Không biết tự bao giờ, mọi người Việt Nam mỗi khi nhắc đến Huế thường gọi một cách trìu mến: Huế thơ!
Đã có một Huế thơ trong tâm thức người Việt bao đời, điều gì đã tạo cho Huế có cuộc kết duyên cùng thơ kỳ diệu như thế? Nếu có sự đo đếm, Huế hẳn không thua kém bất cứ thành phố nào trên thế giới về số lượng thơ ngợi ca vẻ đẹp huyền bí của mình hoặc nhờ vẻ đẹp đó mà có. Bởi thế mà Huế đã trở thành chiếc nôi sinh thành, mái nhà trú ngụ, lớn lên của nhiều thế hệ thi nhân Việt Nam gần 200 năm qua.
|
Sông Hương - Phu Văn Lâu, nơi thường diễn ra các cuộc thả thơ thuở trước.
|
Bao nhiêu hình ảnh trong cuộc sống hằng ngày của cô gái Huế đã trở thành hình tượng thơ điển hình tới mức cổ điển, khảm vào lịch sử văn chương dân tộc, như tà áo tím Huế, tà áo dài trắng nữ sinh, nón bài thơ, mái tóc thề, giọng hò... cho đến cái bao la thăm thẳm như mưa Huế, chuông chùa Thiên Mụ, vườn cây trái Kim Long, Vỹ Dạ... cũng như được sinh ra được đắp bồi tạo dựng riêng cho thơ. Đoàn Phú Tứ đã phát hiện ra "Màu thời gian tím ngát", đó cũng là màu Huế, màu của thi ca trường cửu. Cách đây hơn 10 năm, kêu lên: ôi, nhân loại tím! ông tâm sự rằng, sở dĩ Huế dễ cảm xúc thơ là do có trời, có đất, đủ âm đủ dương. Có những cái đó mới có thơ "Màu thời gian", "Nhân loại tím"'...là tâm thức Huế thơ. Huế thơ kết tinh trong con người Huế từ điệu đi, dáng đứng, kết tinh trong núi Huế, cây Huế, vườn Huế, trong từng cơn chớp biển mưa nguồn đan chen trong không gian nội tâm tình cảm, trở thành tiếng gọi từ nơi sâu kín nhất của hồn người. Giáo sự Hoàng Ngọc Hiến cho rằng chính cái nết đất nết người Huế như hoà đồng với phẩm chất của thơ.
Mới đây, nhà văn Trần Tri Trường ở Hà nội và nhà thơ Dư Thị Hoàn ở Hải Phòng lần đầu tiên đến Huế, sau chuyến thăm thú di sản thế giới, thưởng thức phong cảnh và ẩm thực Huế, đã có một nhận xét vui mà sâu sắc: đến Huế chúng tôi mới phát hiện ra rằng nhạc Trịnh Công Sơn quá hay, thơ về Huế quá hay không phải do nhạc sĩ, nhà thơ quá tài mà chính Huế đã làm nên tâm hồn họ. ông Hương chính là linh hồn của Huế thơ. Nói đến Huế là nói đến sông Hương, núi Ngự... "Dạ thưa phố Huế bây giờ - Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông hương" (Bùi Giáng).
Trong 20 thắng cảnh nổi tiếng đất thần kinh được vua Thiệu Trị xếp hạng và đề thơ tranh gương cách đây 150 năm có Hương giang: "thiên tửu vị can nhu ngạn thụ - sóng hoa do luyến kết vân anh" (Cây cối hai bên bờ sông còn đâm sương - hoa trên núi còn vương vấn với mây đẹp đẽ). Sông Hương sinh ra cho thơ cho Huế. Con sông như một làn hương thơm vào hồn phố. Trên dòng sông ấy có con đò thơ với những thú vui tài tử như ca Huế thả đèn, thả thơ.. . Nhà thơ Tố Hữu đã viết những câu thơ tuyệt đẹp về dòng sông quê ông:
Trên dòng Hương Giang
Em buông mái chèo
Trời trong veo
Nước trong veo...
Sông Hương mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, bao đời nay là người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở. Nếu như chẳng có sông Hương - Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi (Huy Tập). Có tới hai phần thơ Huế là viết về sông Hương, hoặc sinh ra trên dòng sông. Thu Bồn đã phát hiện ra bản lĩnh và chiều sâu tâm hồn Huế: "Con sông dùng dằng con sông không chảy - Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu".
|
Thiếu nữ Huế với tà áo dài trắng.
|
Nhạc sĩ, nhà thơ tài danh Văn Cao lúc sinh thời đã viết nhiều tác phẩm, nhạc thơ về Huế. Trong một bức tâm thư gửỉ Huế, ông đã kể rằng : Huế là nguồn sáng tạo của tôi trong những năm 1940. Thơ và nhạc tôi tìm nguồn từ đấy. Có lẽ lịch sử và cảnh vật của cố đô là những điều gây cảm xúc cho sáng tạo. Nhạc của ông mang hồn Huế. Thảo nào, biết bao đêm thuyền ngược sông Hương mở ảo trong bóng núi mây, ta bỗng thèm được hát, được nghe Thiên thai, Suối mơ, Trương Chi, thèm đọc thơ Một đêm đàn lạnh trên sông Huế đến da diết.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong bút ký nổi tiếng "Ai đã đặt tên cho dòng sông" đã víết rất xúc động: hình như trong khoảnh khắc chùng lại của sông nước ấy sông Hương đã trở thành một người tài nữ đánh đàn trong đêm khuya... Toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành lên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa trứng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya.
Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên khoảng sông này, với một phiến trăng sầu. Và từ đó những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời".
Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi chợt vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên: Đó chính là Tứ Đại Cảnh. Đối với các thế hệ thi sĩ Việt Nam, Huế luôn luôn mới sông Hương luôn luôn mới. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, một đứa con của Huế, một chiều nọ bỗng phát hiện ra một hình tượng đẹp chưa từng có trong thơ về dòng sông: "Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ - Bên dòng sông như chưa biết chiều tan - Tôi với nó lặng im bè bạn - Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương giang."
Lịch sử Huế là lịch sử nước Việt, là lịch sử sáng tạo của nhân dân. Sương khói Huế, sông Huế, núi Huế, văn hoá Huế, thơ Huế, cho đến điệu Nam Ai, Nam Bình đều nằm trong tiến trình lịch sử người Việt đi mở cõi. Gần trăm rưỡi năm, kinh đô nước Việt đã đúc nên một Huế tài hoa, đài các và thâm trầm. Lịch sử cách mạng 50 năm cuộn chảy, với tâm thức nhân dân đã lọc giữ cho Huế những giá trị văn hoá vật chất mang trầm tích của triết lý nhân sinh, mang giọt nước mắt nóng hổi của lịch sử. Huế dành đặc ân cho thơ. Và đến lượt mình, thơ làm cho Huế lung linh hơn, thăng hoa hơn. Một thôn Vỹ Dạ qua thơ Hàn Mặc Tử đã trở thành địa chỉ tâm hồn, tâm linh địa chỉ hành hương của hàng chục triệu người Việt Nam: "Sao anh không về chơi thôn Vỹ ? Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên."
. Theo báo Đà Nẵng Chủ nhật |