Lâm Đồng: Mở rộng vùng khai thác du lịch
10:55', 26/7/ 2006 (GMT+7)

Những hướng du lịch mới như du lịch chuyên đề, du lịch dã ngoại, thám hiểm dần lấn át những tour du lịch thuần túy tham quan tổng hợp. Đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu được đi du lịch ngày càng tăng cao đặt ra cho các nhà thiết kế tour phải tìm những “mảng” du lịch lạ, hấp dẫn khách du lịch. Nếu loại hình du lịch mua sắm thường phát triển ở những thành phố thương mại thì, du lịch dã ngoại hướng về thiên nhiên vùng sâu được coi là sự “đổi món” khá phù hợp tại nhiều địa phương.

Ngoài Đà Lạt - một thành phố du lịch khá hấp dẫn, gần như trải đều ở khắp các địa phương khác trong tỉnh đều có những vùng đất đầy tiềm năng để phát triển tour du lịch trở về cội nguồn thiên nhiên như Đạ Huoai, Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng, Lạc Dương… Vùng sâu có nét đẹp của núi non hiểm trở, thiên nhiên hoang sơ và khoáng đạt, hệ thống suối thác liên tiếp, với những bản làng của đồng bào dân tộc bản địa chưa bị ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa còn lưu giữ nét văn hóa bản sắc riêng…

Đạ Huoai tuy cách xa trung tâm Đà Lạt nhưng lại thuận lợi hơn trong việc thiết kế những tour từ Thành phố Hồ Chí Minh lên với rừng Mađaguôi, hệ thống hang động như hang Dơi, hang Thầy; sông suối…Giải thích lý do thành công của khu du lịch này, nhiều trung tâm hướng dẫn du lịch cho rằng, việc qui hoạch có hệ thống, chu đáo của đơn vị đầu tư đã lôi cuốn được khách. Đến với Mađaguôi, khách có thể thả hồn cùng nét hùng vĩ mà nên thơ của một vùng chỉ cách thành phố 150 km, rất thuận tiện khi đi theo tour trong ngày. Lên đến Bảo Lộc với thác Đambri hùng vĩ tung bọt trắng xóa. Cách đây hai năm, một học sinh phổ thông từ TP HCM đã nghiên cứu thành công việc bay bằng khinh khí cầu tại điểm này. Bảo Lâm- một huyện mới với những thắng cảnh như hồ Tân Rai (Lộc Thắng), thác 7 tầng Tà Ngào (Lộc Thành), khu du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử Lộc Bắc, Đồi Cù (Lộc Tân)…

Lạc Dương gắn liền với làng dệt thổ cẩm ở xã Lát, hoạt động ca múa nhạc của nhiều nhóm công chiêng và đỉnh Langbian đã được xếp hạng di tích quốc gia. Xuân Trường- một xã anh hùng của thành phố Đà Lạt không chỉ có bề dày lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, mà còn là cả một vùng du lịch nhiều tiềm năng với loại hình du lịch sinh thái chè…

Tiềm năng dồi dào nhưng biến tiềm năng thành hiện thực, đưa du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn, kinh tế động lực đang là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nhiều công trình, nhiều dự án đang được triển khai một cách tích cực với hy vọng chỉ vài năm nữa, du lịch Lâm Đồng- Đà Lạt phát huy. Theo đó, các loại hình du lịch có điều kiện phát triển.

Vùng sâu không chỉ có nét đẹp cảnh quan mà còn là nét đẹp văn hóa cộng đồng của đồng bào dân tộc thiểu số. Xã hội hóa du lịch là một hướng phát triển cần được đẩy mạnh. Rất nhiều địa chỉ du lịch ở vùng sâu đã khai thác du lịch bằng cách giới thiệu những sản phẩm thổ cẩm, chóe rượu cần, những đêm ca múa nhạc do chính người bản địa biểu diễn. Điều đó chỉ là những phần nổi đời sống văn hóa của đồng bào. Nhiều du khách bày tỏ mong muốn cùng được trồng rau, cùng được ủ rượu cần… cùng được chăm bón cà phê hay được hướng dẫn chế biến một bữa ăn theo kiểu dân địa phương.

Thông qua những hoạt động ấy, cái hồn tinh túy của tour du khảo sẽ lưu lại sâu đậm hơn trong mỗi du khách. Công ty du lịch dã ngoại Phương Nam với hướng đầu tư khai thác du lịch dựa trên nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những đơn vị khai thác loại hình du lịch dã ngoại thành công của tỉnh. Theo ông Nguyễn Đức Phúc, giám đốc Công ty du giá tour một ngày đêm đến tham quan tại khu du lịch Đrahoa không rẻ(350.000đồng/khách đối với đoàn 10 người) nhưng rất nhiều đoàn khách nước ngoài hứng thú với tour du lịch dã ngoại đến với núi Voi, được sống và sinh hoạt với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, được cưỡi voi, đi thuyền, uống tách cà phê chế biến từ chính sản phẩm canh tác của bà con…

Du lịch vùng sâu đem lại nhiều điều thú vị cho khách tham quan, nhưng phát triển du lịch ở những vùng này đòi hỏi sự khéo léo trong hoạch định chiến lược để vừa giữ được cái nền của cuộc sống địa phương mà vẫn có những dịch vụ mới mẻ hấp dẫn du khách. Và một điều cần thiết là hãy tạo ra những cảm giác khám phá cho du khách ở mỗi điểm dừng chân.

. Theo báo Lâm Đồng

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hội mùa Tây Nguyên  (25/07/2006)
Lâm Đồng: Nhiều trường không kịp ngày khai giảng  (24/07/2006)
Khu kinh tế mở Chu Lai: Trên hành trình phát triển  (24/07/2006)
Rừng đặc dụng Tà Cú và tiềm năng du lịch sinh thái  (21/07/2006)
Gò Thì Thùng - dấu xưa còn đó  (21/07/2006)
Dấu ấn của Chủ tịch nước CHDCND Lào tại Việt Nam  (20/07/2006)
Bờ xe nước sông Trà  (20/07/2006)
Thành phố bên bờ sông Trà và cái đích đô thị loại II  (19/07/2006)
Làng chài Phú Nghĩa: Dòng đời dập dìu theo con nước  (19/07/2006)
Du lịch Ninh Thuận trên đường khởi sắc  (18/07/2006)
Đà Nẵng trước cơ hội thu hút các dự án công nghệ  (18/07/2006)
Con đường phát triển Quảng Nam  (17/07/2006)
Huế Thơ !  (16/07/2006)
Phát triển du lịch bền vững cần có sự tham gia của cộng đồng  (14/07/2006)
Đi cáp treo giảm giá  (13/07/2006)