Con đường phát triển Quảng Nam
11:1', 17/7/ 2006 (GMT+7)

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam diện mạo của Quảng Nam trong vòng 10 năm qua đã có sự thay đổi lớn lao. Rõ nhất là bức tranh kinh tế đã điểm những nét tươi sáng hơn với các khu, cụm công nghiệp hình thành và bước đầu góp phần tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, Quảng Nam vẫn là một tỉnh nghèo vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với nhiều tỉnh thành trong cả nước. Vì sao Quảng Nam còn nghèo như vậy?

Nghèo, trước hết là do cơ cấu kinh tế còn nặng về nông nghiệp. Trong bối cảnh mới, cơ cấu kinh tế dựa vào nông nghiệp chỉ làm cho con đường thoát nghèo chậm hơn. Bởi, những yếu tố tự nhiên đa phần không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp; tài nguyên đất đai cũng không hẳn là lợi thế so sánh của Quảng Nam so với nhiều tỉnh thành khác…

Lịch sử 600 năm sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt, cũng không chứng minh một cách thuyết phục rằng nông nghiệp là con đường đem đến sự giàu có của Quảng Nam, tạo nên “thương hiệu” Quảng Nam. Cái chính là từng có một thương cảng nổi tiếng quốc tế (Hội An) tại đây và con đường hàng hóa sơ khai đã đem đến những vận hội phát triển, khiến cho Quảng Nam trở thành xứ sở phồn thịnh của Đàng Trong một thời. Vì vậy, thương mại, dịch vụ là một kinh nghiệm làm giàu đã được trải nghiệm (và có nét tiến bộ của cha ông là đã từng mở cửa Hội An, cho người nước ngoài không chỉ vào buôn bán mà còn có bất động sản, lập ra phố phường). Giờ đây, Quảng Nam phát huy giá trị của kinh nghiệm đó để chọn con đường thoát nghèo bằng công nghiệp và dịch vụ, mà tương lai sẽ đưa khối dịch vụ lên hàng đầu, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Như thế thì cơ cấu kinh tế và cả cơ cấu lao động của Quảng Nam phải chuyển dịch mạnh, từ nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao sang công nghiệp, dịch vụ có tỷ trọng cao (tỷ lệ 4-6 sang 6-4, hoặc 7-3 đến năm 2015). Bước phát triển có tính kế thừa từ quá khứ với cảng thị Hội An sẽ tiếp biến để có một Chu Lai- khu kinh tế mở và các cụm công nghiệp địa phương và liên vùng.

Có tầm nhìn, xác định được hướng đi nhưng làm thế nào để phát triển công nghiệp, dịch vụ khi thiếu vốn và nguồn nhân lực chưa đáp ứng? Điều đó liên quan đến việc khai thác, tận dụng lợi thế. Với quan điểm phát triển vùng, bên cạnh Hội An- Chu Lai, lợi thế của Quảng Nam ở vùng Đông và Tây có những nét khá đặc biệt. Vùng Đông là dải cát, dải bờ biển 125 km, lại có sông Trường Giang làm hậu thuẫn, nhiều lợi thế về phát triển du lịch. Vùng Tây, ngoài rừng, có lợi thế đặc biệt về thủy điện bậc thang Vu Gia- Thu Bồn. Đây là thủy điện trái mùa (mùa khô kiệt của hai miền Bắc, Nam thì ở đây có thể làm ra điện).

Khai thác những lợi thế ấy, cùng với việc xây dựng cơ chế thoáng mở; mở cửa đường bộ, hàng hải, hàng không sẽ tạo động lực cho Quảng Nam phát triển. Hiện tại rất nhiều tỉnh thành đã áp dụng các cơ chế mở cửa, đầu tư(thậm chí bị thổi còi là “xé rào”; vấn đề là xé rào mà phát triển mạnh, dân giàu lên thì cần xem lại “cái rào”- những rào cản về tư duy và chính sách!) Riêng với Quảng Nam, chẳng hạn Chu Lai cần phải mở mạnh hơn nữa, tất nhiên trong hạn định cho phép của Nhà nước.

Cơ chế mở, đầu tiên và cuối cùng là ở con người. Một cơ chế tốt cần có nguồn nhân lực để thực thi, do vậy vấn đề đào tạo lao động của Quảng Nam đang đặt ra những yêu cầu bức thiết. Yêu cầu là tạo ra những điều kiện để cả cộng đồng học tập, trở thành xã hội học tập với mục tiêu canh tân xứ sở(có thể tham khảo lối giáo dục của phong trào Duy Tân). Cùng với các hình thức đào tạo nghề, hiện Quảng Nam đang xúc tiến để xây dựng và đưa vào hoạt động trường Đại học Quảng Nam tại Hội An. Cái “thần” của trường đại học này là ở phương thức đào tạo, không phải để tạo ra những con người thừa hành với những kiến thức được nhồi nhét, mà chủ yếu trang bị phương pháp để họ có thể tự học và sáng tạo suốt đời, biết cách sử dụng những phương tiện hiện đại để học và làm một cách hiệu quả nhất.

