Cạnh danh mục 12 dự án kêu gọi đầu tư thuộc công nghiệp phần cứng đã ban hành hồi cuối năm 2005, Đà Nẵng đang hy vọng có thêm nhiều chương trình thu hút nhiều DN sản xuất sử dụng hàm lượng công nghệ cao vào địa bàn. Cơ sở là đã có những tín hiệu quan tâm từ các nhà đầu tư công nghệ vào thành phố vừa "thay da đổi thịt" này.
|
Động thổ một nhà máy sản xuất linh kiện phần cứng tại KCN Hòa Khánh.
|
Có vẻ như ngẫu nhiên khi khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng được chọn làm điểm thiết lập mạng truy cập Internet không dây Wimax đầu tiên của miền Trung. Công trình này do nhà cung cấp công nghệ Intel phối hợp với một số đối tác địa phương thực hiện, trên nguyên tắc đã có sự đồng ý của Đại học Đà Nẵng. Ông Nguyễn Hoàng Việt, quyền Trưởng Ban Đào tạo Đại học Đà Nẵng nói rằng, nhu cầu tiếp cận thông tin từ trong nhà trường của sinh viên ngày càng tăng, và với một mạng kết nối không dây, họ sẽ dễ dàng tính đến nhiều cơ hội thực hành hơn. Intel đã dựa trên nhu cầu đó để triển khai hoạt động hỗ trợ của mình.
Tuy nhiên, theo một đối tác của Intel, tính toán đầu tư công nghệ ở Đà Nẵng của tập đoàn này không chỉ nằm ở 1 trạm Wimax. Đà Nẵng đang được xem là mảnh đất hội tụ nhiều dự án công nghệ một khi cánh cửa hội nhập mở ra và Intel cũng như một số hãng công nghệ khác nhìn thấy điều đó. Một đại diện lĩnh vực tự động hóa của hãng Siemens (Đức) nhìn nhận, hiện trạng công nghiệp và các ứng dụng tại Đà Nẵng chưa cao, thậm chí còn nhiều bất cập, nhưng những ý chí và biểu lộ cơ hội mà thành phố này hướng đến đầy thuyết phục.
Với các nhà công nghệ, có 3 điểm lợi thế mà Đà Nẵng làm được trong thời gian qua. Thứ nhất là nền tảng hạ tầng kỹ thuật hướng về viễn thông đã thành hình. Với các lợi thế trạm đấu nối cập bờ viễn thông khu vực, tâm điểm liên lạc trục cáp quang bắc nam và các hệ thống viễn thông khác, thành phố ở giữa miền Trung này đang đạt chỉ số phát triển lý tưởng về đầu số thuê bao viễn thông, Internet ở khu vực. Thứ hai, sau thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đà Nẵng là địa phương thứ 3 có nhịp điệu sinh hoạt cộng đồng gắn với các yếu tố công nghệ cao nhất. Tỉ lệ cá nhân và DN có thói quen dùng các sản phẩm công nghệ mới tại đây đang tăng lên và mang tính chọn lọc chặt chẽ hơn cả 2 đầu đất nước. Làn sóng đầu tư từ bên ngoài và cơ hội thị trường chung mở ra sau WTO càng hứa hẹn một diễn biến sôi động về CNTT tại mảnh đất này. Thứ ba, Đà Nẵng là địa chỉ đầu tư ít áp lực cạnh tranh và có tính lôi cuốn mạnh tại khu vực. Nếu ở thành phố Hồ Chí Minh, một đơn vị đầu tư về công nghệ muốn hoạt động phải có nhiều giải pháp chinh phục thị trường hơn, đông khách nhưng mức độ loại bỏ của khách hàng lại cao hơn. Còn tại Đà Nẵng, độ bình ổn của khách hàng trung thành cũng như mật độ DN công nghệ đầu tư chưa nhiều đang cho phép các nhà đầu tư ủng hộ thị trường này.
Hơn thế nữa, trong 5 năm qua, chính quyền địa phương đã tỏ một thái độ rất rõ ràng về chiến lược phát triển CNTT trên địa bàn, với những lời hứa tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư sử dụng hàm lượng công nghệ cao. Đó không chỉ là các hãng sản xuất cung cấp thiết bị tin học, viễn thông, các nhà máy hiện đại, đủ trình độ chế tạo những sản phẩm công nghệ đặc biệt, mà còn là những nhà cung cấp dịch vụ đơn thuần, những hướng nghiên cứu và áp dụng hiệu quả công nghệ vào cuộc sống. Rất nhiều nhà đầu tư từ Nhật Bản khi đến Đà Nẵng đã cùng thừa nhận họ cần trở lại đây nhiều lần nhằm khảo sát một năng lực phát triển tốt đã có gốc rễ ở đây. Trong năm 2007, dự báo con số DN Nhật chấp nhận bước vào Đà Nẵng đang ước có trên 30 đơn vị. Đó là một con số lý tưởng mà các nhà quản lý địa phương cần đến.
Theo đánh giá từ Sở Kế hoạch - Đầu tư Đà Nẵng, đến năm 2008, thành phố sẽ hình thành và triển khai khoảng 2 dự án sản xuất lắp ráp máy tính với công suất đến 20 nghìn chiếc/năm, đến giai đoạn từ năm 2009 - 2010 sẽ xây dựng tối thiểu 1 nhà máy sản xuất linh kiện máy tính như bảng mạch chính, ổ cứng, màn hình... và các thiết bị ngoại vi khác. Theo đó, Đà Nẵng quyết tâm tự sản xuất, thay thế được phần lớn các cụm linh kiện điện tử nhập khẩu kể từ năm 2010. Con số này được các nhà đầu tư để tâm, bởi theo họ, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, lĩnh vực nào mang được sức mạnh hòa trộn trong và ngoài thay vì đối kháng, lĩnh vực đó sẽ có nhiều nhà đầu tư. Nếu Đà Nẵng khởi đầu thu hút các dự án công nghệ bằng sự lo toan hình thành các dự án vệ tinh sản xuất, hỗ trợ các hãng lớn như vậy, chắc chắn địa phương sẽ thành công!
. Theo báo Đà Nẵng |