Giờ thì bà con ở cái làng nhỏ Chiên Đàn của xã Tam Đàn (Phú Ninh, Quảng Nam) ai cũng phơi phới khi được người chung quanh gọi làng mình là "làng đại học". Chuyện ở làng nghèo nhưng có đến 65 giáo viên các cấp, 70 bạn trẻ đã hoặc đang học cao đẳng, đại học, cao học - trong đó có 1 tiến sĩ, 1 thạc sĩ và 10 sinh viên cao học này không còn xa lạ với nhiều người, nhưng vẫn có sức cuốn hút kỳ lạ. Và , chúng tôi đã trở lại...
Những tấm bằng đẫm mồ hôi nước mắt
Thực ra Chiên Đàn chỉ là tên gọi trên giấy tờ, Chưn Đờn mới là tên gọi quen miệng với người trong làng ngoài xã ở đây. Còn về diện tích , "đất học" Chiên Đàn rộng không quá một cây số vuông, theo phân chia địa giới mới thì làng Chiên Đàn nay là hai thôn Đàn Trung, Đàn Hạ của xã Tam Đàn. Làng hẹp, người đông, đất cấy cày lại cũng quá ít ỏi - bình quân mỗi nhân khẩu chỉ được chừng 400m2 - để cho con em mình có được cái chữ đại học, các bậc phụ huynh ở đây đã chịu vô vàn khổ nhọc. "Để nuôi mấy đứa con ăn học, nhà tui phải dựa vô gánh hàng, ngồi bán dưới tấm bạt che bên đường suốt mười mấy năm nay. Tiếng là chúng đã xong đại học mấy năm rồi nhưng vợ chồng tui vẫn còn nợ ngân hàng 20 triệu đồng. Nhưng nợ chi thì buồn chớ nợ vì cái chữ của con thì mình không buồn...", anh Trần Khư - người có hai con đang học năm cuối cao học - hồ hởi. Tuy nói không buồn vì nợ, nhưng anh kể nỗi lo nợ vay nóng mỗi khi cần tiền gửi gấp cho con vẫn còn ám ảnh vợ chồng anh mãi đến giờ. "Vợ chồng tui không mong con nó sẽ làm nhà cao cửa rộng cho mình sau này, chỉ mong nó học được thêm lên, giúp được nhiều cho xã hội, cuộc sống chúng nó được sướng hơn mình...", anh Khư bộc bạch.
Và đó cũng chính là tấm lòng những ông cha bà mẹ của gần 140 ông cử, ông nghè nơi mảnh làng nghèo này. Trong ngôi nhà xây bằng cả đá ong và gạch mà hơn mươi lăm năm nay vẫn chưa được tô trát, vợ chồng ông Cao Văn Sinh như quên mình đang yếu đau, khó khổ, lại đang còn mang mắc nợ nần khi nghĩ đến thành quả học tập của con cái. "Nói thiệt, chúng nó mà không được học đến nơi đến chốn thì mình dù có được ở trong ngôi nhà đẹp, không nợ nần, túng thiếu mình vẫn thấy buồn...", ông Sinh nói, khuôn mặt gầy còm, đen đúa của ông tươi tắn hẳn lên. Lo cho tấm bằng đại học của hai con - một đứa đã ra trường được hai năm và một đứa đang năm cuối ngành sư phạm - vợ chồng ông hiện còn nợ ngân hàng và bà con thân thuộc hơn 10 triệu đồng. Nhưng, ông nói, cứ nhìn vào những tấm bằng khen mà các con có được ở trường đại học là vợ chồng ông lại quên mình đang đau yếu, vẫn gắng dầm mưa dãi nắng trên đồng, gắng chắt bóp, tiện tặn để lo cho con ăn học.
Kẻ này noi theo người kia, các bậc phụ huynh ở đây đã làm mọi việc để nuôi trồng cái chữ cho con. Ông Cao Văn Toàn kể cách "chăn dắt" cái chữ cho các con - hai đã ra trường và một đang còn học năm thứ hai - một cách cảm động : "Mỗi mùa tui nhận cày thuê đến năm bảy mẫu ruộng. Cày cả ngày đuối sức, rứa mà tối lại phải ngồi dựa vô tường thức đến gần mười một giờ để canh chừng, nhắc nhở cho con nó học. Mình mà không chịu khó là chúng sẽ ngủ sớm, làm răng học giỏi được...". Chuyện cày thuê để nuôi con ăn học của ông lại cũng rất cảm động. Ông vay tiền để tậu trâu, dốc lòng chăn giữ, nhận cày cả những thửa ruộng khó cày, đôi khi phải cuốc phụ vào với trâu cày.
