Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, là một tỉnh hậu phương trực tiếp của miền Nam nên Quảng Bình giữ vị trí xung yếu và quan trọng, nhất là trên mặt trận giao thông vận tải chi viện cho tiền tuyến.
Cùng với Vĩnh Linh (Quảng Trị), Quảng Bình là địa đầu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là cửa khẩu của các tuyến hành lang vận chuyển chiến lược từ Bắc và Nam. Trước năm 1966, tuyến đường 12 (từ ngã ba Khe Ve, thuộc xã Hóa Thanh- Hóa Tiến lên đèo Mụ Giạ giáp biên giới Việt- Lào) là con đường xung yếu độc đạo duy nhất vượt Trường Sơn nên thường xuyên bị địch tập trung đánh phá ác liệt.
Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh, nếu gọi “lối mòn” mở qua thượng nguồn sông Bến Hải tháng 5 năm 1959 là đầu mối tuyến giao liên vào Nam thì có thể nói đường 12A là đầu mối tuyến vận tải cơ giới chiến lược nối hai miền Tổ quốc. Tại tuyến đường này có nhiều trọng điểm nổi tiếng như Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh… Đặc biệt là Cổng Trời - một danh thắng trở thành một trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ. Cổng Trời trở thành huyền thoại, không chỉ của VN mà là cả quốc tế.
Từ ngã ba Khe Ve, đường 12A cắt ngang đường 15 (nay là đường Hồ Chí Minh), ngược biên giới Việt- Lào, chúng ta sẽ gặp hai khối đá lớn đồ sộ chụm đầu vào nhau để lộ vòng cung vừa lọt một làn xe - đó là Cổng Trời. Đến Cổng Trời, có lẽ nhiều người sẽ cùng chung cảm giác thú vị xen lẫn hồi hộp khi nhìn thấy một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực thẳm có chỗ hun hút đến rợn người.
Đứng giữa bốn bề núi non trùng điệp, trong làn gió vi vu, nhớ về câu chuyện kể về Cổng Trời. Ngày xưa đã xa lắm, nơi đây được mùa rẫy, già làng Pa Looc đã tổ chức đám cưới cho chàng Thông Ma và J Leng. Chàng Thông Ma háo hức lên thuyền qua sông đón nàng J Leng, thuyền ra giữa dòng thì gặp gió to, thuyền chòng chành làm chàng Thông ma rơi xuống nước. Nàng J Leng đứng trên bờ thấy vậy lội xuống sông những tưởng cứu người yêu nhưng rồi cũng bị nước cuốn trôi. Sau đó, chàng Thông Ma vì nghe lời khuyên của già làng Pa Looc đã lên núi gánh dá về lấp cửa hang để chặn con thuồng luồng đã bắt mất người yêu của chàng. Nhưng khi chàng gánh đá về đến đây thì đòn gánh gãy, hai hòn đá rơi xuống và vì nặng quá nên đã cụng đầu vào nhau và không rời ra nữa. Về sau, để nhớ đến mối tình thủy chung cao cả của đôi trai gái nên người làng đã đặt cho nơi này cái tên là Cổng Trời.
Trước năm 1966, đường 12A là tuyến đường xung yếu độc đạo duy nhất vượt Trường Sơn nên bị đế quốc Mỹ tập trung đánh phá nhằm chặt đứt tuyến vận tải chiến lược chi viện cho miền Nam. Đây cũng là tuyến đường bị máy bay Mỹ tiến hành bắn phá sớm nhất. Chỉ tính riêng trong 2 năm 1967-1968, trên các tuyến đường 12, 10 và 20, máy bay Mỹ đã đánh phá hơn 20.800 trận với hơn 209.000 quả bom. Cứ mỗi cây số đường phải chịu 515 quả, mỗi chiến sĩ giao thông và công binh phải chịu 83 quả, đó là chưa kể đến hàng ngàn trận bom bi.
Các chiến sĩ bảo vệ cầu đường trên các tuyến với vũ khí là cuốc, xẻng, chất nổ và lòng yêu nước đã nêu cao khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Đại đội 759- đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của nữ anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế đã thực hiện phương châm: “Đich đánh rừng già, ta ra rừng non. Địch đánh rừng non, ta ra đồi trọc”. Đội thanh niên xung phong 73 đã chiến đấu 91 ngày đêm với 30 phút một đợt mưa bom, quyết “ Dập ác xuống đát, gạt khó khăn sang bên, thừa thắng xông lên, thông xe liên tục”.
Vì vậy, cho dù giặc Mỹ tìm mọi cách bắn phá nhưng Cổng Trời vẫn hiên ngang đón đưa biết bao đoàn quân, đoàn xe ra tiền tuyến, xứng đáng với tên Cổng Trời. Trong những năm chiến tranh, có những lúc hai khối đá lớn này lại là nơi để các chiến sĩ nhắn nội vài dòng gửi lại cho gia đình, người thân trước lúc lên đường ra tiền tuyến. Phía bên trái đường có một cái hang không sâu lắm, đó chính là nơi năm xưa Tiểu đòan 12 công binh làm lễ “truy điệu sống” trước lúc ra trận. Cũng trên tuyến đường này, các đơn vị: Đại đội 3 pháo cao xạ, Tiểu đoàn 2 công binh, Đại đội thanh niên xung phong 759, Công trường 050, đội cầu 10… và các anh hùng Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Thị Kim Huế đã được ghi vào những trang sử vàng dân tộc.
Ngày nay, Cổng Trời đang thực sự chuyển mình. Cùng với đường Trường Sơn công nghiệp hóa, đường 12 tới cửa khẩu Việt- Lào đang được mở rộng phục vụ công cuộc mở cửa, phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Bình với bạn Lào. Đến thăm Cổng Trời là dịp để chúng ta hiểu thêm về những địa chỉ đỏ ngời sáng chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến tranh như Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh. Hơn thế nữa, còn được sống lại quá khứ của một thời ác liệt, gian khổ hy sinh nhưng rất đỗi tự hào trên mảnh đất phía tây Quảng Bình.
. Theo báo Quảng Bình |