Bờ xe nước sông Trà
11:28', 20/7/ 2006 (GMT+7)

Trước năm 1990, du khách xuyên Việt trên đường số 1, ngang qua cầu Trà Khúc tỉnh Quảng Ngãi, nhìn về hướng tây sẽ thấy từng khối đen tròn nằm dọc theo bờ bắc sông Trà. “Khối đen tròn” đó chính là bờ xe nước, hay nói gọn như người xứ Quảng là bờ xe. Vắng bóng gần hai mươi năm trên sông Trà nhưng hình ảnh những bờ xe ấy mãi mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của người Quảng Ngãi từng một đời sống với nó.

 

                                    Bờ xe nước sông Trà.

 

Ông Trần Hào, 80 tuổi, quê xóm Vạn, thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi, người đã gắn bó hơn nửa thế kỷ với nghề “thợ xe”, giờ bất động như ngồi thiền trên chiếc chõng tre cũ kỹ. Giọng ông cụ chợt sôi nổi hẳn khi nghe gợi chuyện bờ xe nước sông Trà. Ông bảo đời ông nhiều phen chìm nổi với nghề thợ xe nhưng chưa bao giờ ông rời bỏ nó. Ông chỉ “chịu thua” công trình đại thủy nông Thạch Nham (1990) mà thôi.

Trước khi có công trình thủy lợi tưới cho 5 vạn hecta này, dân Quảng Ngãi hầu hết sống nhờ vào nguồn nước của sông Trà thông qua các bờ xe nước. Sông Trà có chiều dài 130 km nhưng chỉ có 30 km cuối cùng trước khi đổ ra biển, mới có thể làm được bờ xe. Ở miền núi, do đặc điểm có nhiều ghềnh đá, bất lợi cho việc làm bờ xe, vả lại đất canh tác cây lúa nước không nhiều nên không thể triển khai bờ xe được vì thua lỗ.

Khi những trận lũ dữ dằn ở miền Trung đã vãn, những thợ xe nước theo thuyền ngược sông Trà lên thượng nguồn để mua tre và các loại dây rừng - hai loại vật liệu chính để làm bờ xe. Nếu làm lần đầu thì mỗi bờ xe nước phải tốn ít nhất là 4.000 cây tre và cũng từng ấy dây lạt để cột, buộc. Một số ít gỗ dương để làm trục quay và các dầm, thanh. Nếu tính theo thời giá hiện nay, mỗi bờ xe nước phải tốn khoảng 100 triệu đồng.

Cùng với việc ngược sông Trà của các thợ xe, người đứng đầu trong ban “trưng cử” (một dạng của cổ đông ngày nay) lo chạy thủ tục giấy tờ xin hương lý trong làng cho phép dựng bờ xe. Một thành viên khác trong ban “trưng cử” lo liên hệ với các chủ điền để ký “hợp đồng” (bằng miệng) về việc tưới nước cho vụ lúa tới.

Mỗi bờ xe nước có hai ban: ban thợ xe gồm 7 người, người đứng đầu được gọi là “trùm”. Anh này vừa giỏi kỹ thuật, vừa quán xuyến mọi việc từ trong xe đến ngoài đồng. Hai anh “trọn” (nhân viên trong ban) có nhiệm vụ trông coi xe và sửa chữa những chỗ hỏng hóc. Hai anh dẫn thủy lo việc điều tiết nước ngoài đồng. Hai anh còn lại được gọi là “rẽ”, chuyên lo việc vặt cho hai “trọn”. Ban thứ hai được mang tên “trưng cử”. Ban này không quy định số người. Những người giàu có như ông Tú Thao ở Tịnh Sơn, một mình bỏ vốn ra làm riêng một bờ xe nước.

Vì vốn lớn nên thường thì mỗi bờ xe có từ 8 đến 16 “cổ đông”. Nhiệm vụ của ban này là bỏ tiền ra mua nguyên liệu, cấp lương thực cho số thợ xe để thi công. Tỷ lệ ăn chia sau vụ mùa là 6/4. Thợ xe (không có trong ban “trưng cử”) được 6 phần còn “cổ đông” được 4 phần.

