Sau 3 năm chính thức được thành lập, Khu kinh tế mở (KKTM) Chu Lai đã thu được những kết quả bước đầu rất quan trọng, đặt nền móng phát triển cho giai đoạn kế tiếp…
Đến nay, KKTM Chu Lai đã hoàn thành quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000, 1/2000 và quy hoạch các phân khu chức năng: khu phi thuế quan, khu công nghiệp, khu đô thị, du lịch; nhiều đồ án quy hoạch chi tiết phục vụ cho đầu tư phát triển khu kinh tế này cũng đã được xây dựng và công bố. Cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng gồm đường bộ, cảng biển, sân bay, điện, nước, thông tin liên lạc…đã và đang được đầu tư đồng bộ.
Nhờ vậy, đến cuối tháng 6 - 2006, KKTM Chu Lai đã thu hút 124 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn hơn 1,4tỷ USD; trong đó có 79 dự án đã được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 745 triệu USD và 45 dự án đang lập thủ tục đầu tư. Hiện nay, tại khu kinh tế này có 38 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư gần 200 USD. Trong đó, đáng chú ý là có một số dự án lớn đang hoạt động hiệu quả như Nhà máy Sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai- Trường Hải, Công ty Hoa Chen, Công ty Liên doanh trồng và chế biến cây nguyên liệu giấy xuất khẩu…
Trên lĩnh vực quản lý, đến nay đã có 3 bộ và UBND tỉnh ủy quyền cho ban Quản lý KKTM Chu Lai thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc chức năng của các bộ và UBND tỉnh. Cụ thể: Bộ Kế hoạch và Đầu tư ủy quyền cấp Giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp trong nước do Trung ương quản lý; cấp Giấy phép đầu tư cho các dự án đầu tư nước ngoài; Bộ Thương mại ủy quyền quản lý hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cấp chứng chỉ xuất xứ hàng hóa form D; Bộ xây dựng ủy quyền phê duyệt các quy hoạch chi tiết trong KKTM Chu Lai; UBND tỉnh ủy quyền và giao nhiệm vụ thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ của UBND tỉnh, của các ngành thuộc tỉnh trên địa bàn KKTM. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về chế độ tài chính áp dụng tại KKTM Chu Lai.
Trong điều kiện nhiều khó khăn, công việc mới mẻ, vừa làm, vừa học thì những thành quả nêu trên là rất đáng ghi nhận. Thực tế cũng minh chứng, cùng với Khu công nghiệp Điện Nam- Điện Ngọc, KKTM Chu Lai đã góp phần quan trọng đưa giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng nhanh chóng, tạo nguồn thu (nhất là thuế xuất nhập khẩu), tham gia giải quyết việc làm và thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và lao động ở địa phương.
Quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển của các ngành kinh tế, các địa phương; nhưng đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức gay gắt. KKTM Chu Lai cũng không là ngoại lệ.
Trước hết, dễ thấy rằng, cơ chế chính sách vượt trội, mang tính thí điểm cho KKTM Chu Lai được quy định tại Quyết định 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chưa đáp ứng các yêu cầu của mục tiêu đặt ra; thậm chí có nhiều quy định không theo kịp với hệ thống pháp luật do Quốc hội, Chính phủ mới ban hành trong năm 2005 và cơ chế chính sách của các khu kinh tế ra đời sau ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Khu phi thuế quan được xem là hạt nhân phát triển của KKTM Chu Lai, nhưng đến nay quy chế hoạt động vẫn chưa được ban hành, gây trở ngại rất lớn trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư. Cạnh đó, Quyết định 108/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định toàn bộ nguồn thu phát sinh trên địa bàn KKTM Chu Lai được để lại phục vụ xây dựng kết cấu hạ tầng trong 10 năm đầu và 50% trong 10 năm tiếp theo, nhưng trên thực tế thì 3 năm qua, cơ chế này bị thay đổi nhiều lần. Chính điều này đã làm cho Ban Quản lý KKTM không thể chủ động nguồn vốn và kế hoạch đẩy nhanh tiến độ phát triển hạ tầng trong KKTM.
