Du lịch miền Trung: Cần cái “bắt tay” thật chặt!
10:13', 7/7/ 2006 (GMT+7)

Trong tháng 6, miền Trung đã diễn ra 2 sự kiện văn hóa du lịch lớn là Festival Huế (từ ngày 3 đến 11-6) và Tháng Du lịch Hội An- “Cảm xúc mùa hè” nằm trong Chương trình của Năm Du lịch quốc gia 2006 (từ ngày 4 đến 29-6). Hai di sản văn hóa thế giới chỉ cách nhau hơn 100 km, nhưng thật tiếc là nếu không theo dõi các phương tiện thông tin thì du khách đến Huế tham dự Festival 2006 sẽ chẳng biết dịp này ở phố cổ Hội An cũng đang có Tháng Du lịch “Cảm xúc mùa hè” và ngược lại. Bởi, đi hết khắp các con đường của cả hai địa phương này chẳng tìm thấy ở đâu một cái băng rôn hay bất kỳ một chút thông tin giới thiệu trực tiếp cho du khách biết nơi kia đang có lễ hội.

 

Bắt tay nhau để nương tựa nhau cùng có lợi là điều mà các địa phương ở miền Trung nên làm lúc này cho du lịch. Trong ảnh: Tháng cảnh Ghềng Ráng - một điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách của Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh: B.P

 

Đây cũng là “chuyện cũ”, bởi, tình trạng “đóng cửa làm du lịch”, có thể nói là đã kéo dài ở miền Trung trong suốt nhiều năm qua. Đã từng có thời gian, các địa phương (không chỉ riêng ở miền Trung) đua nhau liên tục tổ chức các lễ hội, liên hoan du lịch, chương trình sân khấu hóa… nhằm quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương mình, nhưng sau một thời gian nhận thấy vừa tốn kém vừa dẫm đạp lên nhau mà không thu được hiệu quả đáng kể nào nên số lượng đã giảm hẳn.

Nói vậy để thấy rằng, cùng trên một dải đất duyên hải miền Trung, Quảng Nam có 2 di sản văn hóa thế giới, là “những con gà đẻ trứng vàng”; Huế cũng có hai di sản thế giới và một thương hiệu độc quyền “Festival”, nhưng sợi dây liên kết giữa các di sản này thật mong manh. Một số địa phương khác trong khu vực như Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị… cũng tổ chức hoặc hăm he tổ chức các sự kiện du lịch, lễ hội văn hóa nhưng cũng là đơn lẻ theo kiểu “mạnh ai, nấy làm”.

Cũng may là trong bối cảnh như thế, các công ty du lịch, các đơn vị lữ hành… đã tự đứng ra tổ chức các tour, quảng bá các chương trình theo tour đến từng du khách. Nhờ vậy mà ít nhiều đã góp phần quảng bá và tạo mối liên kết du lịch các địa phương với nhau. Việc khai sinh ra “Con đường Di sản miền Trung” cũng nhằm mục đích như vậy, nhưng thật tiếc là mấy năm qua, các di sản trong khu vực vẫn chưa thể gặp được nhau. “Con đường Di sản” vẫn hoạt động đơn điệu, không có tính pháp nhân và theo đó, du lịch miền Trung cứ như bị “cắt khúc”!

Cũng đã có khá nhiều cuộc gặp gỡ, hội nghị, trao đổi… giữa các địa phương ở miền Trung để bàn tính phương cách liên kết thúc đẩy phát triển du lịch trong khu vực: cũng có đề ra một vài hướng liên kết cụ thể như địa phương này khi quảng bá về mình thì cũng giới thiệu luôn tiềm năng của tỉnh láng giềng, rồi cùng phối hợp tổ chức các tour liên thông xuyên suốt giữa các địa phương để vừa tăng tính liên kết cũng như nương tựa vào nhau phát triển lâu dài. Nhưng chờ mãi chưa thấy được “sự liên kết các bên cùng có lợi” mà chỉ thấy tình trạng “mạnh ai nấy phát, mạnh ai nấy làm”.

