Không gian tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi
11:8', 30/6/ 2006 (GMT+7)

Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, nhà rông là một trong những biểu tượng văn hóa truyền thống đặc trưng và đặc sắc. Nhà rông là ngôi nhà sàn công cộng của từng làng, tùy theo từng dân tộc, nhà rông có tên gọi cụ thể khác nhau. Người Cơtu gọi nhà rông là gươl; người Co gọi là hycơh; người Xơđăng và Cadong gọi là ưng; người M’nông gọi là ơng hay thung, cũng có nơi gọi là azăng; còn người S’tiêng thì gọi là oơng, hay nhia-treng. Còn đối với người Kinh đã từ lâu quen gọi những ngôi nhà này là nhà rông.

Nhà rông là ngôi nhà công cộng của bản làng, nên có chức năng như đình làng của người Kinh. Đây là công trình kiến trúc và nghệ thuật tập thể của cả cộng đồng dân làng. Nó là bộ mặt của làng, là niềm tự hào của tất cả dân làng. Nhà rông không chỉ là nơi đồng bào dân tộc thiểu số trong làng tụ tập để tiến hành một số lễ thức tín ngưỡng, hoặc chỉ để hội họp vui chơi, ăn uống, mà theo truyền thống văn hóa lâu đời, nhà rông còn là một không gian tinh thần, là một cứ điểm vật chất có sức mạnh tình cảm to lớn, gắn kết mọi quan hệ của cư dân trong làng. Nói cách khác, nhà rông là một trung tâm giao cảm, cộng cảm.

Nhà rông còn là nơi để hội đồng già làng và mọi thành viên cùng nhau giải quyết những công việc liên quan đến mọi cư dân trong buôn làng. Ở đây, mọi việc được bàn bạc và tranh thủ sự đồng tình của mọi người. Nhà rông cũng là nơi thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các cá nhân với tập thể. Nếu có ai sai phạm điều gì, thì nhà rông là nơi giúp họ trở lại lương thiện, thú nhận tội lỗi và được cộng đồng tha thứ, thương yêu, đùm bọc. Suốt cả cuộc đời, từ lúc sinh ra cho tới lúc từ giã cõi đời, đồng bào dân tộc thiểu số đã được đến nhà rông biết bao lần; đó là chưa kể những người con trai chưa vợ đã sống trên nhà rông như là nhà của chính mình trong một thời gian dài. Mối cộng cảm giữa họ và làng ngày càng thêm thắt chặt, bền vững.

Nhà rông của người Cơutu (gươl) được dựng tại trung tâm của làng. Mỗi làng của người Cơtu, trước đây đều có một gươl to, cao, đẹp. Nếu không làm to, cao thì không gọi là gươl, mà chỉ gọi là moong. Nếu chỉ có moong, chứng tỏ làng nghèo. Nhà rông (gươl) chính là “hồn làng” của người Cơtu. Đây là nơi đón khách của làng. Khách được người làng đón tiếp một cách chân tình, cởi mở; được mời uống nước, mời hút thuốc, và một lúc sau các gia đình bưng cơm cùng thức ăn lên gươl mời ăn. Khi vào trong gươl, khách cũng phải chú ý, đừng ngồi quay lưng về phía trang trí trên mái có nhiều xương đầu của các loại thú rừng, bởi gươl của người Cơtu là nơi thiêng liêng của cả làng. Gươl lớn, có mái hình tròn, tựa như một chiếc nón lá úp, được  gọi là choong gươl, khác với kiểu gươl thường có hai mái lớn và hai chái nhỏ ở hai đầu, tạo nên ngôi nhà có mái hình trái xoài.

Nhà rông của người Xơđăng có hai loại. Loại thứ nhất, có  hai sân sàn ở hai đầu hồi. Như vậy, có thể vào nhà bằng hai cửa lớn ở hai đầu hồi. Loại thứ hai, chỉ có một sân sàn ở gian chính giữa. Trên vách và dưới mái nhà có những bộ xương đầu trâu hay xương hàm các con thú mà người Xơđăng đã săn bắt được.

Nhà rông của người Ve là một ngôi nhà sàn, mái hình mai rùa, hai đầu đốc có hai cái sừng(là sừng trâu, hoặc nếu cần thì họ sẽ làm to hơn, để tương xứng với quy mô của ngôi nhà, hay cái sừng này bằng gỗ, nhưng vẫn giữ nguyên hình dáng của cái sừng trâu). Bên trong nhà rông, thường thấy chạy dọc giữa nhà, chia mặt sàn thành hai phần đều nhau, là một thanh gỗ dài. Nửa sàn phía sau dành cho sinh hoạt của con gái, có một khung bếp. Nửa nhà phía thanh gỗ thì dành cho sinh hoạt của con trai, cũng có một khung bếp. Nhà rông của người Ve và T’riêng ít trang trí, thường chỉ có hình khắc đầu heo rừng trên hai khung cửa, và hai sừng trâu trên chỏm đấu đốc.

Nếu làng là một không gian văn hóa thì nhà rông là một không gian tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Nơi đây, các cư dân trong bản làng đã gửi gắm biết bao tình cảm thân yêu. Nơi đây quyết định hạnh phúc của lứa đôi, mà cũng là nơi phán quyết của những khổ đau chia lìa. Nơi đây gắn kết với tuổi thanh xuân của bao chàng trai trong những đêm dài ngủ nhà rông, để khi phải xa làng thì mãi mãi còn nhớ đến, không thể quên được cái thói quen đưa cả hai chân về phía bếp lửa mỗi khi nằm ngủ.

Nhà rông là không gian để ngưỡng vọng thần linh và thể hiện bao ước mơ của những đời người. Chính vì thế, dù đời sống có biến chuyển đổi thay, nhưng trước sau vẫn có thể khẳng định, nhà rông là một không gian tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Về đâu hồn tượng ?  (29/06/2006)
Bến đò Thừa Phủ: Một hoài niệm đẹp trong ký ức Huế xưa  (28/06/2006)
Màu xanh Huế  (26/06/2006)
Văn hóa truyền thống ở DakLak  (26/06/2006)
Đà Nẵng: Đánh thức tiềm năng biển  (25/06/2006)
Lối thoát trên những “cánh đồng chết”  (23/06/2006)
Ngôi nhà cổ giữa đại ngàn Quảng Nam  (23/06/2006)
Vì sao Quảng Bình chưa hấp dẫn các nhà đầu tư  (22/06/2006)
Quang Trung với vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Phú Xuân (1786)  (21/06/2006)
Cách dựng nhà độc đáo của người Gia Rai  (21/06/2006)
Hấp dẫn rừng thông Hà Tam  (20/06/2006)
Huyền Trân và Hải Vân  (20/06/2006)
Phát huy lợi thế "người đi sau" để phát triển đô thị  (19/06/2006)
Trạng Vĩnh Hoàng và những câu chuyện tiếu lâm đặc sắc ở Quảng Trị  (18/06/2006)
Ai về cầu ngói Thanh Toàn...   (16/06/2006)