Sông Cầu là một vùng đất thơ mộng, sơn thủy hữu tình của tỉnh Phú Yên. Nơi đó, những vườn dừa mát rượi nằm bên chân sóng. Nơi đó, những đầm, những vịnh, những đèo dốc đã đi vào ca dao. Dưới đây là những câu ca dao thu lượm dọc đường, liên quan đến việc đi lại, trên đường bộ cũng như đường thuỷ.
Khởi hành từ địa đầu phía bắc, ta nghe:
Tiếng ai than khóc nỉ non?
Là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông
Công tôi gánh gánh gồng gồng
Trở ra theo chồng bảy bị còn ba…
Một dị bản của hai câu sau trong bài ca dao này là:
Xa xa em đứng em trông
Thấy đoàn lính thú hỏi chồng em đâu?
|
Bờ biển Xuân Hải - Sông Cầu
|
Đây là hoàn cảnh của những phụ nữ đời xưa tiễn chồng đi lính thú qua đèo Cù Mông quanh co hiểm trở, có người gồng gánh đi theo, có người trông vời rừng núi xa xa không biết chồng mình là ai trong đoàn người đông đảo kia.
Có người lại muốn liều chết theo chàng nhưng… cũng bởi Cù Mông là một chướng ngại khó nỗi vượt qua:
Thương anh em cũng muốn vong
Hiềm vì một nỗi Cù Mông khó trèo!
Vào đến Sông Cầu, vẫn là tâm sự của người phụ nữ, có khác ở chỗ là mượn hình ảnh cầu Tam Giang để kín đáo bày tỏ với niềm hy vọng êm đềm:
Cầu Tam Giang nhiều nhịp
Em đi không kịp té xuống cái ầm
Cậy người quân tử nhắc bồng em lên
Mai sau ăn đáng làm nên
Ơn đền nghĩa trả em không quên công chàng
Cầu Tam Giang là cầu thật, được xây dựng trên sông Tam Giang phía nam thị trấn Sông Cầu, còn chuyện té xuống, vớt lên là ẩn dụ. Té xuống là cái cớ để nhờ người quân tử bồng lên (rất đỗi thân mật, chứ không phải trì kéo lên), và nhắc bồng lên là cái cớ để ơn đền nghĩa trả.
Một dị bản (khác 3 câu đầu) không nói đích xác cầu nào, sự nhờ cậy có phần bâng quơ, nhẹ nhàng:
Qua cầu ván mỏng gió rung
Rủi ro rớt xuống cái đùng
Sương sa lạnh lẽo cậy ai cùng vớt lên…
Mai sau ăn đáng làm nên
Ơn đền nghĩa trả em không quên công chàng
Tiếp bước trên đường là phong cảnh hữu tình của trời – non - nước:
Ngó vô Vũng Lắm Sông Cầu
Cù lao Ông Xá đứng hầu ngoài khơi
Đúng ra thì cù lao Ông Xá đứng hầu trong vịnh chứ không phải ngoài khơi. Rời Vũng Lắm, chúng ta lên đèo Gành Đỏ, chợt thấy một chút ngậm ngùi:
Ngó ra ngoài đảnh Xuân Đài
Thấy hai ông súng nằm dài giữa truông
Hai “ông súng” đây là hai khẩu “thần công đại bác phá địch tướng quân” ngày xưa đặt ở đảnh Xuân Đài để phòng vệ mặt biển. Dốc Xuân Đài thời ấy ở phía tây dốc Vườn Xoài ngày nay. Năm 1861 vua Tự Đức sai Nguyễn Tri Phương và Tôn Thất Cáp đi xem xét các việc dọc đường từ Phú Yên đến Bình Thuận. Trong tập dâng tâu hai vị quan này trình bày: “Những con đường như núi Xuân Đài ở Phú Yên, Đại Lãnh ở Khánh Hòa (v.v…) đều là nơi sát gần với bãi biển, hoặc vì núi nhô ra sát đường ngăn chặn, sóng biển vỗ vào bị lở, nhiều chỗ không tiện, xin đổi đi con đường khác để tiện việc chạy giấy tờ…”. Thời gian trôi qua, dần dần “hai ông súng” bị chìm vào quên lãng, nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, đến một lúc nào đó dẫu cho sắt thép cứng cỏi đến đâu cũng chịu bề han rỉ, rồi tan biến vào tro bụi, không còn thấy đâu nữa!
Sự khó khăn hiểm trở của dốc Xuân Đài còn được ví với những thử thách ở đời, trong đó có thử thách của tình yêu:
Đèo nào cao bằng đèo Phú Cốc
Dốc nào ngược bằng dốc Xuân Đài
Đèo cao, dốc ngược, đường dài
Anh còn qua được huống chi vài lạch, truông
Đèo Phú Cốc khá xa, ở phía nam huyện Tuy An trên hương lộ đi lên các xã miền núi. Câu ca dao đã đưa ra cái nhìn tương đối rộng khắp trong không gian bao quát từ bắc đến nam phủ Tuy An (nay là huyện).
Xuống khỏi dốc Xuân Đài, châu thổ Sông Cái hiện ra với những cánh đồng lúa xanh màu mỡ. Đây là trung tâm của Phú Yên từ ngày mới thành lập, trên bản đồ các giáo sĩ Tây phương ghi là “Dinh Phoan” (Phoan = Phú An = Phú Yên). Có thể ngược dòng Sông Cái lên nguồn đến đoạn dòng sông mang tên Kỳ Lộ, thuở ấy đò dọc lên đậu ở bến Bà Bang:
Mau mau đến bến Bà Bang
Đến đồng Bà Sứ thở than đôi lời…
Bến Bà Bang, chợ Bà Sen, dốc Bà Nghé… Bà là một phụ nữ? Hay Bà là dấu vết của một thời xưa cũ “nước non Hời” như Bà Đài, Bà Diễn, Bà Nông, đã may mắn hơn không bị đổi thay (như Xuân Đài, Đà Diễn, Đà Nông)?
. Theo Phu Yen online
|