Thượng đẳng thần Bùi Tá Hán
10:45', 9/7/ 2006 (GMT+7)

Ngày 10-6-2006, nhằm ngày rằm tháng 5 năm Bính Tuất, nhân dân Quảng Ngãi cùng nhân dân các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên (thuộc Thừa tuyên Quảng Nam thời Lê Trung Hưng- thế kỷ XV, XVI) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 510 năm sinh (1496-2006), tưởng niệm 438 năm mất (1568-2006) của  Bắc Quân đô đốc Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Tại Quảng Ngãi, lễ được tổ chức ở đền thờ và lăng ông.

Bùi Tá Hán là người Châu Hoan (nay là tỉnh Nghệ An). Năm 1545, ông được vua Lê Trang Tông phong chức Bắc Quân đô đốc phủ chưởng phủ sự Trấn Quốc công, phái ông mang  đại binh vào bình định quân nhà Mạc (đã từng cướp ngôi nhà Lê) ở Thừa tuyên Quảng Nam. Tháng 8 năm ấy, Bùi Tá Hán đổ quân vào Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn ngày nay), lấy đây làm bàn đạp tiến vào  đất liền Cổ Lũy động, Chiêm động (Quảng Ngãi, Quảng Nam ngày nay), hoàn thành nhiệm vụ khôi phục quyền lực nhà Lê ở vùng Trung Trung bộ. Như vậy, 461 năm trước đây, Bùi Tá Hán đã đặt những bước chân đầu tiên đến vùng đất Quảng Ngãi ngày nay.

Trong 23 năm (1545- 1568) trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam, Bùi Tá Hán đã có nhiều chủ trương, chính sách, việc làm khôn khéo, vỗ yên các sắc tộc bản địa, xây đắp  mối quan hệ hữu hảo Việt- Chăm, mở mang sản xuất, khuyến khích văn hóa, mưu cầu ích nước lợi dân, mang lại sự bình an và phát triển cho vùng đất này. Vì vậy, nhân dân quy thuận một lòng theo ông, ca ngợi ông. Khi ông qua đời, được triều đình truy phong Trấn Quốc công Thượng đẳng thần.

Ngay cả việc ông qua đời cũng trở thành huyền thoại trong lòng dân, người xưa nói “ông đã hiển thánh: và đã được ghi vào bia lăng: “Nhân mã bất tri hà xứ khứ/ Huyết y trường dữ thử bi lưu “(Người, ngựa chẳng biết đi về nơi nào. Chỉ có áo bào thấm máu lưu lại lời bia). Lăng ông được xây dựng tại khu rừng (đã tìm thấy áo bào của ông) ở làng Thu Phổ, nên gọi là Rừng Lăng. Đền thờ ông được xây dựng trên đỉnh núi Phước ở làng Thu Phổ nên gọi là Núi Ông. Năm 1962, khi xây dựng Nhà máy Đường  Thu Phổ, đền thờ ông được  dời vào Rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Có thể nói trước khi được triều đình phong thần, chính nhân dân đã thờ sống Bùi Tá Hán như thờ thần.

Tương truyền lúc còn sống, ông đi kinh lý Phú Yên, một nhà sư ở đây ngưỡng mộ ông, đã khắc tượng ông trên một khúc gỗ mít lớn để thờ. Sau này, quan đầu tỉnh Quảng Ngãi đã xin phép nhà sư rước tượng ông về tại đền thờ ông ở Thu Phổ. Năm 1947, khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chính quyền cách mạng tỉnh đã đem tượng ông về cất giấu ở nông thôn để tránh bị bom đạn thù phá hoại. Kháng chiến chống Pháp kết thúc, tượng ông lại được rước về đền thờ.

Theo “Quảng Ngãi tỉnh chí” của Nguyễn Bá Trác viết năm 1933 thì  tại đình An Hải (Lý Sơn), chùa Tam Thanh (Thạch Trụ, Đức Lân, Mộ Đức); điện Trường Bà (Trà Xuân, Trà Bồng), làng Rí (Sơn Hạ, Sơn Hà) có miếu, đền thờ Bùi Tá Hán. Đến nay ở đền Tam Thanh (Quảng Nam), đình Nam Chơn (TP HCM) có phối thờ Bùi Tá Hán cùng các vị tiên liệt khác. Di tích đền thờ, tượng và lăng ông Bùi Tá Hán đã được Nhà nước công nhận và cấp bằng “Di tích lịch sử văn hóa quốc gia” từ năm 1990.

Nếu nội ngoại thất di tích đền thờ Bùi Tá Hán được tôn tạo đúng quy cách, kết hợp với hoạt động thư pháp, biểu diễn võ thuật (Bùi Tá Hán là một văn võ song toàn) để phục vụ khách tham quan, Quảng Ngãi sẽ có thêm một điểm du lịch hấp dẫn khách thập phương.

. Theo báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Làng Việt cổ dưới chân núi Dâu  (07/07/2006)
Du lịch miền Trung: Cần cái “bắt tay” thật chặt!  (07/07/2006)
Kazan thức giấc  (05/07/2006)
Cổng Trời Quảng Bình - huyền thoại và lịch sử  (04/07/2006)
Đà Nẵng đón bạn về thi  (04/07/2006)
Liên hoan du lịch Gặp gỡ Bà Nà 2006  (03/07/2006)
Không gian tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi  (30/06/2006)
Về đâu hồn tượng ?  (29/06/2006)
Bến đò Thừa Phủ: Một hoài niệm đẹp trong ký ức Huế xưa  (28/06/2006)
Màu xanh Huế  (26/06/2006)
Văn hóa truyền thống ở DakLak  (26/06/2006)
Đà Nẵng: Đánh thức tiềm năng biển  (25/06/2006)
Lối thoát trên những “cánh đồng chết”  (23/06/2006)
Ngôi nhà cổ giữa đại ngàn Quảng Nam  (23/06/2006)
Vì sao Quảng Bình chưa hấp dẫn các nhà đầu tư  (22/06/2006)