Làng chài Phú Nghĩa: Dòng đời dập dìu theo con nước
11:23', 19/7/ 2006 (GMT+7)

Xóm Phú Nghĩa, Hoà Phú, Nghĩa Hoà (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) có hơn 70 hộ, nằm quần tụ như một cù lao loi ra mé sông. Con đường thông thương vào Phú Nghĩa duy nhất là chiếc cầu ván gập ghềnh. Bao nhiêu hộ là bấy nhiêu chiếc thuyền. Loại thuyền tôn gắn máy kô-le chạy trên sông nước. Những người già nhất làng lục lại trong quá khứ, chỉ mang máng nhớ về tuổi thơ. Khi biết cầm mái chèo thì đã cùng gia đình lặn lội sông nước đãi don, đãi hến để đổi gạo kiếm cái ăn giữa mảnh đất bốn bề sông nước.

 

Cuộc mưu sinh của người dân xóm chài Phú Nghĩa vất vả như thân cò, thân vạc. Lịch trình đi làm ăn gắn với chu kỳ của con nước, nước ròng là họ có mặt trên sông.

 

Cuộc mưu sinh của người dân xóm chài Phú Nghĩa lắm vất vả như thân cò, thân vạc. Bởi làm nghề cào don, xúc hến. Lịch trình đi làm ăn gắn với chu kỳ của con nước. Khi nào nước ròng là họ có mặt trên sông. Vì vậy hết đêm lại chuyển qua ngày. Con nước ròng lúc 12 giờ trưa, lúc 8 giờ tối, lúc 1 giờ sáng, lúc 3 giờ sáng... đó là lúc xóm chài lại nhộn nhịp tiếng xành xạch máy cu-leo rẽ sóng băng băng. Thời trước, dân Phú Nghĩa gồng mình lên để chèo thuyền từ 3-4 giờ đồng hồ mới đến nơi cào don, xúc hến. Bây giờ thì khá hơn trước, đánh bắt tận sông Vệ, sông Trà Khúc đi bằng sức máy. Không còn cảnh lẩn quẩn con sông trước nhà. Trong cái nắng chói chang trưa hè, khi bình minh vừa hé báo hiệu một ngày mới, những con thuyền lại về bến.

Dân chài Phú Nghĩa cả đời gắn với sông nước, dường như được chứng kiến đầy đủ nhất sự chuyển giao của đêm và ngày. Nằm dựa trên mạn thuyền ngắm sao trời lung linh giữa sông Trà mờ sương, sưởi ấm cái lạnh cắt da bằng khói thuốc. Khi mùa đông đến, mọi nhà yên giấc trong chăn nệm, họ lại dầm mình lặng lẽ bơi trên sông vì kế sinh nhai. Con don, con hến im lặng vùi dưới cát, họ im lặng lầm lũi ẩn hiện trong màn đêm. Ngâm mình dưới nước và mưa tuôn xối xả trắng trời. Con thuyền như chiếc lá bị gió giật từng cơn xoay tròn.

Năm nay don, hến được mùa. Nhưng dân chài Phú Nghĩa phần đông đã chuyển sang làm nghề xúc hến, nghề cào don còn ít người làm hơn trước. Don vào bến bán 1.000đồng/lon, hến bán 2.000đồng/3 lon. Bình quân một chiếc thuyền hai lao động mỗi người kiếm được 50.000 đồng/ngày, người làm giỏi kiếm hơn 80.000 đồng. Đối với dân chài Phú Nghĩa, như vậy đã thực sự đổi đời lắm rồi, hến, don được mua hết ngay tại bến. Con đường buôn bán nhanh chóng đưa hến, don vượt ra khỏi ranh giới đất Quảng, vào tận các tỉnh phía Nam, mang theo hơi thở của dòng sông Trà, sông Vệ. Những ngày giáp tết, người buôn đến tận bến đặt cọc trước để mua cho bằng được hàng. Cầm đồng tiền trong tay, nghe tiếng giấy mềm mại thấm mặn mồ hôi, dân chài Phú Nghĩa xót xa nhớ cách đây không lâu, don, hến vào bờ chỉ mang đổi gạo. Hồi đó, don, hến nhiều hơn bây giờ, nhưng làm nhiều quá khi vào bờ không biết bán cho ai.