Máy vi tính mua bằng thóc
Thật khó ngờ, những người nông dân lam lũ trên ruộng đồng kham khó ở đây lại sớm tạo nên phong trào sắm máy tính phục vụ cho việc học của con em mình. "Khi chúng nó học lên đại học mình có khó khăn đến mấy cũng phải sắm cho chúng nó cái máy vi tính. Mà đợi đến đó mới sắm là muộn, chúng nó sẽ gặp khó trong chuyện học tập. Bởi rứa, tốt nhất là mình ráng sắm cho chúng cái vi tính khi chúng đang học ở cấp hai, cấp ba...", "lập luận" của anh Đặng Đức Hải cũng là của hầu hết các bậc phụ huynh ở đây khi họ đã chắt bóp từng đồng tiền mọn mằn để mua sắm cho con em mình chiếc máy vi tính. Theo Trưởng thôn Đàn Trung Nguyễn Hơn, việc các bậc phụ huynh ở đây sắm máy vi tính cho nhu cầu học tập của con em đã bắt đầu từ bốn năm trước, rộ nhất là hai năm lại đây, và số máy vi tính có ở làng đến nay ít nhất cũng gần đến 150 chiếc.
Nhưng tất cả cũng chỉ biết nhắm vào hạt thóc ít ỏi có được. Vậy là họ đã nhân lên nhiều lần nỗi lao nhọc của mình để bắt hạt thóc quay vòng, sinh ra nhiều lợi hơn : làm hàng xáo, nấu rượu lấy cám lấy hèm nuôi heo nuôi bò. Nếu tiền bán heo bán bò không đủ mua máy vi tính, họ lại phải đi vay. "Nhờ sớm có được chiếc vi tính trong nhà, năm ngoái đứa con đầu của tui mới thi đậu vào đại học công nghệ thông tin. Rứa là đồng tiền khó khổ của mình bỏ ra đã thu ngay được kết quả. Vợ chồng tui mừng lắm..", anh Ung Như Thành hân hoan. Trưởng thôn Hơn cho rằng mấy năm lại đây nhiều học sinh cấp hai, cấp ba trong làng đã đạt được các giải cao trong các kỳ thi cũng chính nhờ một phần ở việc các em sớm có được chiếc máy vi tính trong nhà...
Khuyến học kiểu Chiên Đàn
Để động viên con em học tập nhiều hơn, năm 2002, những người tâm huyết với chuyện học hành ở Chiên Đàn đã đứng ra thành lập quỹ khuyến học (QKH) của làng. Ông Nguyễn Đình Khôi - "thủ từ" đình Chiên Đàn cũng là người chủ chốt công tác khuyến học của làng - cho biết ngoài đóng góp của phụ huynh trong làng, ban khuyến học đã tìm thêm sự giúp đỡ của người trong làng hiện sống ở các nơi . Không dừng lại với QKH của làng, chính quyền hai thôn Đàn Trung, Đàn Hạ lại cũng lập chi hội khuyến học thôn để tạo QKH hầu có điều kiện thiết thực động viên tinh thần học tập của con em trong thôn mình. "Hầu hết bà con trong làng ai cũng cật lực nuôi con ăn học, vậy mà họ đều sốt sắng đóng góp cho các QKH của làng - thôn. Còn người Chiên Đàn ở các nơi thì không nhiều, nhưng khi được biết con em ở quê mình giờ học hành chăm chỉ, giỏi giang thì ai cũng hồ hởi chung góp. Nhờ rứa nên QKH của làng, của thôn năm nào cũng thu được 5-6 triệu đồng, phát thưởng cũng như trợ giúp khó khăn được cho một số đông các em...", ông Khôi nói.
Chưa có QKH gia tộc nhưng ở đây lại có QKH gia đình với nhiều thành viên (hộ gia đình) của một gia đình lớn. Ông Đặng Việt Bảo, Bí thư Chi bộ thôn Đàn Hạ cũng là thành viên của QKH gia đình đầu tiên của Chiên Đàn, kể : "Thấy phong trào học tập của lớp trẻ trong làng cũng như trong gia đình mình ngày càng phát triển, năm 2003, năm anh em "cột chèo" chúng tôi (đều là con rể của ông Nguyễn Ngọc Hạnh) bàn nhau chung góp lập QKH gia đình để có phát thưởng cũng như giúp đỡ cho con em trong gia đình mình. Đúng là có được QKH này các cháu rất phấn khởi, cùng nhau ra sức học tập...". Cũng giống như lời ông Khôi, từ ngày có các QKH của làng - thôn, không khí học tập của lớp trẻ càng sôi nổi hơn, một loạt các bạn trẻ vào cao học cũng nằm trong thời điểm này. Những người nông dân một nắng hai sương nơi mảnh làng nhỏ này còn kỳ vọng hơn nữa ở lớp trẻ, một khi họ đã vắt kiệt đời mình cho cái chữ... Chiên Đàn đang trở thành một biểu tượng mới của đất học xứ Quảng thời hiện đại.
. Theo báo Quảng Nam
|