Làm bờ xe nước không khó, cái khó là ở chỗ chọn vị trí và làm bờ cừ. Mỗi bờ xe từ 9 đến 12 bánh nước, mỗi bánh nước trông như chiếc vành xe đạp. Chung quanh vành, người ta buộc các ống tre, được bịt một đầu, đặt nghiêng 45 độ so với trục. Làm sao đó để khi bánh xe tiếp cận với mặt nước thì nước được đong đầy các ống. Lực nước sẽ đẩy các ống này lên đỉnh, ống nghiêng và trút nước ra máng, dẫn về đồng. Cái độc đáo của bờ xe nước là không tốn nhiên liệu mà vẫn đưa được nước từ sông ra ruộng. Người thợ xe buộc các ống nước vào bánh sao cho đảm bảo kỹ thuật mới có thể “múc” được nước lên. Ở vùng núi các tỉnh phía Bắc cũng có bờ xe nước, song chỉ có một bánh, riêng ở sông Trà, nhiều gấp 10-12 lần. Mỗi bánh xe có đường kính từ 8 đến 10 mét và mang trên mình nó vài trăm ống nước. Thế nhưng, không một bánh nào trục trặc mà cùng quay đều suốt trong những tháng nắng hạn. Bánh xe quay nhanh hay chậm, ngoài việc chọn vị trí chỗ nước sâu, còn phụ thuộc vào việc làm bờ cừ. Các thợ xe đóng cọc theo hình chữ V. Phên tre và các loại rác được kè theo cừ. Dòng nước được dẫn theo hình chữ V này xuống đúng vị trí đặt bánh xe. Chữ V càng hẹp thì lưu tốc càng lớn. Nhiều bánh xe “mạnh” đến mức có thể “mang” 5-7 đứa trẻ con lên tận đỉnh như đu quay ngày nay! Có lẽ trước khi con người phát minh ra điện để làm đu quay, cầu trượt trong các công viên thì bờ xe nước là loại đu quay không mất tiền, xuất hiện sớm nhất đối với trẻ con dọc sông Trà! Ai đã từng sống bên dòng sông này hẳn không thể nào quên mỗi buổi chiều về, khi ánh ngày sắp tắt, mỗi bờ xe nước trên sông Trà là một vòm cung của bảy sắc cầu vồng rực rỡ. Cứ đều đặn mỗi chiều, thiên nhiên lại ban tặng cho cư dân sông Trà những sắc màu không quên ấy.

Ông Hào ra chiều trầm ngâm: “Sắc màu ấy sẽ lưu giữ mãi trong ký ức của những người Quảng Ngãi tha hương. Song có mấy ai còn nhớ 54 bờ xe nước dọc sông Trà ngày ấy đã từng tưới tắm cho hàng vạn hecta đất, cưu mang hạng chục vạn người”. Cơn ho rũ rượi ập đến vẫn không làm cho ông cụ quên điều này: “Có nước Thạch Nham là tốt, song tôi vẫn không hiểu tại sao người ta không tìm cách để giữ lại, dù là cách điệu về một công trình độc đáo này? Cách đây mấy năm, Sở Nông nghiệp có nhờ tôi làm cho họ một bờ xe nước bằng chiếc bàn làm việc, giờ chắc mối ăn rồi”. Câu nói của ông cụ tám mươi như một lời nhắn gửi rằng bờ xe nước không chỉ đơn thuần là chuyện sinh nhai của một thời khốn khó mà nó còn là biểu tượng của một vùng đất lắm mưa nhiều nắng này. Không lưu giữ nó, dù là cách điệu, là có lỗi với tiền nhân vậy.

  • Trần Đăng
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thành phố bên bờ sông Trà và cái đích đô thị loại II  (19/07/2006)
Làng chài Phú Nghĩa: Dòng đời dập dìu theo con nước  (19/07/2006)
Du lịch Ninh Thuận trên đường khởi sắc  (18/07/2006)
Đà Nẵng trước cơ hội thu hút các dự án công nghệ  (18/07/2006)
Con đường phát triển Quảng Nam  (17/07/2006)
Huế Thơ !  (16/07/2006)
Phát triển du lịch bền vững cần có sự tham gia của cộng đồng  (14/07/2006)
Đi cáp treo giảm giá  (13/07/2006)
Trở lại đất học Chiên Đàn  (12/07/2006)
Quảng Ngãi: Thêm một lợi thế về du lịch sinh thái biển  (12/07/2006)
Sông Cầu: Dọc đường… ca dao   (11/07/2006)
Thượng đẳng thần Bùi Tá Hán  (09/07/2006)
Làng Việt cổ dưới chân núi Dâu  (07/07/2006)
Du lịch miền Trung: Cần cái “bắt tay” thật chặt!  (07/07/2006)
Kazan thức giấc  (05/07/2006)