Trong 5 năm qua ngành du lịch tỉnh Ninh Thuận đã tập trung khai thác những tiềm năng của địa phương, phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, mở rộng đầu tư thu hút các thành phần kinh tế phát triển các loại hình du lịch, từ đó từng bước làm thay đổi diện mạo du lịch, góp phần thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế Ninh Thuận.
Sự bứt phá của ngành Du lịch được ghi nhận từ khi tỉnh ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút đầu tư phát triển các khu công nghiệp, du lịch. Song song với chính sách mời gọi các nhà đầu tư, tỉnh đã quan tâm đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là lĩnh vực giao thông ở các khu đô thị và các vùng trong tỉnh.
Đến nay, nhiều dự án du lịch đã được đầu tư khép kín như: Ninh Chữ- Bình Sơn- Cà Ná. Nhiều khu du lịch khác đang hình thành: Vĩnh Hy, Bình Tiên và Mũi Dinh. Hiện nay, Ninh Thuận đã có 30 dự án du lịch đang hoạt động, trong đó có 6 dự án thuộc doanh nghiệp có cổ phần chi phối của nhà nước, số còn lại là các thành phần kinh tế khác, với tổng giá trị đầu tư trên 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 30 dự án đã và đang chuẩn bị khởi công và 24 dự án trong quá trình lập báo cáo khả thi, với tổng nguồn vốn từ 2.000-2.500 tỷ đồng. Có nhiều dự án vốn đầu tư lớn như: Khu du lịch phức hợp Sài Gòn Bank và Công ty Công Nông, sân golf 18 lỗ của Sài Gòn Tourist, nâng cấp khách sạn Sài Gòn- Ninh Chữ đạt tiêu chuẩn 4 sao, khu du lịch Bình Tiên, khu du lịch sinh thái Núi Chúa, khu du lịch sinh thái Vĩnh Hy, du lịch Mũi Dinh…
Chính sách mở cửa liên kết phát triển du lịch trong tiểu vùng Nam Trung bộ và chương trình hợp tác phát triển du lịch song phương với TP Hồ Chí Minh và Khánh Hòa… là điều kiện thuận lợi để quảng bá tiềm năng du lịch của Ninh Thuận trong và ngoài nước. Thông qua đó các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã bắt tay hợp tác liên doanh trong đầu tư phát triển du lịch đã góp phần cải thiện chất lượng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và tạo ra nhiều sản phẩm du lịch phong phú hấp dẫn và mang tính liên vùng thu hút ngày càng đông du khách đến tham quan thưởng ngoạn.
Nếu như trước đây Ninh Thuận chỉ có loại hình du lịch nghỉ dưỡng thì nay đã có du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với việc tham quan (danh lam thắng cảnh, khu di tích văn hóa, các làng nghề). Sản phẩm dịch vụ du lịch ngày càng đa dạng. Nhiều dịch vụ mới được đưa vào khai thác như: tàu du lịch, ca nô trượt biển, ngâm nước khoáng, tắm bùn… Bên cạnh đó những hoạt động vui chơi giải trí cũng được đưa vào khai thác. Từ đó đã hình thành các tour du lịch mới như: Phan Rang - Ninh Chữ- Vĩnh Hy, Phan Rang- Cà Ná- Hòn Rau Câu.
Gắn với việc phát triển tour các doanh nghiệp đã tạo ra các sản phẩm dịch vụ mang tính dân gian: tổ chức định kỳ Hội chợ ẩm thực 3 miền, Hội chợ ẩm thực- thời rang du lịch, các hoạt động biểu diễn văn nghệ dân gian và văn hóa Chăm diễn ra thường xuyên tại các khu tuyến điểm du lịch. Trong 2 năm qua, ngành Du lịch đã rất thành công trong việc phát triển du lịch hội nghị, hội thảo.
Với sự phát triển vượt bậc về cơ sở vật chất, loại hình phục vụ du lịch Ninh Thuận đang là điểm đến hấp dẫn thu hút du khách đến tham quan thưởng ngoạn và kéo dài thời gian lưu trú. Trong 5 năm qua, lượng khách du lịch đến Ninh Thuận tăng bình quân trên 20%/năm, riêng năm 2005 tăng gấp 2,6 lần so với năm 2000. Doanh thu ngành Du lịch tăng gần 13%/năm, trong năm 2005 đạt 120 tỷ đồng, tăng 1,75 lần so với năm 2000. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu của toàn ngành đã đạt tới con số 90 tỷ đồng.
Trong 5 năm qua, ngành Du lịch tỉnh Ninh Thuận đã có bước phát triển mạnh. Tuy vậy nhiều dự án có tính khả thi nhưng do ách tắc khâu giải tỏa đền bù đất dẫn đến việc nhà đầu tư phải đợi chờ mất nhiều thời gian và như vậy đồng nghĩa với việc cơ hội trong kinh doanh cũng bị chậm lại. Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ninh Thuận cần có chiến lược phát triển ngành du lịch một cách cụ thể và quyết liệt hơn.
. Theo báo Ninh Thuận
|