Mặt khác, cho đến nay, việc phân cấp, ủy quyền của các bộ, ngành Trung ương theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, đồng bộ và kịp thời. Cơ chế “một cửa” tại Ban Quản lý KKTM vì thế chưa được thực hiện một cách tốt nhất để bảo đảm cho sự năng động, tinh giảm tối đa thủ tục hành chính theo yêu cầu phát triển của một KKTM.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục có hiệu quả những hạn chế, tồn tại hiện nay, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và Ban Quản lý KKTM Chu Lai đã và đang tiếp tục nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm tranh thủ cơ hội đẩy nhanh tiến độ xây dựng KKTM trong những năm đến. Theo đó, Chương trình hành động giai đoạn 2006-2010 của Ban Quản lý KKTM Chu Lai có nhiều điểm rất đáng chú ý: tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu một cách đồng bộ, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệ thống cảng Kỳ Hà, phối hợp nâng cấp Cảng hàng không Chu Lai, hạ tầng kết nối Khu phi thuế quan, các khu công nghiệp, khu du lịch, khu đô thị, phấn đấu đến năm 2010 lấp đầy các khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, 1/3 Khu phi thuế quan giai đoạn 1, một phần Khu công nghiệp Tam Thăng; xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kết nối và hạ tầng chính các khu đô thị trọng điểm, hoàn thành giai đoạn 1 của quá trình xây dựng KKTM Chu Lai.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ban Quản lý KKTM Chu Lai đang tích cực triển khai các biện pháp tạo nguồn thu, giải quyết các tồn tại về bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả; đổi mới công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư, tiếp tục cải cách hành chính bảo đảm giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư một cách tốt nhất theo hướng một cửa, một chỗ; đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, đội ngũ chuyên gia, đề xuất các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ tái định cư, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân trong vùng bị giải tỏa. Đặc biệt, UBND tỉnh đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ nâng khung pháp lý cho Chu Lai mà trước mắt là điều chỉnh, bổ sung Quyết định 108/QĐ-TTg theo hướng cho phép KKTM Chu Lai là một đầu mối kế hoạch và ngân sách như các khu kinh tế khác trong nước. Về lâu dài, đề nghị Chính phủ ban hành nghị định về quy chế hoạt động KKTM Chu Lai để tạo ra khung pháp lý ổn định cho quá trình vận hành và phát triển của khu kinh tế này.
Những kiến nghị trên đã được Thủ tướng chính phủ “giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chủ trì cùng với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định 108/QĐ-TTg; trong đó quán triệt ý kiến của Bộ Chính trị tại Công văn số 468 CV/TW ngày 23-3-2006 về việc sửa đổi, bổ sung cơ chế vốn đầu tư, trên cơ sở đó trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”(trích nội dung Công văn số 3309/VPCP-CN ngày 22-6-2006 của Văn phòng Chính phủ).
Kinh tế mở là mô hình kinh tế đã được thực hiện thành công ở nhiều nước trên thế giới từ những năm 80 của thế kỷ XX, song đối với chúng ta đây là mô hình mới, lại được thực hiện thí điểm ở địa bàn kinh tế còn nhiều khó khăn. “Vạn sự khởi đầu nan”, do đó, tất yếu không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế. Cần phải hết sức khách quan, khoa học trong nhìn nhận, đánh giá những mặt được và chưa được, để từ đó có những bước đi và giải pháp phù hợp. Bên cạnh sự năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của Quảng Nam, cần có sự phối hợp, giúp đỡ tích cực và có hiệu quả hơn của các bộ, ngành Trung ương để KKTM Chu Lai phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, góp phần vào sự đổi thay mạnh mẽ của không riêng gì Quảng Nam mà của cả khu vực miền Trung.
. Theo báo Quảng Nam
|