Làng Việt cổ dưới chân núi Dâu
18:41', 7/7/ 2006 (GMT+7)

Dưới chân núi Dâu thuộc xã Hành Tín Đông huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) có một ngôi làng mang tên Thiên Xuân. Đây được xem là ngôi làng cổ nhất hiện nay vừa được các nhà khảo cổ học phát hiện.

 

                    Đường dẫn vào làng. Ảnh: T.Đ

 

Hiện trạng

Sáng ngày 6.7.2006, nhóm khảo cổ do Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi (Bảo tàng Quảng Ngãi) tiến hành đo đạc và khảo cứu một số hiện vật trong ngôi làng, bước đầu đã có những thông số tin cậy về độ “già” của ngôi làng cổ hiếm hoi còn sót lại ở Quảng Ngãi này. Chu vi của làng  gần 1km vuông, bên ngoài có cổng làng, được đánh dấu qua những bậc tam cấp bằng đá còn sót lại, đường vào làng được trồng chè tàu, vẫn còn khá nhiều.

Bên trong ngôi làng hiện vẫn còn các ô được chia nhỏ vuông vắn, có thể đây là khuôn viên của từng gia đình với diện tích 200 mét vuông/hộ, được phân định bằng những kè đá, sắp xếp khá ngay ngắn. Rất nhiều loại cây vườn vẫn còn nguyên như khế, mít, dây trầu, đặc biệt là lá lốt rất nhiều. Trong làng hiện vẫn còn một giếng nước, thành giếng được xây bằng đá. Toàn bộ ngôi làng này được vây bọc bởi một hệ thống thành (không có hào) bằng đá rất vững chãi. Mặt thành rộng 1 mét, cao từ 2,5-3 mét, dọc theo phía bên trong dưới chân của thành được kè bằng một lớp đá rất phẳng, cao chừng 30 cm, như thể dành cho lính gác đi tuần tra được dễ dàng.

Quan sát kỹ, nhóm khảo cổ không phát hiện ra bất cứ một loại vôi vữa nào gắn kết giữa các tảng đá mà người ta chỉ chồng đá lên nhau, móc xích mấu của các tảng đá lại, tạo thành một khối rất vững chắc.

 

                 Một góc của bờ thành bằng đá. Ảnh: T.Đ

 

Bên ngoài thành, dưới chân núi Dâu, còn sót lại dấu vết của một đền thờ, dân ở đây gọi là “dinh Bà”, còn theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi thì đó là nơi thờ thần núi-một tập quán của người Việt cổ ở khu vực miền Trung, nhất là những làng ở gần núi cao như làng Thiên Xuân này. Ngôi miếu chỉ còn sót lại phần nền và một tảng đá, rộng khoảng 1 mét vuông, được mài nhẵn phần mặt, dùng làm nơi đặt lễ vật mỗi khi làng cúng tế. Làng dựa vào núi Dâu, nơi bắt nguồn vô số những khe suối. Núi Dâu giờ đã “xuống tóc” nên các dòng suối này đều cạn nước, song dấu vết về sự can thiệp của bàn tay dân làng thì rất rõ. Đường từ làng dẫn lên suối trên 1 km được kè bằng đá rất công phu.

Làng bao nhiêu tuổi?

Hiện vẫn chưa xác định một cách chắc chắn về tuổi thọ của làng vì các nhà khảo cổ còn phải tiến hành đào thám sát để tìm hiện vật như các loại gốm thì mới biết. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Khôi thì ngôi làng có chừng 400-600 năm tuổi, có thể là sự kế thừa từ những chủ nhân người Chăm. Quan sát dọc theo các suối cạn dẫn từ chân núi Dâu về làng thì thấy cả một sự chăm chút rất công phu của bàn tay con người.

Lòng các con suối dài hơn 1km này đều được xếp bằng đá cuội rất ngay ngắn và đẹp mắt-một sự kỳ công hiếm thấy ở các làng cổ người Việt. Theo nhận xét của các nhà nghiên cứu thì chỉ có người Chăm mới có hệ thống dẫn thủy độc đáo như thế, vừa chống xói lở, vừa “lọc” được tạp chất của nước qua lớp đá này.

 

                 Bệ thờ thần núi của làng. Ảnh: T.Đ

 

Tồn tại hàng trăm năm giữa lưng chừng núi, đột nhiên sau năm 1945, lần lượt những hộ dân xuống núi sau một trận dịch lớn. Ông Nguyễn Viễn, 75 tuổi, dân Thiên Xuân chính gốc nói: “Đời ông cố tôi kể rằng lũy làng được xây lâu lắm rồi nhưng mãi đến sau Cách mạng tháng Tám, nghe vận động của cách mạng, dân làng mới xuống định cư như ngày nay”. “Tục danh của làng là Khoái, tôi chẳng thấy khoái đâu mà chỉ thấy sốt rét với phù thũng nên người đời mới có câu: “Bất ẩm Thiên Xuân khê”, tức là không uống nước ở khe suối Thiên Xuân”-ông Viễn nói thêm.

Ngành văn hóa thông tin Quảng Ngãi đang gấp rút khảo cứu và lập hồ sơ để công nhận di tích cho ngôi làng này. Những bí ẩn của ngôi làng cổ còn phải được tiếp tục giải mã khi nhóm nghiên cứu chưa kết thúc công việc của mình tại đây.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch miền Trung: Cần cái “bắt tay” thật chặt!  (07/07/2006)
Kazan thức giấc  (05/07/2006)
Cổng Trời Quảng Bình - huyền thoại và lịch sử  (04/07/2006)
Đà Nẵng đón bạn về thi  (04/07/2006)
Liên hoan du lịch Gặp gỡ Bà Nà 2006  (03/07/2006)
Không gian tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi  (30/06/2006)
Về đâu hồn tượng ?  (29/06/2006)
Bến đò Thừa Phủ: Một hoài niệm đẹp trong ký ức Huế xưa  (28/06/2006)
Màu xanh Huế  (26/06/2006)
Văn hóa truyền thống ở DakLak  (26/06/2006)
Đà Nẵng: Đánh thức tiềm năng biển  (25/06/2006)
Lối thoát trên những “cánh đồng chết”  (23/06/2006)
Ngôi nhà cổ giữa đại ngàn Quảng Nam  (23/06/2006)
Vì sao Quảng Bình chưa hấp dẫn các nhà đầu tư  (22/06/2006)
Quang Trung với vấn đề nghệ thuật quân sự trong chiến dịch Phú Xuân (1786)  (21/06/2006)