Hướng đi lên công nghiệp và dịch vụ đã chọn có thể vấp phải điều gì? Theo đồng chí Vũ Ngọc Hoàng, cùng với quá trình chuyển dịch lao động, công nghiệp gắn liền với đô thị hóa sẽ dẫn đến những vấn đề về dân sinh. Một bộ phận nông dân mất đất sản xuất - tư liệu sản xuất chính, sẽ làm gì? Những người không còn khả năng học tập để đáp ứng tiêu chuẩn lao động công nghiệp sẽ chọn cách gì để sống? Sự phát triển của công nghiệp và du lịch không theo quy hoạch tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường sẽ được giải quyết như thế nào? Nguy cơ tụt hậu xa hơn, đặc biệt là những bức bách trong định hướng phát triển nông nghiệp và doanh nghiệp lúc hội nhập vào thị trường thương mại thế giới sẽ được hóa giải ra sao…

Những câu hỏi lớn ấy không thể trả lời ngày, giải quyết ngay. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh Quảng Nam là tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư để tạo điều kiện phát triển, song không phải là vô điều kiện. Ví dụ như du lịch, không chỉ đơn thuần là một ngành kinh tế mà là văn hóa, lõi cốt là văn hóa. Phố cổ Hội An, ở mặt vật thể kiến trúc, di tích… không níu giữ du khách được lâu, không khiến người ta lưu luyến bằng những giá trị văn hóa phi vật thể. Du lịch cũng không phải để xây những khách sạn lớn dày đặc trên các bãi biển để rồi tạo nên “sự đè nén” của khối bê tông cốt thép lên con người. Cũng như vậy, với phát triển đô thị không thể phủ định lại không gian làng quê. Vì thế, cần ưu tiên hơn cho loại hình du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; phát triển đô thị trên nền sinh thái làng quê, tôn vinh những nét đẹp của văn hóa làng. Công nghiệp ưu tiên cho “công nghiệp sạch”. Về nông nghiệp, không thể sản xuất tự cung tự cấp mà phải hướng đến hàng hóa; trồng trọt chú ý cây nguyên liệu; phát triển chăn nuôi thành ngành chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị nông nghiệp.

Điều ưu tư lớn nhất là việc làm cho lao động, bảo đảm điều kiện cho dân sinh phát triển. Rõ ràng thành một tỉnh công nghiệp mà dân thất nghiệp, dân không giàu lên thì công cuộc ấy cũng vô nghĩa. Lãnh đạo chính quyền và các nhà đầu tư bước đầu đã tính đến việc ưu tiên đàm phán thực thi các dự án có hợp phần giải quyết lao động và việc làm. Ngoài ra, đang tính hướng lập ra quỹ trợ giúp xã hội, quỹ hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển nghề (và kể cả sự cần thiết phải có quỹ trợ cấp thất nghiệp), để giải quyết nhu cầu tìm kiếm sinh kế cho người dân mất tư liệu sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung cải cách doanh nghiệp, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ hợp tác, doanh nghiệp làng nghề… phát triển để vừa giải quyết lao động ở nông thôn, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh trong bước chuẩn bị hội nhập.

Con đường phát triển Quảng Nam có lối đi riêng nhưng không thể tách rời vận hội của vùng kinh tế động lực miền Trung và cả nước. Do đó, hướng hợp tác, liên kết với các địa phương bạn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. Còn trong nội tại, thuận lợi khó khăn, thời cơ- thách thức đan xen nhau trong hành trình tìm cách thoát nghèo là quy luật, vấn đề là tìm cách để hóa giải mâu thuẫn ấy bằng bài toán phát triển như thế nào, ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh.

. Theo báo Quảng Nam

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Huế Thơ !  (16/07/2006)
Phát triển du lịch bền vững cần có sự tham gia của cộng đồng  (14/07/2006)
Đi cáp treo giảm giá  (13/07/2006)
Trở lại đất học Chiên Đàn  (12/07/2006)
Quảng Ngãi: Thêm một lợi thế về du lịch sinh thái biển  (12/07/2006)
Sông Cầu: Dọc đường… ca dao   (11/07/2006)
Thượng đẳng thần Bùi Tá Hán  (09/07/2006)
Làng Việt cổ dưới chân núi Dâu  (07/07/2006)
Du lịch miền Trung: Cần cái “bắt tay” thật chặt!  (07/07/2006)
Kazan thức giấc  (05/07/2006)
Cổng Trời Quảng Bình - huyền thoại và lịch sử  (04/07/2006)
Đà Nẵng đón bạn về thi  (04/07/2006)
Liên hoan du lịch Gặp gỡ Bà Nà 2006  (03/07/2006)
Không gian tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi  (30/06/2006)
Về đâu hồn tượng ?  (29/06/2006)