Năm 2006, Quảng Nam được chọn tổ chức Năm Du lịch quốc gia nhưng sự kiện này chỉ rầm rộ tại Quảng Nam, còn tại các tỉnh, thành khác thì không mặn mà lắm. Ngay như Đà Nẵng là hàng xóm bên cạnh cũng chỉ hưởng ứng sự kiện này bằng một số băng rôn cổ động trong dịp diễn ra Lễ công bố Năm Du lịch vào đầu tháng 2-2006 để rồi sau đó chẳng thấy động thái nào hơn! Rồi đến Huế, nơi cũng có di sản thế giới để sánh vai với Quảng Nam song vẫn không có biểu hiện gì là hưởng ứng hay quảng bá cho sự kiện này. Phải chăng vì thế mà dịp Lễ hội Festival Huế 2006 vừa diễn ra tịnh không thấy được giới thiệu ở Hội An, Quảng Nam và Đà Nẵng? Về cơ bản miền Trung vẫn đang loay hoay với cái cảnh “đóng cửa, im lặng làm du lịch”!

Bắt tay nhau để nương tựa nhau cùng có lợi là điều mà các địa phương ở miền Trung nên làm lúc này cho du lịch. Bởi, ngay cả các địa phương trong khu vực cũng đã nhận thấy rằng, nếu chỉ dựa vào những gì riêng có của địa phương mình, thì khó mà phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch một cách bền vững được. Ví dụ như Đà Nẵng, tuy không giàu có về di sản văn hóa thế giới như Huế hay Quảng Nam nhưng lại là “cầu nối” giữa hai miền di sản, một trong những cửa ngõ đón khách cho miền Trung thì tại sao ba địa phương không liên kết với nhau tạo thành một khối để du khách khi đến với  miền Trung vừa được khám phá nét bí ẩn độc đáo của văn hóa phương Đông trong mỗi di sản, di tích; vừa tận mắt chứng kiến người thợ thủ công cần mẫn trong những làng nghề truyền thống và cũng vừa có thể thư giãn, nghỉ ngôi bên những bờ biển xinh đẹp của miền Trung. Cùng với mục đích này, khi mỗi địa phương trong khu vực tổ chức các chương trình lễ hội thường niên cũng nên thông báo và liên kết với nhau, để mỗi du khách khi nói đến miền Trung không chỉ nhớ đến mỗi Huế hay Quảng Nam vì những nơi này có di sản mà còn có bao điều thú vị khác!

Miền Trung đang dần được biết đến trên thị trường du lịch quốc tế như một điểm đến đầy bí ẩn, một thương hiệu hấp dẫn bởi nơi có đầy đủ các loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, mạo hiểm, lịch sử… Song để ngành du lịch khu vực này thực sự hoàn thiện và đẹp trong mắt du khách, các địa phương cần tiếp tục bàn bạc với nhau để kết hợp cùng làm, cùng khai thác. Và có lẽ, muốn làm được điều đó, rất cần một nhạc trưởng mà không có ai khác hơn là Tổng cục Du lịch Việt Nam- đầu mối của thông tin và hành động.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Kazan thức giấc  (05/07/2006)
Cổng Trời Quảng Bình - huyền thoại và lịch sử  (04/07/2006)
Đà Nẵng đón bạn về thi  (04/07/2006)
Liên hoan du lịch Gặp gỡ Bà Nà 2006  (03/07/2006)
Không gian tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi  (30/06/2006)
Về đâu hồn tượng ?  (29/06/2006)
Bến đò Thừa Phủ: Một hoài niệm đẹp trong ký ức Huế xưa  (28/06/2006)
Màu xanh Huế  (26/06/2006)
Văn hóa truyền thống ở DakLak  (26/06/2006)
Đà Nẵng: Đánh thức tiềm năng biển  (25/06/2006)
Lối thoát trên những “cánh đồng chết”  (23/06/2006)
Ngôi nhà cổ giữa đại ngàn Quảng Nam  (23/06/2006)
Vì sao Quảng Bình chưa hấp dẫn các nhà đầu tư  (22/06/2006)
Quang Trung với vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Phú Xuân (1786)  (21/06/2006)
Cách dựng nhà độc đáo của người Gia Rai  (21/06/2006)