Làm nghề don đi giật lùi, làm nghề hến đi tới. Dụng cụ làm nghề don chủ yếu dùng cào để kéo giật lùi trên sông, còn làm hến thì dụng cụ là hai cái nhũi bằng tre, một cái nhũi ngắn và một cái có cán dài 4m. Nước sâu thì phải cầm nhũi ngắn lặn xuống xúc. Don, hến xúc lên lắc nhẹ trên mặt nước. Những viên đá tròn sẽ lăn ra đầu tiên, kế đến là ốc mỡ, ốc gạo, sau là hến, don nằm ở trong cùng. Làm nghề don thì vất vả hơn, vì don ẩn sâu dưới cát hơn 20 phân, phải dùng sức kéo tận lực.

Xóm chài Phú Nghĩa vào mùa này một ngày về bến khoảng 5 tấn hến, 1 tấn don. Hến có hai loại, hến sò to bằng ngón cái, hến vắt bé li ti. Hến về tay người buôn, hến chuyển cho lò nấu lấy ruột. Khoảng 3 năm nay, nhu cầu thị trường mở ra, trong xóm có 3 lò nấu hến. Hến đổ vào chảo nước sôi sùng sục, sau đó đãi ruột, bảo quản, chuyển cho các quán cơm hến, đưa vào thành phố bán với giá 25.000đồng một ký ruột. Chỉ riêng lò ông Trần Hoàng ở giữa xóm nấu 300 - 400 kg hến, thì tính bình quân xóm đã tiêu thụ ngót 1 tấn hến tại chỗ.

Một đôi vợ chồng trẻ có thể khởi nghiệp bằng chiếc thuyền tôn, số tiền đầu tư ban đầu 1,5 triệu đồng. Ngày ngày bám vào sông nước là có thể kiếm đủ cái ăn rồi sinh con, đẻ cái. Anh Nguyễn Đảnh năm nay 39 tuổi, một dân chài làm nghề cào don từ lúc anh mới 15 tuổi. Gần 25 năm sống với sông nước, anh gần như thuộc làu từng khúc sông, từng bến đậu, những bãi bồi. Đã không biết bao nhiêu lần nếm mùi vị mặn, nhạt của con nước. Thành quả lao động của anh được đền đáp bằng ngôi nhà vững chãi, khang trang. Làng chài bây giờ đã thực sự khởi sắc, không còn những mái nhà lá lụp xụp như ngày nào.

Sắp đến rằm tháng 7, đây là dịp dân xóm chài cúng bến để tạ ơn trời đất đã sinh ra con hến, con don nuôi sống họ qua bao thế hệ. Đó là lúc để mọi người được thầm nói lên ước nguyện từ đáy lòng với tổ tiên, với dòng sông hiền hoà.

. Theo báo Quảng Ngãi

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Du lịch Ninh Thuận trên đường khởi sắc  (18/07/2006)
Đà Nẵng trước cơ hội thu hút các dự án công nghệ  (18/07/2006)
Con đường phát triển Quảng Nam  (17/07/2006)
Huế Thơ !  (16/07/2006)
Phát triển du lịch bền vững cần có sự tham gia của cộng đồng  (14/07/2006)
Đi cáp treo giảm giá  (13/07/2006)
Trở lại đất học Chiên Đàn  (12/07/2006)
Quảng Ngãi: Thêm một lợi thế về du lịch sinh thái biển  (12/07/2006)
Sông Cầu: Dọc đường… ca dao   (11/07/2006)
Thượng đẳng thần Bùi Tá Hán  (09/07/2006)
Làng Việt cổ dưới chân núi Dâu  (07/07/2006)
Du lịch miền Trung: Cần cái “bắt tay” thật chặt!  (07/07/2006)
Kazan thức giấc  (05/07/2006)
Cổng Trời Quảng Bình - huyền thoại và lịch sử  (04/07/2006)
Đà Nẵng đón bạn về thi  (04/07/2006)