta đoán rằng đến một ngày, tượng nhà mồ sẽ trở thành vật quý hiếm chăng? Từ chuyện trộm cắp khá lạ đời này, tôi đặt một câu hỏi hết sức ngớ ngẩn với Ma Nhau: Sao không đẽo tượng để… bán? Ma Nhau tròn mắt, xua tay: “Không được đâu! Làm vậy khác nào đem bán điều thiêng liêng của đồng bào?”
Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Ka Sô Liễng, một người con của rừng núi Sơn Hoà trầm ngâm khi nói về sự mai một của tượng nhà mồ. “Bây giờ tìm sắt thép xi măng thì dễ, chớ cây gỗ kiếm đâu ra? Bởi vậy thay vì dựng nhà mồ theo kiểu truyền thống thì người ta xây, lợp ngói. Có những nhà mồ không có cột, tượng, nhưng rất ít. Dù giao thoa văn hoá nhưng đồng bào vẫn muốn giữ những tập tục đẹp của mình.”
Đáng quý là ở chỗ đó. Nhưng rừng liệu có còn cây cho đồng bào đẽo tượng? Và vài chục năm nữa, khi những nghệ nhân dân gian lớn tuổi “theo ông theo bà”, lớp trẻ tìm đâu ra tượng nhà mồ, nếu bây giờ họ vẫn cứ thờ ơ?
. Theo Báo Phú Yên |