|
Học sinh trường tiểu học số 2 Nam Ban - Lâm Hà - Lâm Đồng. |
Theo chỉ đạo của tỉnh, chương trình kiên cố hoá (KCH) trường, lớp phải hoàn thành xây dựng trong tháng 6-2006. Thế nhưng đến khi cận kề thời hạn rút vốn, một số trường mới vội vàng khởi công, thậm chí có trường chưa làm xong thủ tục đầu tư.
Nhiều trường chưa động thổ
Mặc dù kế hoạch phân bổ vốn được tỉnh Lâm Đồng bố trí từ tháng 8-2005 và có quyết định đầu tư vào tháng 11-2005, thế nhưng đến thời điểm này vẫn còn một số trường chưa động thổ khởi công. Do vậy, tất yếu sẽ không kịp đưa trường lớp vào phục vụ năm học mới 2006-2007.
Dẫn chứng một số điển hình: Ở huyện Cát Tiên, được giao kế hoạch xây dựng 2 công trình là Trường Mầm non Phù Mỹ và Trường THCS Đồng Nai, hiện mới đang triển khai công tác đấu thầu. Lý do địa phương này nêu ra là công trình Trường THCS Đồng Nai thuộc danh mục đầu tư nhưng trong quyết định đầu tư lại ghi là Trường TH (tiểu học) Đồng Nai. Chỉ vì thiếu 2 chữ CS, huyện phải làm công văn xin tỉnh điều chỉnh thành THCS, thủ tục này mất hơn hai tháng trời mới xong!
Hay như Trường Mầm non I thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà thuộc danh mục bức xúc đầu tư nhưng sau 8 tháng được phê duyệt đến nay vẫn chưa khởi công. Huyện cho rằng: thực hiện quy hoạch trung tâm thị trấn Đinh Văn do UBND tỉnh phê duyệt, trường Mầm non I thị trấn Đinh Văn được quy hoạch tại một địa điểm khác đó là tổ dân phố Văn Tâm. Khi triển khai xây dựng tại đây, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng lên đến trên 1 tỷ đồng, đồng thời phải tái định cư cho 10 hộ dân trong khu vực giải toả, trong khi tổng mức vốn đầu tư xây dựng 5 phòng học của trường là 550 triệu đồng nên huyện tiếp tục xin xây dựng nơi khác là Tân Văn, xã Tân Hà. Đến nay vẫn chưa có ý kiến chính thức về công trình trường Mầm non I thị trấn Đinh Văn?
Tương tự, còn những trường chưa được khởi công ở các địa bàn khác. Đó là các trường: Tiểu học Đạm Ri (Đạ Huoai), Mần non Hoa Hồng (Bảo Lộc) và 2 trường THCS ở huyện Đam Rông với nhiều lý do khác nhau: thay đổi chủ trương đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng quá chậm…
Ông Nguyễn Văn Sang - Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: ngoài 7 trường trên còn có 5 trường khác nằm trong tình trạng đang tập kết vật liệu hoặc mới đào móng chưa có khối lượng. Với tiến độ này, các trường sẽ không đủ thời gian đưa công trình vào sử dụng trong năm học mới.
Vượt định mức đầu tư 80-90%/phòng
Chương trình KCH trường, lớp đợt 3 được UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn gần 33,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trên 27,7 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, tỉnh đã sớm đưa vào kế hoạch đầu tư xây dựng 329 phòng học cho 54 trường để các địa phương chủ động lập dự toán, triển khai đầu tư.
Theo báo cáo của Đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở KH-ĐT cùng sở GD-ĐT, Sở Xây dựng và Kho bạc nhà nước về tiến độ thực hiện Chương trình KCH trường, lớp tại 9 huyện, thị thì mới có 42 trường đã khởi công xây dựng. Trong đó chỉ có 3 trường đã hoàn thành đưa vào sử dụng, số còn lại hoàn thành trong dịp hè và có khả năng hoàn thành trước năm học mới.
Điều đáng nói là tổng mức đầu tư của các trường hầu hết vượt kế hoạch vốn mà tỉnh đã phân bổ. Nguyên nhân khách quan do đơn giá nhân công, vật liệu xây dựng đối với một phòng học theo thiết kế mẫu của tỉnh và Bộ GD-ĐT tăng so với định mức 110 triệu đồng-phòng học của Chính phủ. Với định mức này mỗi phòng học phổ thông vượt từ 30-40%; mầm non vượt từ 80-90%.
Song thực tế cho thấy, không thể đổ hết cho vấn đề trượt giá mà trong đó còn có phần trách nhiệm của một số UBND huyện, thị xã và chủ đầu tư chậm triển khai chương trình KCH trường lớp mặc dù đã được tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cho nên nhiều công trình đến tháng 5-2006 mới được phê duyệt quyết định đầu tư. Thống kê ban đầu số vốn vượt định mức đầu tư lên tới trên 10 tỷ đồng mà một trong những nguyên nhân đội vốn đầu tư do phê duyệt đầu tư chậm trễ của các địa phương.
Xử lý phần vượt định mức kế hoạch của các công trình này, ông Nguyễn Xuân Kiền - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết Sở đề nghị UBND chỉ giải quyết những phần vốn vượt hợp lý theo kế hoạch và khối lượng mà tỉnh giao, không giải quyết số phòng, hạng mục phát sinh thêm khi chưa có chủ trương điều chỉnh vốn hoặc ngoài kế hoạch của tỉnh. Riêng đối với các công trình không thể khởi công sớm, điều chỉnh vốn sang bổ sung đầu tư cho các trường khác thuộc chương trình KCH trường lớp của huyện đã có khối lượng nhưng tổng mức đầu tư vượt kế hoạch vốn.
Chưa có phòng học mới (thậm chí không có) trong đầu năm học 2006-2007 ở nhiều địa bàn là điều đã rõ. Liệu tình trạng chậm trễ này kéo dài đến bao giờ?!
. Theo báo Lâm Đồng
|